Cập nhật: Thứ sáu 09/07/2021 - 09:12
Tour trải nghiệm “Đêm thiêng liêng” tại di tích Nhà tù Hỏa Lò - sản phẩm du lịch mới được xây dựng, góp phần làm nên thương hiệu riêng cho du lịch Thủ đô, thu hút nhiều du khách. Ảnh: Công Đạt
Tour trải nghiệm “Đêm thiêng liêng” tại di tích Nhà tù Hỏa Lò - sản phẩm du lịch mới được xây dựng, góp phần làm nên thương hiệu riêng cho du lịch Thủ đô, thu hút nhiều du khách. Ảnh: Công Đạt

Từ đầu năm 2020 đến nay, ngành Du lịch nói chung và du lịch Thủ đô nói riêng phải đối diện với khó khăn chồng chất do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Trong “bức tranh” chung của du lịch cả nước, Hà Nội đã đóng góp tích cực vào nỗ lực phục hồi, tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Nhân kỷ niệm 61 năm Ngày Du lịch Việt Nam (9/7/1960 - 9/7/2021), phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang về giải pháp phát triển du lịch Thủ đô trong tình hình mới.

- Xin đồng chí cho biết, dịch COVID-19 kéo dài hơn 1 năm qua đã gây thiệt hại cho ngành Du lịch Thủ đô như thế nào?

- Từ đầu năm 2020 đến nay, ngành Du lịch bị thiệt hại rất lớn sau 4 đợt bùng phát của dịch COVID-19. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2021, khách du lịch đến Hà Nội chủ yếu là khách nội địa, ước khoảng 2,9 triệu lượt khách, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2020. Công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1-5 sao ước đạt 24%, giảm 7,8%; còn tổng thu từ khách nội địa ước đạt 8,1 nghìn tỷ đồng, giảm 57% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, tác động tiêu cực của dịch khiến các doanh nghiệp, đại lý lữ hành lao đao. Cuối tháng 3-2021, có tới 95% số lượng doanh nghiệp lữ hành phải dừng hoạt động; 90% người lao động trong lĩnh vực lữ hành phải nghỉ việc tạm thời hoặc chấm dứt hợp đồng lao động.

- Vậy, ngành Du lịch Thủ đô đã nỗ lực khắc phục thiệt hại ra sao, thưa đồng chí?

- Trong các đợt dịch, ngành Du lịch đã chủ động xây dựng những kịch bản phục hồi dựa trên diễn biến thực tế của công tác phòng, chống dịch. Ngay từ đầu năm 2021, Hà Nội xác định mục tiêu đón khách du lịch nội địa, nhưng vẫn chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng đón khách quốc tế khi được phép, đồng thời xác định bất cứ khi nào dịch được kiểm soát là hoạt động du lịch lập tức được khởi động trở lại.

Sở Du lịch Hà Nội cũng đã tổ chức Hội nghị xây dựng sản phẩm kích cầu du lịch nội địa với sự tham gia tích cực của các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh du lịch cùng nhiều sản phẩm chất lượng tốt đi kèm giảm giá 15-35%. Các sản phẩm du lịch mới được xây dựng, làm nên thương hiệu riêng cho du lịch Thủ đô, như: Tour trải nghiệm "Đêm thiêng liêng" tại di tích Nhà tù Hỏa Lò, tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”… Nhiều chương trình khảo sát du lịch cũng đã được tổ chức tại các huyện: Quốc Oai, Thường Tín, Đan Phượng… để các doanh nghiệp nghiên cứu xây dựng sản phẩm mới.

Ngoài ra, Sở Du lịch Hà Nội cũng kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền của thành phố triển khai các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, như: Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm giá điện, hỗ trợ lực lượng lao động du lịch thất nghiệp..., qua đó giúp các doanh nghiệp giảm bớt một phần khó khăn.

- Đợt dịch thứ 4 vẫn còn diễn biến phức tạp, khiến hoạt động du lịch lâm vào trạng thái “đóng băng”. Vậy, ngành Du lịch Hà Nội có giải pháp gì để thực hiện mục tiêu năm 2021 đón 11-15 triệu lượt khách?

- Trong bất cứ tình huống nào thì ngành Du lịch Thủ đô đều có các giải pháp phục hồi thị trường nhanh nhất có thể. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, Sở đã yêu cầu các đơn vị nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo thông điệp "5K” (khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - khai báo y tế - không tập trung đông người) của Bộ Y tế; thực hiện đánh giá và cập nhật thông tin lên hệ thống an toàn COVID-19 quốc gia theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trên website http://safe.tourism.com.vn. Cùng với đó, ngành Du lịch Hà Nội tập trung nâng cao chất lượng các điểm đến, sản phẩm du lịch dựa trên lợi thế của từng địa phương; mở rộng phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm và tổ chức sự kiện); đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động du lịch... Trong tháng 6-2021, khi UBND thành phố cho phép nới lỏng một số hoạt động, Sở Du lịch đã đề nghị các đơn vị bắt tay triển khai sản phẩm du lịch an toàn, trong đó nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh vẫn được đặt lên hàng đầu.

- Còn kế hoạch chuẩn bị đón du khách quốc tế thì sao, thưa đồng chí?

- Bên cạnh việc nâng cao chất lượng điểm đến và sản phẩm, Sở Du lịch Hà Nội còn có kế hoạch tổ chức các hoạt động thu hút du khách trong và ngoài nước. Sở đang tham mưu UBND thành phố kế hoạch tổ chức lễ hội quà tặng, lễ hội áo dài năm 2021, các hoạt động thu hút khách gắn với các sự kiện lớn… Ngoài ra, ngành Du lịch Hà Nội cũng đang đẩy mạnh chương trình quảng bá du lịch và tham gia vào các hoạt động xúc tiến du lịch quốc tế.

Với sự chia sẻ khó khăn, tăng cường liên kết, hợp tác của các địa phương, đơn vị, cộng đồng doanh nghiệp du lịch, tôi tin tưởng rằng, du lịch Hà Nội sẽ vượt qua thử thách, tiếp tục nỗ lực cho “mục tiêu kép” để nhanh chóng phục hồi.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!


Theo HNMO