Những tác động của COVID-19 khiến cho nhiều người rơi vào trạng thái stress, trầm cảm, rối loạn cảm xúc. (Ảnh minh họa)
Gia tăng tỷ lệ bệnh nhân đi khám vì bệnh lý tâm thần
Theo GS, TS Cao Tiến Đức, chủ nhiệm Bộ môn tâm thần, Bệnh viện Quân y 103, trong đại dịch, số bệnh nhân tới khám vì những bệnh lý tâm thần gia tăng. Bên cạnh những lo lắng vì bị thất nghiệp, cách ly dài ngày khiến stress, lo âu… thì có nhiều người đến trong tình trạng suy giảm trí nhớ, thậm chí bị ảnh hưởng trí tuệ.
GS Đức phân tích, COVID-19 không chỉ tác động về mặt sức khỏe như tổn thương phổi, hô hấp, mà còn ảnh hưởng tới não. Nhiều nghiên cứu ở Mỹ cho thấy, 30% bệnh nhân mắc COVID-19 có các di chứng về tâm thần sau khi khỏi bệnh.
Các đối tượng được cho là bị sang chấn nặng nề nhất là người cao tuổi, người có bệnh mạn tính, trẻ em đi cách ly không có bố mẹ, những người trong gia đình mắc bệnh vấp phải sự kỳ thị của mọi người; hay trường hợp những người bị mất mát người thân vì dịch bệnh… “Những chấn thương tâm lý này rất nghiêm trọng”, GS Đức nói.
Phân tích về bệnh lý này, GS Đức cho biết, một số trường hợp mắc bệnh lý tâm thần có thể tự khỏi nhưng hầu hết tiến triển thành mãn tính dẫn tới chất lượng cuộc sống giảm sút, mệt mỏi, căng thẳng, lo lắng, sợ hãi, không làm được việc, ảnh hưởng mối quan hệ trong gia đình… Khi ở tình trạng nguy hại nhất, bệnh nhân không chỉ có ý nghĩ tiêu cực tự làm hại bản thân là tự sát mà còn có hành vi giết cả người thân hoặc người mình thù ghét rồi tự tử.
Ghi nhận tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội thời gian qua, tỷ lệ bệnh nhân đến khám và điều trị gia tăng thuộc các nhóm đối tượng đến từ các vùng dịch tễ; phát bệnh tại các khu cách ly tập trung; có tiền sử bệnh tâm thần; người đi lang thang…
Theo BS Thắng, đến nay chưa có bằng chứng khoa học khẳng định virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 trực tiếp gây bệnh lý tâm thần. Nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 gây ra những nguy cơ về việc làm, cuộc sống đảo lộn... tạo nên những biến cố lớn ảnh hưởng tâm lý.
“Các bệnh nhân có vấn đề về sức khỏe tâm thần có thể có các biểu hiện như: mất ngủ, lo âu, stress kéo dài... Các triệu chứng có thể chưa đủ dài về thời gian, chưa đủ để chẩn đoán là mắc bệnh lý về tâm thần, nhưng nó cũng đã ảnh hưởng chức năng giao tiếp trong nghề nghiệp, cuộc sống, trong gia đình, cần được hỗ trợ của bác sĩ chuyên khoa tâm thần”, bác sĩ Thắng lưu ý.
ThS, BS Nguyễn Viết Chung, khoa Sức khoẻ Tâm thần, Bệnh viện E cho hay, Covid-19 không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra những rối loạn tâm thần, nhưng là một trong những yếu tố thêm vào để khởi phát một rối loạn tâm thần như: lo âu, trầm cảm, stress và các rối loạn giấc ngủ. Nhóm đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất phải kể tới nhóm làm việc tại văn phòng.
Trong thời gian dịch bệnh, bác sĩ Chung đã tiếp nhận nhiều trường hợp, trong đó biểu hiện bệnh khá nghiêm trọng. Điển hình là một du học sinh mắc trầm cảm khá nặng. Trong thời gian học ở châu Âu, do lo ngại dịch bùng phát manh, bệnh nhân đã rất lo lắng sợ mắc bệnh và mong muốn được về nước. Trước sự hoảng loạn của bệnh nhân, gia đình đã tìm mọi cách để đưa em về.
Tuy nhiên khi về nước, tình trạng của bệnh nhân liên tục rơi vào triệu chứng như: mất ngủ, lo âu, buồn chán và suy nghĩ có lỗi với gia đình, mặc cảm, bi quan về tương lai. Sau đó, bệnh nhân đã đi khám. Sau ba tháng điều trị,, tình trạng của bệnh nhân đã tốt hơn.
Một trường hợp khác là một lãnh đạo ở chi nhánh ngân hàng. Trong hoàn cảnh dịch bệnh, nhiều bộ phận làm việc online. Bệnh nhân thường xuyên lo nghĩ về hiệu quả làm việc của nhân viên, về nguy cơ bị nhiễm bệnh. Sự lo nghĩ này khiến bệnh nhân luôn luôn dò xét mọi người chung quanh. Tất cả những điều này khiến cho bệnh nhân gặp phải rất nhiều cơn tăng huyết áp như: đỏ bừng mặt, tim đập nhanh, run, chóng mặt…
Bệnh nhân có những triệu chứng: lo lắng, mất ngủ, xuất hiện những cơn rối loạn chức năng thần kinh thực vật (tăng huyết áp, tim đập nhanh, chóng mặt). Bệnh nhân từng khám tim mạch, uống thuốc huyết áp nhưng không đỡ. Tại khoa Sức khỏe tâm thần, BS Chung nhận định bệnh nhân mắc rối loạn thích ứng với phản ứng lo âu. Sau thời gian điều trị, tình trạng bệnh nhân đã được cải thiện.
Những triệu chứng nào nên đi khám sức khỏe tâm thần?
Các bác sĩ cho biết, việc điều trị cho bệnh nhân rối loạn tâm thần đã phức tạp thì hiện nay liên quan đến COVID-19, công tác điều trị còn khó khăn hơn rất nhiều. Người bệnh rất khó tuân thủ đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, vệ sinh, tránh giao tiếp giữa các bệnh nhân với nhau để tránh lây nhiễm.
Bác sĩ Chung cảnh báo, Covid-19 ảnh hưởng tới sức khoẻ tâm thần của tất cả mọi người, vì vậy khi có một vài biểu hiện nên đi khám. Thí dụ như rơi vào tình trạng khó ngủ, ngủ không tốt, dễ gặp ác mộng, ngủ hay tỉnh dậy giữa đêm, ngủ dậy vẫn thấy mệt mỏi…
Trạng thái hay gặp nhất đó là mệt mỏi mãn tính, cơ thể không có năng lượng, không có động lực làm việc, không có năng lượng làm gì. Có người có thể thay đổi cảm xúc, dễ cáu gắt, nóng giận, nhỏ nhen hơn trước đây, không kiểm soát được cảm xúc của mình. Ngoài ra, có người có trạng thái hay gặp lo lắng, suy nghĩ quá nhiều, mất tập trung dẫn tới không làm được việc gì.
Để đối phó với tình hình dịch còn diễn biến dài, nếu không tự tìm cách thích nghi, sẽ có nguy cơ rơi vào trạng thái trầm cảm, mắc bệnh lý tâm thần. Vì thế, BS Chung cho rằng, nếu công việc của bạn phải làm việc tại nhà thì cần thu xếp những khoảng thời gian để nghỉ ngơi, cần có thời gian biểu mỗi ngày và thực hiện đúng như vậy. Cần có phòng làm việc đủ yên tĩnh để hoàn thành công việc. Chỉ làm đủ thời gian như ở cơ quan.
Ăn uống lành mạnh, tập thể dục mỗi ngày và cũng cần có sự kết nối với các thành viên khác trong gia đình, bạn bè. Tránh tình trạng 24/7 đọc các tin tức mới trên mạng xã hội sẽ khiến cho bạn mất thời gian và không tập chung vào công việc của mình.