Cập nhật: Thứ bẩy 10/07/2021 - 13:48
Các đại biểu tham dự Lễ phát động tại điểm cầu Thái Nguyên.
Các đại biểu tham dự Lễ phát động tại điểm cầu Thái Nguyên.

Hôm nay (10-7), Việt Nam đã tổ chức Lễ phát động chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 toàn quốc. Lễ phát động được tổ chức theo hình thức trực tuyến, nối với điểm cầu của các tỉnh, thành phố trong cả nước. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo tại lễ phát động.

Tại điểm cầu Thái Nguyên có sự tham dự của các đồng chí: Trịnh Việt Hùng, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh; Đặng Xuân Trường Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Thường trực Ban Chỉ đạo Phòng, chống COVID-19 tỉnh.

Theo kế hoạch, chiến dịch tiêm chủng lần này sẽ triển khai tại tất cả các xã, phường, thị trấn trên toàn quốc; sử dụng tất cả các loại vắc xin đủ điều kiện từ các nguồn cung ứng khác nhau để tăng độ bao phủ của vắc xin cho người dân; đảm bảo tiêm hết số lượng vắc xin trước khi hết hạn sử dụng. Thực hiện chiến dịch, cả nước huy động tối đa các lực lượng bao gồm các cơ sở trong và ngoài ngành Y tế, lực lượng công an, quân đội, các tổ chức chính trị xã hội, các ban, ngành, đoàn thể hỗ trợ triển khai tiêm chủng. Qua đó, đảm bảo tỷ lệ bao phủ và tỷ lệ sử dụng vắc xin cao cho người trong độ tuổi tiêm chủng được tiêm vắc xin phòng COVID-19 (đạt trên 90%)…

Tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho lực lượng công an.

Chiến dịch lần này triển khai trên quy mô lớn, đảm bảo tiêm chủng 150 triệu liều vắc xin cho toàn thể người dân đủ điều kiện tiêm (từ 18 đến 65 tuổi). Chiến dịch dự kiến được triển khai từ tháng 7 năm 2021 đến tháng 4 năm 2022. Với mục tiêu lớn nhất là tổ chức tiêm chủng cho người dân trong độ tuổi tiêm chủng nhiều nhất, nhanh nhất để bảo vệ sức khoẻ và tính mạng của người dân, chiến dịch lần này có nhiều điểm thay đổi so với chương trình tiêm chủng quốc gia lâu nay của nước ta và đã đang thực hiện. 

Cụ thể, vấn đề vận chuyển, phân phối, bảo quản vắc xin đã thiết lập nên một hệ thống bảo quản hoàn toàn mới dựa vào lực lượng quân đội. Vắc xin được bảo quản tại các kho của các quân khu mà Bộ Quốc phòng và Y tế đã phối hợp thiết lập, đạt tiêu chuẩn bảo quản GSP. Vắc xin từ đó chuyển tới tất cả các điểm tiêm ở các quận, huyện của các địa phương một cách nhanh nhất, đảm bảo yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng của vắc xin. Theo đó, nước ta huy động một lực lượng lớn tổ chức tiêm chủng tại tất cả các điểm tiêm di động, cố định; dựa vào mạng lưới hệ thống y tế cơ sở của dân sự và y tế của quân đội, công an để triển khai đồng loạt công tác tiêm chủng, từ đó tăng tiến độ bao phủ vắc xin cho nhân dân…

Phát biểu tại Lễ phát động, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, tiêm vắc xin được coi là biện pháp hữu hiệu nhất trong phòng, chống dịch. Do đó, Việt Nam chủ động tiêm vắc xin miễn phí cho người dân. Đồng chí yêu cầu các cấp, ngành chức năng triển khai chiến dịch phải bảo đảm an toàn trong tiêm chủng. Đồng thời, kêu gọi người dân cả nước đồng sức, đồng lòng để chiến thắng dịch bệnh, mỗi người dân hãy thực hiện thông điệp mình vì mọi người, mọi người vì mình, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch…

Tại Thái Nguyên, sau 2 đợt, đến nay đã có được gần 25 nghìn người được tiêm vắc xin phòng COVID-19. Hiện nay, toàn tỉnh đang khám sàng lọc trước tiêm cho công nhân; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan, đơn vị; nhân dân ở các địa phương để ngay khi tiếp nhận vắc xin từ Bộ Y tế sẽ triển khai tiêm phòng cho toàn dân.

Tùng Lâm