Cập nhật: Thứ tư 14/07/2021 - 07:53
Gia đình ông Nông Văn Nghĩa (bên trái), ở xóm Làng Mới, là 1 trong 15 hộ tham gia mô hình ghép cải tạo nhãn được triển khai trong hai năm (2020-2021) với quy mô 3ha tại xã Tân Long (Đồng Hỷ).
Gia đình ông Nông Văn Nghĩa (bên trái), ở xóm Làng Mới, là 1 trong 15 hộ tham gia mô hình ghép cải tạo nhãn được triển khai trong hai năm (2020-2021) với quy mô 3ha tại xã Tân Long (Đồng Hỷ).

Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay, diện mạo xã Tân Long (Đồng Hỷ) đã khởi sắc, đời sống người dân từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, việc thực hiện một số tiêu chí NTM ở xã vùng cao này đang gặp khó khăn nên khả năng cán đích NTM vào năm 2023 theo lộ trình đề ra còn khá gian nan.

Tân Long bắt tay vào xây dựng NTM trong điều kiện là xã có xuất phát điểm thấp, địa bàn rộng, dân cư thưa, cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, tỷ lệ hộ nghèo cao và nằm trong nhóm những xã khó khăn nhất của huyện Đồng Hỷ. Trước thực tế đó, cấp ủy, chính quyền xã đã tích cực tuyên truyền, vận động để người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa của xây dựng NTM, từ đó tự nguyện chung sức, đồng lòng từng bước hoàn thành các tiêu chí. 

Đồng chí Hoàng Hồng Nhật, Chủ tịch UBND xã Tân Long cho biết: Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM, đến nay, xã đã đạt 14/19 tiêu chí. Toàn xã hiện có 38km đường trục xóm và liên xóm đã được bê tông hóa; 65% đường ngõ, xóm và nội đồng được cứng hóa; 3 trong tổng số 4 trường học đạt chuẩn Quốc gia; 9/9 xóm có nhà văn hóa đạt chuẩn theo quy định; thu nhập bình quân đạt 29 triệu đồng/người/năm (năm 2020); tỷ lệ hộ nghèo còn 437 hộ, bằng 28,82%...

Hiện nay, xã Tân Long còn 5 tiêu chí NTM chưa đạt, gồm: Thông tin và truyền thông, tổ chức sản xuất, thu nhập, hộ nghèo, môi trường và an toàn thực phẩm. Theo đánh giá của các đồng chí lãnh đạo địa phương thì 3 tiêu chí: Tổ chức sản xuất, thu nhập, hộ nghèo là những "nút thắt" khó gỡ. Đối với tiêu chí thu nhập, những năm qua, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp phát triển kinh tế như: Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế vườn đồi, trang trại; đưa một số loại cây ăn quả có giá trị (như: Bưởi, na, hồng, đào…) vào sản xuất. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những giải pháp đó mới chỉ giúp người dân có thêm nguồn thu nhập để cải thiện phần nào cuộc sống, chứ chưa thực sự phát huy được hiệu quả nâng cao thu nhập theo đúng tiêu chuẩn NTM. 

Ông Trần Văn Hồ, Trưởng xóm Lân Quan chia sẻ: Trong tổng số 130 hộ dân trong xóm thì tỷ lệ hộ nghèo, thiếu vốn sản xuất còn cao, việc tiếp thu kiến thức khoa học - kỹ thuật của đồng bào còn hạn chế. Một bộ phận không ít người dân còn thụ động, thiếu động lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo. Số hộ thoát nghèo có nguy cơ tái nghèo hằng năm còn rất cao. Vì vậy, xóm hiện vẫn còn 80 hộ nghèo, 31 hộ cận nghèo...

Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, bên cạnh những lý do nếu trên, các hình thức phát triển sản xuất tại xóm còn lạc hậu, chưa đem lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2019, xã Tân Long đã thành lập HTX Mỏ Ba nhưng mô hình này hoạt động không hiệu quả nên đã xin dừng sản xuất, kinh doanh từ cuối năm 2020. Trên địa bàn xã đến nay cũng chưa hình thành liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. 

Ông Phạm Tuấn Tú, Bí thư kiêm Trưởng xóm Mỏ Ba cho hay: Cả xóm có 174 hộ dân thì có tới 87 hộ nghèo, 41 hộ cận nghèo. Cách đây 5-7 năm, chính quyền địa phương cũng đã vận động bà con đưa cây bưởi, cây chè vào trồng trên nương, rẫy nhưng do chất đất không phù hợp nên những cây trồng này không phát huy hiệu quả. Hiện xóm vẫn chưa có mô hình sản xuất hàng hóa tập trung dẫn đến việc giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân còn khó khăn.

Cùng với đó, các lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn chậm phát triển, công tác đào tạo nghề còn nhiều hạn chế nên việc “kéo giãn” lao động nông thôn ra khỏi sản xuất nông nghiệp không phải là chuyện "một sớm một chiều".
Với mục tiêu phấn đấu 100% số xã trên địa bàn đạt chuẩn NTM và trở thành huyện NTM vào năm 2025, huyện Đồng Hỷ dự kiến sẽ đầu tư 112 tỷ đồng cho 2 xã cuối  cùng là Văn Lăng và Tân Long về đích trong năm 2022 và 2023.

Với xã Tân Long, các nguồn lực được tập trung chủ yếu nhằm xây dựng hạ tầng nông thôn. Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ nghiên cứu, đầu tư xây dựng các mô hình kinh tế đem lại hiệu quả cho người dân. Tuy nhiên, để cán đích NTM, vẫn cần sự nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương. Trước mắt, xã Tân Long cần tích cực tuyên truyền người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm tạo ra vùng sản xuất hàng hóa; ưu tiên hỗ trợ sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân…

Minh Phương