P.V: Xin ông cho biết hiện nay, công tác quản lý Nhà nước đối với các mỏ đất trên địa bàn tỉnh được thực hiện như thế nào?
Ông Nguyễn Thế Giang: Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các huyện, thành phố, thị xã tăng cường công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, trong đó có khoáng sản làm vật liệu san lấp. Qua đó, tình trạng khai thác vật liệu san lấp (đất) trái phép ở một số địa phương, như: T.X Phổ Yên, huyện Phú Bình, T.P Sông Công… đã có chuyển biến tích cực. Tới đây, để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác này, Sở đang xây dựng Đề án Tăng cường quản lý Nhà nước về tài nguyên, khoáng sản, giai đoạn 2021-2025 để trình UBND, HĐND tỉnh xem xét.
P.V: Ông có thể cho biết thông tin về thực trạng nguồn vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh hiện nay?
Ông Nguyễn Thế Giang: Hiện nay, nguồn vật liệu san lấp cơ bản đáp ứng nhu cầu thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn. Tuy nhiên, các mỏ đất phân bố chưa đồng đều, nên các địa phương gặp khó khăn trong việc cung cấp vật liệu san lấp (giá thành vận chuyển cao). Nhiều công trình, dự án khi thi công xây dựng hạ tầng phải di chuyển đất thừa đi nơi khác, nhưng việc này gặp nhiều khó khăn. Bởi, theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 65 Luật Khoáng sản “Đối với khu vực chưa được điều tra, đánh giá về khoáng sản mà trong quá trình xây dựng công trình có phát hiện khoáng sản thì cơ quan thẩm quyền cấp giấy phép theo Điều 82 Luật này quyết định việc khai thác hoặc không khai thác trong phạm vi công trình; trường hợp quyết định khai thác thì không bắt buộc phải tiến hành thăm dò khoáng sản…”.
P.V: Trước những khó khăn trên, ngành chức năng của tỉnh đã có những hướng dẫn về hồ sơ thủ tục, quy trình cấp phép khai thác khoáng sản như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Thế Giang: Sau khi tiếp nhận đơn xin cấp phép của doanh nghiệp, Sở sẽ hướng dẫn các đơn vị hoàn thiện hồ sơ trong thời gian sớm nhất. Cùng với đó, tiến hành kiểm tra, thẩm định, đánh giá khối lượng đất thực tế cần chuyển đi của Dự án. Sau đó, trình các cơ quan có thẩm quyền quyết định. Hồ sơ gồm có: Đơn đề nghị cấp phép khai thác khoáng sản ở khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình; bản đồ khu vực khai thác khoáng sản; bản đồ quy hoạch tổng thể khu vực xây dựng dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; phương án khai thác khoáng sản trong diện tích dự án kèm theo phương án cải tạo môi trường, phục hồi môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt; quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan có thẩm quyền hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khu vực thực hiện dự án; quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng công trình (nếu có); quyết định phê duyệt dự án xây dựng công trình của cơ quan có thẩm quyền.
P.V: Xin cảm ơn ông!
Ông Vũ Duy Nghĩa, Chủ tịch UBND T.P Sông Công: Hiện nay, T.P Sông Công đang tập trung giải phóng mặt bằng dự án Khu công nghiệp Sông Công II. Trong phạm vi Dự án, lượng đất san ủi từ đồi, núi để tạo mặt bằng được sử dụng để san lấp tại chỗ, số đất dư thừa chỉ khi có sự chấp thuận của cấp có thẩm quyền mới được vận chuyển ra bên ngoài. Nhằm ngăn chặn tình trạng vận chuyển trái phép đất bán ra bên ngoài, thành phố đã yêu cầu cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã, phường tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đề nghị các doanh nghiệp trên địa bàn phối hợp với cơ quan chuyên môn khi thực hiện các công trình, dự án có hạng mục về khai thác khoáng sản, san lấp thực hiện đúng nội dung trong giấy phép khai thác… |
Ông Vũ Quang Dũng, Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ: Trên địa bàn huyện hiện có 5 điểm mỏ được cấp phép khai thác, vận chuyển đất san lấp, ở các xã Hóa Trung, xã Hóa Thượng và thị trấn Sông Cầu. Nhằm ngăn chặn tình trạng san gạt, vận chuyển trái phép, UBND huyện đã tổ chức ký cam kết với Chủ tịch UBND 15 xã, thị trấn về trách nhiệm quản lý tài nguyên khoáng sản. Các xã, thị trấn cũng thành lập ban chỉ đạo, tổ công tác nhằm tăng cường tuần tra, kiểm soát, siết chặt hoạt động khai thác đất san lấp trái phép trên địa bàn... |