Với tổng số 97 trường cấp mầm non, tiểu học và trung học cơ sở, 3 trường cấp trung học phổ thông, 1 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, Đại Từ là huyện có quy mô trường lớp thuộc diện lớn tỉnh.
Trong giai đoạn 2016-2020, toàn huyện đã xây dựng mới được gần 500 phòng học nhà cao tầng. Tổng kinh phí xây dựng, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị hơn 650 tỷ đồng, trong đó huy động nguồn lực trong nhân dân, tài trợ cho giáo dục hơn 150 tỷ đồng.
Cùng với việc xây dựng và duy trì vận hành một hệ thống trường lớp với quy mô lớn như vậy, lãnh đạo địa phương và những người làm công tác quản lý giáo dục của huyện rất chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục. Để hướng đến mục tiêu này, huyện quan tâm đầu tư cho công tác chuẩn hóa trong giáo dục, từ phổ cập giáo dục cho đến xây dựng trường chuẩn, bồi dưỡng giáo viên đạt và vượt chuẩn. Với quyết tâm và nỗ lực của địa phương và của Ngành, hiện nay, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi của huyện đạt 100%, phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở đạt mức độ 3.
Đồng chí Vũ Thị Bích Hường, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện cho biết: “Nhân tố cốt lõi trong giáo dục là đội ngũ cán bộ giáo viên được quan tâm bồi dưỡng đào tạo để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Tỷ lệ cán bộ, giáo viên đạt trên chuẩn của toàn huyện tăng cao, khối mầm non - tiểu học - trung học cơ sở là 85,7%; khối trung học phổ thông là 30,3%; khối bổ túc THPT là 45,5%.
Từ nền tảng này, chất lượng hoạt động dạy học trong các nhà trường được củng cố và không ngừng nâng cao. Những năm qua đã có nhiều tấm gương giáo viên tâm huyết, yêu nghề, dạy giỏi, đạt thành tích xuất sắc.
Với việc đầu tư nhiều nguồn lực, sự nỗ lực của đội ngũ quản lý giáo dục và cán bộ, giáo viên, sự chung tay đồng hành của nhân dân địa phương, đến nay, huyện đã có 98 trường (trong tổng số 101 trường) đạt chuẩn quốc gia. Đây là thành quả rất đáng khích lệ đối với giáo dục ở một địa phương vùng nông thôn miền núi như Đại Từ.
Đáng chú ý, một số trường nằm ở các xã vùng khó khăn, điều kiện còn hạn chế đã nhận được sự đầu tư, hỗ trợ cần thiết, cũng như huy động nội lực vượt lên. Điển hình như Trường THCS Minh Tiến có trên 80% học sinh là con em dân tộc thiểu số và gần 100 em thuộc diện hộ nghèo, khó khăn. Trong giai đoạn 2016 - 2020, Nhà trường có 161 giải học sinh giỏi cấp huyện và cấp tỉnh, 22 lượt giải giáo viên giỏi cấp huyện, 3 giáo viên giỏi cấp tỉnh. Năm 2019, Nhà trường đạt chuẩn quốc gia cấp độ 2. Hiện, Nhà trường có 100% giáo viên đạt chuẩn, trong đó 75% trên chuẩn; cơ sở vật chất đảm bảo với dãy nhà học 2 tầng xây mới, 2.000m2 sân trường lát gạch, hệ thống phòng học bộ môn, thư viện, nhà xe… đảm bảo phục vụ yêu cầu dạy học.
Bên cạnh các nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đội ngũ cựu giáo chức của huyện đã dành tâm huyết để vận động gia đình, nhân dân địa phương quyên góp ủng hộ xây dựng cơ sở vật chất, động viên tinh thần và chung tay chăm lo cho hoạt động dạy và học tại các nhà trường, tạo nên sức mạnh nội lực.
Liên tục từ năm 2016 đến nay, mỗi năm Hội Cựu giáo chức huyện vận động hội viên được hàng trăm triệu đồng hỗ trợ các nhà trường, đặc biệt là các hội viên đã hiến hàng nghìn mét vuông đất để mở rộng trường lớp, đường đến trường thuận lợi.
Bà Trần Thị Năm, đại diện Hội Cựu giáo chức xã Mỹ Yên hào hứng nói: Hội có trên 70 hội viên, trong đó có những hội viên tích cực như: Bà Đặng Thị Mười hiến trên 2.000m2 đất đồi, vườn; bà Nguyễn Thị Thùy hiến trên 345m2 đất; bà Cao Thị Anh hiến trên 560m2 đất để thông tuyến giao thông liên xã Mỹ Yên - Lục Ba, Mỹ Yên - Hoàng Nông… góp phần vừa thuận lợi về giao thông nông thôn, vừa an toàn cho học sinh đến trường…
Có thể nói, thành quả mà ngành Giáo dục Đại Từ đạt được trong những năm qua càng cho thấy vai trò quan trọng của việc chuẩn hóa trước mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục; sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và chung tay của cộng đồng vì sự nghiệp giáo dục.