Cập nhật: Thứ năm 22/07/2021 - 07:35
Nhà máy TNG Đại Từ (đóng chân trên địa bàn xã Tiên Hội) hiện đang tạo việc làm ổn định cho 2.000 lao động nông thôn của địa phương với mức thu nhập từ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng. Ảnh: N.N
Nhà máy TNG Đại Từ (đóng chân trên địa bàn xã Tiên Hội) hiện đang tạo việc làm ổn định cho 2.000 lao động nông thôn của địa phương với mức thu nhập từ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng. Ảnh: N.N

Đối với các vùng quê thuần nông, việc làm và thu nhập ổn định luôn là mong ước của người dân và cả chính quyền địa phương. Đất canh tác ít, không có nghề phụ nên phần lớn lao động trẻ ở các vùng nông thôn thường phải rời quê đi làm việc trong các nhà máy, khu công nghiệp ở xa nhà. Vợ hoặc chồng đi làm, người còn lại phải ở nhà hoặc cả hai vợ chồng đi làm, con cái gửi ông bà nuôi dạy nên nhiều giá trị khác phải đánh đổi để có cuộc sống ấm no hơn. Nhưng đến nay, khi nhiều nhà máy được xây dựng ngay ở các vùng quê, người lao động vẫn có thu nhập và được làm việc gần nhà. Bài toán “ly nông bất ly hương” đã có lời giải.

Chính sách thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư xây dựng nhà máy, xí nghiệp ngay tại các cụm công nghiệp hay trung tâm cụm xã trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây đã mang lại nhiều lợi ích. Nhà máy về làng giúp nhiều lao động trẻ “ly nông” mà không cần phải “ly hương”, không cần “dứt áo” đi làm xa, sống tạm bợ trong những khu nhà trọ chật chội. 

Hàng nghìn người lao động trên địa bàn tỉnh đã có được việc làm ngay tại quê hương, được sống cùng gia đình, có điều kiện chăm sóc người thân, nuôi dạy con cái, gắn bó tình làng nghĩa xóm. Từ đó, cuộc sống của các gia đình công nhân tại các vùng nông thôn đủ đầy hơn mà vẫn hạnh phúc, yên bình.

Dây chuyền sản xuất gang của Công ty CP Đầu tư và Thương mại Trọng Tín tại Cụm công nghiệp Trúc Mai, ở xã Lâu Thượng (Võ Nhai). Doanh nghiệp này hiện đang tạo việc làm ổn định cho hơn 60 lao động địa phương. Ảnh: T.Q

Để minh chứng cho những giá trị trên, chúng tôi đã tìm hiểu mô hình đưa nhà máy về các địa phương trong tỉnh của Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG. Hiện nay, TNG có 13 nhà máy với 257 chuyền may đặt tại hầu khắp các huyện, thành, thị trong tỉnh. Mỗi nhà máy của TNG hiện đang giải quyết việc làm cho khoảng 800 đến 2.000 lao động với mức thu nhập bình quân từ 6-8 triệu đồng/người/tháng. 

Ông Dương Văn Hào, Phó Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai: “Nhà máy TNG Võ Nhai đang giải quyết việc làm cho trên 800 lao động và tiến tới sẽ sử dụng 2.000 lao động. Đây là cơ hội rất lớn để lao động địa phương tìm được việc làm ngay tại quê hương. Qua đó, giải quyết được nhiều vấn đề lớn như chỗ ở cho người lao động, mối quan hệ giữa các thành viên trong từng gia đình, bảo đảm an toàn giao thông, phòng ngừa tệ nạn xã hội…”

Như vậy, mỗi tháng một người đi làm công nhân tại TNG đã có thu nhập tương đương giá trị của cả tấn thóc. Đây thực sự là khoản thu nhập mong muốn với đa số người nông dân trong tỉnh. Không những vậy, việc đưa các nhà máy về khu vực nông thôn đã mang lại nhiều giá trị cho cả DN, địa phương và người lao động. 

Đơn cử như tại Nhà máy TNG Đại Từ, đóng chân trên địa bàn xã Tiên Hội. Đi vào hoạt động từ năm 2015, hiện nay, Nhà máy đang tạo việc làm ổn định cho gần 2.000 lao động địa phương. Bà Nguyễn Hồng Tám, Phó Giám đốc Nhà máy TNG Đại Từ cho biết: Mỗi năm, đơn vị chi trả khoảng 150 tỷ đồng tiền lương cho người lao động, với mức thu nhập bình quân 7,5 triệu đồng/người/tháng. Trong số công nhân làm việc tại Nhà máy, có hàng trăm người thuộc diện phải đóng thuế thu nhập cá nhân (do có thu nhập cao)... 

Theo anh Dương Thế Phổ, công nhân làm việc ở Nhà máy TNG Đại Từ: Thời gian trước, tôi làm việc tại một nhà máy tại tỉnh Vĩnh Phúc nhưng phải ở trọ xa gia đình nên việc chăm lo, nuôi dạy các con không bảo đảm, sinh hoạt của bản thân cũng thiếu thốn về vật chất và tinh thần. Từ khi được tuyển dụng vào làm việc tại Nhà máy TNG Đại Từ, cuộc sống gia đình tôi đã có nhiều thay đổi. Tôi được làm việc gần nhà, có thêm thời gian sinh hoạt, gắn bó với gia đình, tập trung nuôi dạy con cái.

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG: “Chúng tôi tự hào vì chiến lược phát triển sản xuất, kinh doanh đúng đắn khi đưa nhà máy về các địa phương trong tỉnh. Việc làm này đã giải quyết được nhiều vấn đề lớn của DN như tuyển dụng lao động, giảm chi phí xây dựng nhà ở cho công nhân, phương tiện đưa, đón hằng ngày. Người lao động được làm việc gần nhà, địa phương giải quyết được nhiều vấn đề lớn về xã hội, có thêm nguồn lực để xây dựng nông thôn mới...”

Có thể thấy, việc đưa nhà máy với dây chuyền công nghệ hiện đại, sử dụng nhiều lao động phổ thông, ít yếu tố gây ô nhiễm môi trường về các vùng nông thôn trong tỉnh không những giúp chuyển dịch cơ cấu lao động mà còn giúp địa phương từng bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ, thương mại. 

Đơn cử như Nhà máy TNG Võ Nhai đã góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp của địa phương về số lượng, tỷ trọng. Nguồn tiền lương mà DN trả cho người lao động của huyện Võ Nhai làm việc tại đơn vị cũng góp phần kích cầu tiêu dùng. Về phía DN cũng có nhiều lợi ích khi có được nguồn lao động dồi dào và được các địa phương tạo điều kiện trong hoạt động đầu tư, xây dựng nhà máy. 

Từ những hiệu quả thực tế nêu trên, thiết nghĩ, việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, thu hút nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa nhằm sử dụng hiệu quả nguồn lao động tại chỗ, góp phần giảm bớt áp lực đối với các khu công nghiệp lớn là phương án có thể được các cấp, ngành chức năng ưu tiên xem xét, thực hiện. 

Dương Văn