Đặc sản ẩm thực của đồng bào DTTS vùng cao Minh Hóa (Quảng Bình)
Cơm bồi của người Chứt
Cơm bồi là món ăn đặc sản của người Nguồn (thuộc dân tộc Chứt) ở Minh Hóa. Món ăn này đã đi vào ca dao truyền miệng từ xưa của đồng bào: “Trời mưa dác chẳn queng hồi/Eng khôông lế cấy, ai tâm pồi cho eng ăn”. Nghĩa là: “Trời mưa nước chảy quanh hồi/Anh không lấy vợ, ai giã bồi cho anh ăn”.
Món cơm bồi, canh cá nấu chua và ốc suối
Nguyên liệu dùng để chế biến cơm bồi là hạt ngô, hạt gạo và có thêm cả củ sắn tươi. Ngô hạt được ngâm vào nước sôi khoảng 2-3 tiếng rồi vớt ra để ráo, bỏ vào cối giã, dần lấy bột, thấm nước lã, nhồi kỹ, đánh tơi ra, bỏ vào nghè hông (chõ đồ). Đổ nước vào nồi, lấy lá chuối khô vấn quanh miệng, bỏ chõ đồ có bột ngô lên, bắc lên bếp đun lửa khoảng một giờ đồng hồ là cơm bồi chín. Đồng bào đưa xuống bỏ vào khuôn đóng thành miếng cơm bồi để mang đi xa ăn; còn nếu ăn ngay thì đổ ra rá.
Đối với món cơm bồi được làm từ gạo thì vo gạo với nước nóng, các công đoạn khác cũng làm như với bột ngô. Nếu có thêm sắn củ tươi thì rửa sạch, bóc vỏ, giã ra ép bớt nước, trộn với bột ngô, bột gạo, nhồi kỹ, rồi cho vào chõ đồ chín thành món cơm bồi.
Món cơm bồi được người Nguồn ở Minh Hóa ăn với món ốc đực bắt ở suối và cà lào ở rừng, khoai lang nấu canh cá.
Ốc đực
Ốc đực ở Minh Hóa rất nhiều và thường sống ở các khe suối có nước trong, sạch. Con ốc đực là món quen thuộc với vùng quê này và đã đi vào thơ ca, nhạc họa.
Món ốc đực - đặc sản của đồng bào vùng cao huyện Minh Hóa
Ốc đực có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau, nhưng món phổ biến nhất là ốc luộc. Ốc đực luộc chín lên chấm với muối lá chanh, muối ớt. Khi ăn thì khều bởi gai bưởi, vị ốc rất thơm ngon. Nước luộc ốc có thể nấu canh rau khoai hay các món canh chua khác, ăn rất đậm đà, bắt miệng trong mùa nắng nóng.
Ngoài ra, ốc đực còn được chế biến thành món ốc chiên, nước ốc chấm với bánh tráng (bánh đa) khiến thực khách ăn một lần sẽ nhớ mãi.
Rau dớn
Rau dớn xào
Rau dớn là loài dương xỉ mọc hoang dại ở trong rừng. Rau dớn thường mọc ở khe suối, bên những tảng đá. Rau dớn vừa là một loại rau rừng sạch, được nhiều người ưa thích; vừa là một loại thảo mộc dùng để chữa một số bệnh phổ biến như cảm, ho, viêm họng... Rau dớn ăn vào lợi tiểu, chống táo bón… Rau dớn được đồng bào hái về, rửa sạch để luộc, nấu canh hoặc xào thịt, xào tỏi, làm nộm…
Canh trứng kiến nấu lá bún
Canh kiến được chế biến từ trứng của loài kiến đen, kiến vàng làm tổ trên những cây cao. Đây là món ăn độc đáo chỉ có ở Minh Hóa vào mùa Xuân vì nguyên liệu cây bún mọc trong rừng chỉ ra lá vào mùa Xuân. Người dân Minh Hóa lấy trứng kiến về đãi sạch và nấu với lá cây bún.
Trứng kiến và lá bún muối chua
Tuy nhiên để có món canh kiến nấu bún chua, phải có một công đoạn hết sức công phu là ủ chua lá bún. Lá bún non được thái sợi mịn rồi bỏ vào chum sành, thêm ít muối hạt, đường mơ, đổ thêm nước ấm khoảng 15oC vào và đậy kín lại, sau đó đặt cạnh bếp lửa chừng 3 ngày. Khi chum lá bún vần quanh bếp đã chuyển từ màu xanh sang màu vàng mơ và dậy mùi thơm thì lấy ra nấu với trứng kiến vừa đánh về. Nồi canh trứng kiến nấu bún có vị béo ngậy của trứng kiến, vị chua thanh của lá bún, ăn rất ngon, lạ miệng.
Ăn trứng kiến phải thật thư thả, thong dong. Người ăn cứ nhấm nháp từng chút một mới thấm thía vị ngậy, chua thanh, mang hương vị của núi rừng.
Ngày nay, món trứng kiến nấu lá bún của đồng bào vùng cao Minh Hóa trở thành đặc sản níu giữ chân du khách thập phương vào dịp lễ hội Rằm tháng 3 hàng năm.
Cá mát nướng
Cá mát nướng của người Khùa là món ngon đến từ khe suối của vùng đất Minh Hóa. Cá mát thường sống thành bầy đàn trong các khe suối, nhất là những vực nước sạch. Cá mát vừa lành, vừa bổ, thịt lại thơm ngon, ít xương. Được biết, loài cá này còn có tác dụng lợi sữa, tốt cho tim mạch và thích hợp với cả người già lẫn người béo phì.
Đồng bào Khùa giới thiệu món cá mát nướng
Cá mát có thể kho, rán, nấu canh chua…nhưng ngon nhất vẫn là nướng. Chỉ cần ăn một lần, thực khách sẽ nhớ mãi không quên hương vị thơm ngon của loại cá này.
Cua đá
Cua đá người dân địa phương còn gọi là khé, sống ở trong các khe suối núi đá. Vào mùa hè, thường là vào lúc chiều nhá nhem tối cho đến hết đêm, cua bắt đầu bò từ núi đá ra các khe suối. Khi đó, bà con rủ nhau đi bắt cua bằng tay. Ban ngày, cua lại chui vào hang trong các khe núi, nên nếu muốn bắt được cua thì phải có cần và mồi bằng giun đưa vào hang để dụ cua cặp vào mồi rồi kéo ra. Cua suối có kích thước tương đối to, mỗi cân chỉ từ 7-10 con.
Đặc sản cua đá
Sau khi bắt được cua mang về, bà con chế biến không cần cầu kỳ nhiều gia vị mà thường đem hấp, luộc, nướng với sả hay nấu canh với lá sắn rừng. Cua suối khi nấu chín có màu vàng hồng xen lẫn màu cánh gián, có mùi thơm đặc trưng. Cua được bày lên đĩa ăn nóng chấm với muối trắng kèm theo ớt. Không chỉ đẹp mắt mà món cua đá rất chắc thịt, vị thơm đậm đà.