Indonesia hiện có gần 1.000 ca tử vong vì COVID-19 mỗi ngày. Ảnh: AFP
Làn sóng bùng phát tại quốc gia đông dân thứ tư thế giới này đang kéo theo những câu chuyện đầy bi thảm. Hệ thống bệnh viện thiếu ôxy và thuốc điều trị. Bệnh nhân chết dần trong đơn độc vì người thân vắng mặt hoặc phải đứng đằng sau các tấm chắn bảo vệ. Indonesia đang chứng kiến trên 1.000 ca tử vong do COVID-19 mỗi ngày.
Tuy nhiên, ở Anh, con số trên dưới 50.000 ca mắc hàng ngày lại có tác động hoàn toàn khác biệt. Quốc gia này đã nới lỏng một loạt các biện pháp hạn chế vào ngày 19-7, hay còn được báo chí địa phương gọi là "Ngày Tự do".
Lần đầu tiên trong nhiều tháng, người dân Anh đổ xô đến các câu lạc bộ đêm. Hành khách không cần đeo khẩu trang khi đi tàu. Nhà hàng phục vụ thực khách tại chỗ mà không cần lo giãn cách. Mặc dù số ca lây nhiễm nhảy vọt, chỉ có khoảng 50 bệnh nhân tử vong mỗi ngày.
Đám đông thanh niên Anh tập trung ăn mừng bên ngoài một quán bar ở London sau khi lệnh giới hạn được dỡ bỏ vào lúc nửa đêm. ẢNh: AP
Vậy chìa khóa của sự khác biệt trên là gì? Tờ Bloomberg nhận định câu trả lời chính là: Tiêm vaccine. Hơn một nửa dân số Anh (55%) đã tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19, trong đó chủ yếu là người già và người có nguy cơ cao, giúp họ được bảo vệ khỏi căn bệnh nguy hiểm này cũng như khả năng phải nhập viện.
Tại Indonesia, chỉ 6% dân số đã tiêm đầy đủ. Vaccine COVID-19 khan hiếm còn nền dân số dễ bị tổn thương thì không thể chống lại căn bệnh vốn tấn công thế giới từ cuối năm 2019 này.
Khi các quốc gia phát triển hơn đang quay về trạng thái gần như bình thường, tổ chức liên hoan phim, tuần lễ thời trang và giải vô địch bón đá, cuộc khủng hoảng y tế trầm trọng nhất trong một thế hệ vẫn tiếp tục càn quét thế giới đang phát triển, đóng cửa các nền kinh tế cũng như giẫm đạp lên sinh kế của người dân.
Đó chính là dấu hiệu của những gì Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã cảnh báo cách đây nhiều tháng: "sự thất bại thảm hại về đạo đức" do sự phân hóa giàu nghèo trong tiếp cận vaccine.
Việc thiếu phương án bảo vệ ở các nền kinh tế mới nổi như Indonesia và trước đó là Ấn Độ cùng một số khu vực của Mỹ Latinh, không chỉ gây chết chóc cho các cá nhân và gây tàn phá cộng đồng địa phương, mà còn gây nguy hiểm cho cả thế giới.
Tiến sĩ Joanne Liu, Giáo sư y tế toàn cầu tại Đại học McGill ở Montreal và là cựu Chủ tịch quốc tế của Tổ chức Bác sĩ không biên giới, nhận xét đó là một sự lộn xộn thảm họa và sẽ rất khó tránh khỏi. "Nó giống như biến đổi khí hậu. Chúng ta thấy nó đang xảy ra mà chúng ta không biết làm cách nào để ngăn chặn nó. Cần một nỗ lực tập thể rất lớn", ông Liu nói.
Câu chuyện đầy báo động
Biến thể Delta đang lan khắp toàn cầu chính là minh chứng cho thấy điều gì có thể xảy ra khi COVID-19 có cơ hội để phát triển. Khả năng lây lan qua không khí của nó chính là nguyên nhân làm tăng tỷ lệ nhiễm ngay cả ở các quốc gia tràn ngập vaccine như Mỹ và Anh.
Chủng virus này được phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ - một “gã khổng lồ” sản xuất vaccine của thế giới. Tuy nhiên, Nhưng những hạn chế về nguồn cung cấp thành phần chính, những thách thức về hậu cần cùng với sự chủ quan của chính phủ đã khiến chiến dịch tiêm chủng diễn ra chậm chạp. Đến lúc mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát gần đây trở nên rõ rệt, mọi chuyện đã quá muộn. Biến thể Delta đã thống trị ở Ấn Độ cùng hơn 100 quốc gia khác trên thế giới.
Mối nguy hiểm mang tên Delta tại Indonesia và các quốc gia đang phát triển khác đã làm bùng phát các ổ dịch mới, thậm chí còn lớn hơn trước đây. Nếu không có vaccine phòng ngừa, virus sẽ có thời gian để đột biến thêm, khiến nguy xuất hiện một chủng khác có thể còn nguy hiểm hơn Delta ngày càng tăng lên.
Ông Marc Baguelin, giảng viên về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Imperial College London và là một chuyên gia về mô hình dịch bệnh, cho biết các nước giàu có đang chú ý đến việc tiêm phòng đầy đủ cho người dân và thậm chí cả liều bổ sung. Theo ông, hành động trên đồng nghĩa với việc họ đang thúc đẩy cơ hội cho biến thể mới xuất hiện ở những quốc gia thiếu thốn vaccine và chúng sẽ lại đe dọa các nước giàu có.
Đường lối rối bời
Việc thiếu vaccine và chỉ riêng biến thể Delta không phải là nguyên nhân gây ra các ca mắc gia tăng. Những quyết sách sai lầm của chính phủ cũng là một yếu tố.
Tại Indonesia, các nhà lãnh đạo đã phản ứng chậm chạp cũng như phản đối áp đặt thêm một cuộc phong tỏa nghiêm ngặt khác để giải thoát cho nền kinh tế. Các quốc gia khác đang vật lộn với tỷ lệ tiêm chủng thấp tương tự, trong đó có Australia và New Zealand, đã cố gắng tránh bùng phát dịch bệnh nhờ các biện pháp ngăn chặn hiệu quả như hạn chế nhập cảnh và kiểm dịch.
Ông Bayu Soedjarwo, một công dân Indonesia, đã nhận xét những chỉ thị của chính phủ Indonesia nhìn chung là khó hiểu. “Làm sao một người lại bị phạt vì không đeo khẩu trang ở trong xe riêng khi chỉ lái một mình, cùng lúc đó các thành viên gia đình sống ở những hộ khác nhau vẫn được phép đến thăm nhau? Đó là một quy định không rõ ràng”, ông nói.
Để làm chậm lại tốc độ lây nhiễm, với kỷ lục 56.000 ca ngày 15-7, Indonesia đã áp đặt những lệnh cấm nghiêm ngặt chưa từng thấy vào tháng này. Ông Luhut Binsar Panjaitan, người phụ trách điều phối biện pháp ứng phó đại dịch cho nền kinh tế tại Bali và Java, cho biết mục tiêu là cắt giảm ít nhất 30% các hoạt động để làm chậm sự lây lan của biến thể Delta, hiện chiếm khoảng 90% các ca mắc.
Tuy nhiên, trong khi giãn cách xã hội và các biện pháp giảm thiểu khác có thể làm chậm sự lây lan của virus SARS-CoV-2, để vượt qua đại dịch sau cùng vẫn phụ thuộc vào việc xây dựng khả năng miễn dịch, lý tưởng nhất là thông qua tiêm chủng. Giảng viên Baguelin tại Đại học Imperial College London nhận định có thể trong 5 năm tới mới đạt được miễn dịch trên toàn cầu.
Ông S.V. Mahadevan, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục Sức khỏe Châu Á tại Trung tâm Y tế Đại học Stanford, khẳng định các đợt bùng phát virus đang xuất hiện khắp châu Á đến châu Phi là hệ quả tất yếu của việc thiếu hụt vaccine trong bối cảnh sự gia tăng của biến thể Delta. Ông nói: “Con người không tiêm chủng càng lâu, virus càng có cơ hội tái tạo và đột biến trong những quần thể đó. Tất cả chúng ta đều có nguy cơ mắc bệnh”.