Qua đó cho thấy bất chấp những khó khăn từ dịch bệnh và xu thế bán ròng nhiều phiên của khối ngoại cùng những trục trặc của hạ tầng kỹ thuật, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng.
Theo thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán T.P Hồ Chí Minh (HoSE), kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 6, tổng giá trị vốn hóa thị trường của tất cả các cổ phiếu đang niêm yết trên sàn HoSE (chỉ số VN-Index) đạt mức 1.408,55 điểm, tăng 6,06% so tháng 5 và tăng 27,6% so cuối năm 2020. Tháng 6 trở thành mốc thời gian có tính lịch sử của ngành chứng khoán Việt Nam khi thanh khoản bình quân phiên tháng 6 đạt “ngưỡng tỷ đô”, tăng lần lượt 7,94% về giá trị và tăng 4,73% về khối lượng giao dịch so tháng 5.
Tính chung sáu tháng đầu năm, giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 19.639 tỷ đồng/phiên, khối lượng giao dịch bình quân đạt 704,06 triệu cổ phiếu/phiên, tương ứng tăng 198,44% về giá trị và tăng 106% về khối lượng so mức thanh khoản năm 2020. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 2,22 triệu tỷ đồng và tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 82,62 tỷ cổ phiếu, tăng 282,39% về tổng giá trị và 139,71% về tổng khối lượng so cùng kỳ năm 2020.
Đáng lưu ý, số lượng tài khoản giao dịch đăng ký mới trên thị trường chứng khoán tăng mạnh, lũy kế sáu tháng đầu năm đạt 482,8 nghìn tài khoản, gấp 3,7 lần cùng kỳ năm 2020. Bên cạnh đó, tổng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài tháng 6 đạt hơn 79.321 tỷ đồng, chiếm 7,46% tổng giá trị giao dịch cả chiều mua và bán của toàn thị trường. Dù khối này cũng đã thực hiện bán ròng với giá trị hơn 4.198 tỷ đồng, nhưng số lượng bán đã giảm 63,37% so tháng trước. Tính tổng sáu tháng đầu năm, nhà đầu tư nước ngoài chỉ mới bán ròng hơn 29.875 tỷ đồng trên sàn HoSE...
Lý giải về đà tăng trưởng mạnh mẽ duy trì liên tục trong sáu tháng đầu năm, TS Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam cho rằng hiệu ứng tích cực nhất cho sự tăng trưởng này chính là nhờ dòng tiền mạnh đổ vào thị trường. Việc duy trì dòng vốn dồi dào với mặt bằng lãi suất ổn định, khá thấp, có tín hiệu sẽ còn kéo dài trong một vài năm nữa và sẽ tiếp tục được nhà đầu tư đón nhận tích cực, đưa dòng vốn đi vào các khu vực của thị trường bao gồm cả thị trường chứng khoán.
Ngoài ra, đó còn là sự “nắn dòng vốn rẻ” chưa kịp quay lại lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nhỏ nên chuyển vào thị trường chứng khoán, vàng, bất động sản trong bối cảnh có sự luân chuyển giao thoa. Đặc biệt, dòng tiền của khu vực dân cư đang tạm chảy vào chứng khoán cũng đã tạo hiệu ứng tăng trưởng cho thị trường chứng khoán. Sự tăng trưởng này là tích cực, hoàn toàn phù hợp mục tiêu kép Việt Nam đã đặt ra, và trên nền tảng kinh tế vĩ mô nói chung và TTCK 6 tháng đầu năm nói riêng. “Cá nhân tôi cho rằng nền kinh tế và thị trường chứng khoán vẫn còn dư địa tăng trưởng tích cực trong cuối năm”, TS Nguyễn Sơn nhận định.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu lưu ý cần cẩn trọng với hiện tượng bong bóng chứng khoán đầy rủi ro. Trong bối cảnh có tín hiệu lạm phát tăng khi hàng loạt giá nguyên liệu đầu vào như sắt, thép, xăng dầu đều tăng, điều này cần rất lưu ý vì có thể gây hệ lụy bất ổn tới các nhà đầu tư và dòng tiền vốn đang tập trung mạnh trên thị trường thứ cấp. Đây cũng là cảnh báo của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) khi cho rằng, có rủi ro tiềm ẩn bong bóng tài sản đến từ thị trường bất động sản, chứng khoán nếu không có những biện pháp điều tiết phù hợp khi tín dụng được đổ vào khu vực đầu tư này với khối lượng lớn.
Nhìn chung, dù đã và đang có thể gặp nhiều áp lực chốt lời hiện hữu ở vùng đỉnh, song theo nhận định của các chuyên gia, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng trong sáu tháng cuối năm. VN-Index trở thành một trong những chỉ số có tốc độ tăng trưởng vượt trội hơn nhiều so với nhiều thị trường quốc tế khác và đang hướng tới mốc kỳ vọng 1.500 điểm trước cuối năm.