Cập nhật: Thứ hai 26/07/2021 - 16:50

Tôi trở lại vùng đất phát tích Ngày Thương binh liệt sỹ (TBLS) 27-7 để một lần nữa hiểu thêm về những năm tháng cam go, nhọc nhằn và câu chuyện về những con người nghĩa hiệp, không tiếc sức, tiếc của, ủng hộ kháng chiến, nuôi dưỡng thương binh và nhiều sáng tạo khác như phong trào “Áo ấm mùa đông chiến sỹ” “Lấy chồng là thương binh”...

Tài liệu được lưu giữ tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam nêu: An dưỡng đường số 1 thành lập và hoạt động đến cuối năm 1953, nghĩa là có trước cả ngày TBLS. An dưỡng đường số 1 có nhiệm vụ tiếp nhận những thương binh, bệnh binh nặng, hết khả năng làm việc… Ngày thành lập An dưỡng đường số 1 được tổ chức rất trọng thể. Các ông: Ông Trần Huy Liệu, Văn Tiến Dũng và nhiều bộ đội Trung đoàn Thủ đô đã đến dự. Tối đến có đốt lửa trại, có đội quân nhạc do Nhạc sỹ Đinh Ngọc Liên chỉ huy cử nhiều bản nhạc hùng tráng…

Ngoài vị trí cụm 3 cây đa tại xóm Bàn Cờ xã Hùng Sơn (nay là thị trấn) là địa điểm tổ chức công bố bức thư của Bác Hồ, lấy ngày 27-7 hằng năm để toàn dân thể hiện tấm lòng hiếu nghĩa mà chăm sóc những người đã hy sinh xương máu cho đất nước vào chiều 27/7/1947; Người ta nói nhiều đến An dưỡng đường số 1 ở xóm Trại Ngò, xã Lục Ba (nơi có di tích An dưỡng đường số 1 nay chìm dưới lòng hồ Núi Cốc) và An dưỡng đường số 2 trú tại xóm Đồng Cháy, xã Mỹ Yên đều thuộc huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

Nhân kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947 -27/7/2021), Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh đã tổ chức dâng hoa, tri ân các Anh hùng liệt sĩ tại Di tích Quốc gia Nơi ra đời Ngày 27-7 thị trấn Hùng Sơn (Đại từ) và tặng 40 xuất quà cho các gia đình chính sách. Ảnh Minh Đức

An dưỡng đường số 1 gắn với tên tuổi một phụ nữ: Bà Bá Huy. Tên Bà là Nguyễn Thị Đích, là một gia đình khá giả tại xóm Trại Ngò, xã Tân An (nay là xóm Bầu Châu xã Lục Ba). Bà cũng là Chủ tịch Hội phụ nữ Cứu quốc xã đã nhận đỡ đầu An dưỡng đường số 1. Ngoài việc thường xuyên chăm sóc thương binh, bà còn nhường hẳn ngôi nhà cho Phòng Thương binh thuộc Bộ Quốc phòng làm việc; đồng thời làm mới 10 gian nhà gỗ, sắm đủ giường chiếu, chăn màn làm nơi điều dưỡng cho 50 thương binh  Bà cắt hẳn 3 mẫu ruộng, tặng 1 con trâu và 3 tấn thóc cho An dưỡng đường số 1. Đây là hình mẫu, là cơ sở gắn liền với việc lan toả ra toàn dân. Cũng trong Ngày TBLS đầu tiên 27/7/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen Bà Bá Huy .

Thưa bà!

Tôi nhận được báo cáo rằng bà đã hăng hái giúp đất ruộng, trâu bò, thóc lúa và tiền bạc để lập An dưỡng đường cho thương binh.

Tôi rất lấy làm vui lòng.

Anh em thương binh đã hy sinh xương máu, để giữ gìn Tổ quốc, bà đã hy sinh tiền của để giúp đỡ anh em thương binh. Như thế là bà đã giúp sức vào công việc giữ gìn Tổ quốc.

Như thế là bà đã làm kiểu mẫu cho đồng bào thực hiện cái khẩu hiệu:

 “Có tiền giúp tiền, có sức giúp sức

 Đồng tâm hiệp lực, kháng chiến thành công”

Tôi thay mặt Chính phủ và anh em thương binh cảm ơn bà, và khen ngợi bà. Đồng thời, tôi cũng cảm ơn các phụ lão, các vị thân hào và toàn thể nam nữ đồng bào ở vùng đó đã giúp công, giúp của với bà để lập nên An dưỡng đường BÀ BÁ HUY. Tôi mong bà và toàn thể đồng bào vùng đó sẽ luôn luôn chăm nom giúp đỡ các thương binh.

Ngày 27/7/1947

Hồ Chí Minh

 (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5 (1947-1949), NXB Chính trị Quốc gia, H2000 trang 177)

Bà Bá Huy tham gia cách mạng từ năm 1945, có nhiều công lao với đất nước, bà và gia đình có những thiệt thòi do sai lầm sau này, song với trái tim yêu nước và lòng nhân hậu, bà luôn là mẫu mực trong lòng thương binh và đồng bào. Năm 1987 bà mất mà chưa một lần được vinh danh có công với Nước...

                                                                                                           ***

Tôi về lại xóm Đồng Cháy, xóm Chòi, xóm Cao Chùa xã Mỹ Yên để tìm lại những dấu tích của An dưỡng đường số 2. Mấy xóm này dựa lưng vào dãy Tam Đảo nên thế tiến lui thuận lợi... Từ Vĩnh Yên sườn Tây Tam Đảo theo con đường kháng chiến xưa tới đèo Nhe, tiếp tục men sườn Đông Tam Đảo mà lên đây. Do địa lý như vậy, suốt những năm kháng chiến chống Pháp, nơi này là địa điểm tuyệt vời cho các cơ quan đơn vị đóng quân, điển hình như Hội văn nghệ Cứu quốc... Không còn hình tích gì của An dưỡng đường số 2 nhưng người dân nào cũng kể vanh vách về cụ Đặng Văn Ẩm và công lao của cụ với thương binh... Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐND xã Mỹ Yên (Đại Từ) Chu Thị Nhì kể: Từ 2/9/1945 đến 20/7/1954, xã đã giúp đỡ không dưới 20 đơn vị, cơ quan đóng quân và làm việc. Công lao to lớn của cụ Đặng Văn Ẩm với việc thành lập An dưỡng đường số 2 là chi tiết quan trọng để địa phương trở thành xã Anh hùng...

Cụ Đặng Văn Ẩm là gia đình khá giả đã nhường 8 gian nhà cho thương bệnh binh, cán bộ ốm đau điều trị; nhường 5 mẫu ruộng, 4 con trâu cho đơn vị tăng gia sản xuất và giúp đỡ nhiều lượng thực thực phẩm cho An dưỡng đường... và rồi do sự ấu trĩ và sai lầm cải cách ruộng đất...cụ Ẩm bị quy địa chủ.

Lúc ấy, cậu con trai cả của cụ Ẩm 12 tuổi ngoài việc học tập, lao động lúc nào rảnh đều bên các anh thương binh nghe kể chuyện chiến đấu, chuyện làng quê rồi lân la sang xóm Chòi nghe các chú Nguyễn Đình Thi, Tố Hữu, Nam Cao, Ngô Tất Tố bên Hội Văn nghệ Cứu Quốc nói chuyện văn chương... Kháng chiến thành công. cải cách ruộng đất... anh buồn mà không chán, vẫn vững tin ở tương lai.

“Anh đi giữa chiều đầy sương khói/ Một thoáng quê hương bóng chiều khuất núi.../ Để anh khát cháy lòng nơi đầu suối/ Thái Nguyên ơi sao mà nhớ mà thương/ Yêu tha thiết mỗi dáng chiều quê hương...

Và, anh đã chiến đấu, học tập, trở thành nhạc sỹ và phụ trách văn nghệ của Đài truyền hình Việt Nam. Anh là Đặng An Nguyên, con trai cụ Đặng Văn Ẩm, người có công giúp đỡ An dưỡng đường số 2 hơn 70 năm trước./.

Hữu Minh
(Hội Nhà báo Việt Nam)