Cập nhật: Thứ năm 29/07/2021 - 09:15
Tại chợ Tê Ba Nhất, giá các loại thịt tương đối ổn định, song lượng người mua không nhiều. Đáng chú ý, một số tiểu thương đã tạm nghỉ bán vì ế ẩm.
Tại chợ Tê Ba Nhất, giá các loại thịt tương đối ổn định, song lượng người mua không nhiều. Đáng chú ý, một số tiểu thương đã tạm nghỉ bán vì ế ẩm.

Dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, lây lan nhanh trong cộng đồng tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Trong tỉnh, một số địa phương đang thực hiện phong tỏa tạm thời, giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg vì liên quan đến các trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 mới phát hiện.

Điều này khiến việc lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố và nội tỉnh gặp không ít khó khăn, kéo theo việc tiêu thụ nông sản “khó càng thêm khó”.

Tìm hiểu thực tế tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh, chúng tôi nhận thấy, tình hình cung cấp, tiêu thụ nông sản có phần trầm lắng hơn so với trước. Số tiểu thương kinh doanh giảm, các chủng loại hàng hóa cũng bị hạn chế bởi hoạt động vận chuyển gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tại các đầu mối cung cấp nông sản nằm trong vùng dịch.

Tại chợ Tê Ba Nhất, ở phường Phú Xá (T.P Thái Nguyên), một số gian hàng đã phải tạm đóng cửa vì lượng khách giảm mạnh.

Bà Phạm Thị Lệ, một tiểu thương kinh doanh thịt lợn, nói: Mặc dù giá thịt lợn chưa biến động nhiều nhưng sản lượng tiêu thụ thì giảm rõ rệt. Nếu như trước đây, trung bình mỗi ngày tôi bán được 80-90kg thịt thì nay chỉ bán được một nửa. Ngoài bán trực tiếp, tôi còn giao hàng tận nhà khi khách có yêu cầu nhưng số lượng cũng không nhiều. Trước tình hình buôn bán khó khăn, một số sạp bán thịt tại chợ đã tạm nghỉ.

Các loại rau, củ, quả địa phương đang vào vụ thu hoạch như: Dưa hấu, củ đậu, nhãn… đang khó được vận chuyển, tiêu thụ.

Có thâm niên kinh doanh các loại hoa quả theo mùa vụ hơn 30 năm tại chợ Túc Duyên (T.P Thái Nguyên), chị Đoàn Thị Vân cho biết: Tôi chưa từng gặp thời điểm nào khó khăn như hiện tại, nhập hàng đã khó, tiêu thụ cũng không dễ dàng. Trước đây, trung bình mỗi ngày, tôi tiêu thụ khoảng 5-7 tấn hàng thì nay giảm gần 70%. Đơn cử như củ đậu, giá mua vào tại ruộng là 2,5 nghìn đồng/kg, cộng thêm các loại chi phí vào khoảng 3 nghìn đồng, nhưng bán ra với giá 3,2 nghìn đồng cũng rất ít người mua.

Thêm vào đó, dù đã được cấp Giấy nhận diện phương tiện ưu tiên lưu thông trên “luồng xanh”, song quy định hoạt động đúng hành trình; dừng, đỗ, bốc xếp hàng hóa đúng địa điểm đã khiến việc thu mua của tiểu thương gặp khó vì không thể nhập đa dạng các mặt hàng từ nhiều địa phương khác.

Còn anh Dương Đình Phong, một tiểu thương kinh doanh ở Phú Bình chia sẻ: Dịch bệnh đã khiến các thương lái thường xuyên của tôi ở một số tỉnh lân cận không đến thu mua nông sản, nên hiện tại tôi chủ yếu tiêu thụ trong tỉnh. Sức mua cũng khá trì trệ, giảm một nửa so với trước. Không những thế, tiền xăng xe, vận chuyển, làm xét nghiệm COVID-19 cũng góp phần đội chi phí lên ít nhất 10 nghìn đồng/thùng hàng khi chuyển từ Hà Nội về Thái Nguyên.

Tại chợ đầu mối lớn nhất của huyện Đại Từ, hoạt động buôn bán của các tiểu thương cũng đang gặp không ít khó khăn.

Ông Vũ Thừa Đôn, Trưởng Ban Quản lý chợ Trung tâm Đại Từ cho biết: Đầu mối tiêu thụ nông sản là những bếp ăn bán trú tại các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn và nhiều hàng quán đang phải tạm dừng đã tác động rất lớn đến việc kinh doanh của người dân. Bên cạnh đó còn xuất hiện tình trạng khan hiếm một số loại rau xanh do tiểu thương gặp khó trong việc nhập hàng hóa từ tỉnh ngoài.

Các biện pháp siết chặt quản lý phương tiện và người ra vào tỉnh không chỉ tác động đến việc lưu thông hàng hóa tại chợ mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống các siêu thị trên địa bàn tỉnh.

Tại các siêu thị, lượng khách mua sắm cũng không nhiều. Ảnh chụp tại Siêu thị Lan Chi (T.P Thái Nguyên).

Chị Trần Thị Thúy, Trưởng Ngành hàng thực phẩm của Siêu thị Lan Chi (T.P Thái Nguyên), cho hay: Phần lớn các mặt hàng thiết yếu và nông sản được Siêu thị nhập từ tỉnh ngoài. Các xe vận chuyển hàng hóa cho Siêu thị muốn vào tỉnh phải có giấy xét nghiệm COVID-19 và trải qua khâu kiểm tra chặt chẽ tại các chốt kiểm dịch. Do vậy, việc nhập hàng hóa ít nhiều bị ảnh hưởng.

Nếu trước đây, các mặt hàng nông sản tươi sống được vận chuyển về hàng ngày thì nay sẽ dao động từ 1-2 ngày/chuyến. Tuy nhiên, Siêu thị đảm bảo cung cấp đầy đủ các loại hàng hóa thiết yếu và sẽ nhập tăng thêm khoảng 50% lượng hàng trong thời gian tới.

Rõ ràng, dù chưa đến mức khan hiếm song thị trường nông sản trên địa bàn tỉnh đang bị tác động không nhỏ bởi dịch.

Một số loại nông sản bị hạn chế thị trường tiêu thụ ra bên ngoài; ngược lại, nhiều loại, rau, củ, hoa quả khó khăn trong việc vận chuyển vào tỉnh. Hoạt động kinh doanh của nhiều hộ dân cũng vì thế mà ảnh hưởng.

Thời gian tới, dịch COVID-19 được dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp, do vậy, bên cạnh sự nỗ lực của người dân thì cũng cần sự chung tay, hỗ trợ từ các cấp, ngành chức năng để khơi thông thị trường, thúc đẩy tiêu thụ nông sản và đảm bảo nguồn cung hàng hóa.

Thu Huyền - Phan Trang