Tìm hướng kinh doanh khác
Cuối tháng 5 vừa qua, trước sự ảnh hưởng lớn của đợt dịch thứ tư bùng phát, Giám đốc Công ty Du lịch Tràng An Travel (quận Hai Bà Trưng) Nguyễn Hữu Cường lên phương án chuyển đổi kinh doanh trong bối cảnh hoạt động du lịch gặp nhiều khó khăn. Sau khi làm việc với Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh Sóc Trăng, công ty đã hợp tác với các hợp tác xã sản xuất gạo, trở thành đơn vị phân phối ở thị trường Hà Nội.
“Công ty chuyển sang kinh doanh lương thực, thực phẩm để tạo việc làm cho nhân viên đang tạm nghỉ việc, đồng thời hỗ trợ thêm cho hoạt động du lịch sau này. Khi lấn sân sang lĩnh vực mới, chúng tôi phải nỗ lực rất nhiều, trong đó có nhiều khâu học lại từ đầu, như: Quảng bá, tìm hiểu thị trường... Cả giám đốc và nhân viên đều sẵn sàng trở thành người bê gạo, giao hàng”, ông Nguyễn Hữu Cường chia sẻ.
Cũng là người nhanh nhạy với thời cuộc, theo Giám đốc Công ty Du lịch GoldenTour (quận Hoàn Kiếm) Phạm Tiến Dũng, trước kia đơn vị có thế mạnh mảng du lịch outbound (đưa khách đi nước ngoài), trong đó có thị trường Nhật Bản, nên khi diễn biến dịch phức tạp, du lịch gặp khó khăn, công ty đã chuyển sang kinh doanh hàng gia dụng của Nhật Bản. “Năm 2020, chúng tôi kinh doanh một số mặt hàng thiết yếu bằng hình thức bán hàng trực tuyến. Trung tuần tháng 7, chúng tôi mở chuỗi cửa hàng KOJI shop để tiếp cận gần hơn khách hàng. Qua đó giúp nhân viên có thêm việc làm trong lúc du lịch chưa thể hoạt động”, ông Phạm Tiến Dũng cho hay.
Trong bối cảnh du lịch “đóng băng”, hơn 90% doanh nghiệp du lịch tạm dừng hoạt động, cho nhân viên nghỉ luân phiên, việc tìm hướng kinh doanh khác để duy trì sự tồn tại, giữ chân lực lượng lao động đang được nhiều đơn vị thực hiện.
Giám đốc Công ty Du lịch VietSense (quận Đống Đa) Nguyễn Văn Tài thông tin, ngay khi diễn biến dịch phức tạp hơn, dự báo hoạt động du lịch còn khá lâu mới có thể hoạt động trở lại, công ty đã xây dựng kế hoạch mở siêu thị trực tuyến chuyên về quà tặng đặc sản vùng miền; sản phẩm hữu cơ; thử nghiệm bán một số sản phẩm phục vụ phòng, chống dịch.
“Đây là hướng đi dài của công ty, nằm trong kế hoạch tạo chuỗi cung ứng quà tặng cho du khách, góp phần quảng bá thương hiệu sản vật và quà tặng các địa phương tới du khách trong và ngoài nước”, ông Nguyễn Văn Tài cho biết thêm.
Lên kế hoạch xây dựng sản phẩm mới
Mặc dù tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội, tạm dừng vận chuyển hành khách, hoạt động du lịch chưa biết lúc nào có thể tái khởi động lại, nhưng bên cạnh việc chuyển đổi hình thức kinh doanh, nhiều doanh nghiệp vẫn có kế hoạch xây dựng sản phẩm mới để sẵn sàng khai thác khi dịch được kiểm soát.
Theo Giám đốc Công ty GoldenTour Phạm Tiến Dũng, trong đợt giãn cách xã hội, một số nhân viên công ty vẫn làm việc trực tuyến để xây dựng sản phẩm cho mùa thu - đông. Còn theo Giám đốc Công ty Du lịch VietSense Nguyễn Văn Tài, những nhân sự được công ty giữ lại dù làm việc tại nhà, nhưng vẫn thiết kế sản phẩm trong nước và quốc tế để khi dịch được kiểm soát sẽ chủ động triển khai.
Ngoài các đơn vị vẫn duy trì sản phẩm du lịch truyền thống, nhiều công ty lữ hành tận dụng thời gian “ngủ đông” để nghiên cứu sản phẩm du lịch mới, hứa hẹn tạo “làn gió mới” cho hoạt động du lịch. Đánh giá về xu hướng du lịch sau đợt dịch thứ tư, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng cho biết, xu hướng du lịch theo nhóm nhỏ, khép kín sẽ phổ biến hơn. Hiện tại, Hanoitourist đang nghiên cứu thêm một số sản phẩm du lịch, trước mắt cho du khách Hà Nội khi tình hình dịch được kiểm soát và hết giãn cách.
Còn Giám đốc Công ty Du lịch VietFoot Travel Phạm Duy Nghĩa thông tin, đơn vị đã xây dựng sản phẩm đi du lịch bằng xe máy và xe đạp, khởi hành từ Hà Nội tới các địa phương, như: Ninh Bình, Nam Định, Hà Giang... “Du lịch bằng xe máy, xe đạp tới các vùng quê được các du khách đến từ phương Tây rất ưa chuộng. Hình thức này vừa giúp du khách có trải nghiệm mới lạ, nâng cao sức khỏe, bảo vệ môi trường, vừa bảo đảm việc giãn cách, an toàn trong phòng, chống dịch”, ông Phạm Duy Nghĩa nói.
Thời điểm này, hoạt động du lịch đang gặp rất nhiều khó khăn, buộc các đơn vị phải nỗ lực sáng tạo để vượt khó. Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, cùng với nỗ lực thay đổi chiến lược kinh doanh, lực lượng lao động trong lĩnh vực du lịch cần sẵn sàng thực hiện tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Đây là một trong những biện pháp quan trọng để ngành Du lịch có thể hoạt động trở lại an toàn trong bối cảnh “bình thường mới”.