Trước thực trạng trên, ngành chức năng, chính quyền các địa phương và bà con nông dân đã chủ động các biện pháp nhằm thúc đẩy việc tiêu thụ hàng hóa, duy trì sản xuất.
Từ tháng 5-2021, HTX Chăn nuôi dịch vụ tổng hợp Phú Lương, ở xã Động Đạt bắt đầu gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm chim bồ câu. Trước đây, phần lớn mặt hàng này được một thương lái thu mua về phân phối tiêu thụ tại tỉnh Bắc Giang. Từ khi đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, thương lái đã không còn lên lấy hàng.
Anh Hoàng Văn Tuấn, Giám đốc Hợp tác xã chia sẻ: Chúng tôi hiện có 7 thành viên với tổng đàn chim khoảng 16 nghìn con bố mẹ, 1 tháng xuất bán ra thị trường 6 nghìn con chim thương phẩm. Thời điểm này, chúng tôi rao đang bán với giá 55 nghìn/con chim bồ câu thịt sẵn, chấp nhận chịu lỗ 10 nghìn đồng/con để giải phóng đàn vì càng nuôi lại càng lỗ do mất thêm tiền cám.
Để từng bước vượt qua giai đoạn này, HTX đã đẩy mạnh việc việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên Facebook, Zalo… Đồng thời, thay vì bán cả đàn như trước đây, giờ HTX tiến hành giết mổ, chế biến thành chim hầm, chim quay… để giao tận nhà cho khách hàng có nhu cầu.
Ngoài ra, Liên minh HTX tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện cũng tạo điều kiện quảng bá sản phẩm và kêu gọi người dân trong tỉnh chung tay tiêu thụ sản phẩm của HTX.
Không chỉ riêng các HTX, hộ chăn nuôi nuôi gặp khó mà bà con trồng các loại rau, củ, quả cũng đang ở trong tình trạng tương tự.
Chị Nguyễn Thị Hiệp, Giám đốc HTX Bình Minh, ở xã Nhã Lộng (Phú Bình) cho biết: Hiện nay, chúng tôi đang chuẩn bị thu hoạch dưa hấu không hạt, dưa lê, mướp hương, rau các loại… nhưng việc vận chuyển tiêu thụ gặp nhiều khó khăn do trên địa bàn đã có trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên các đầu mối thu mua sản phẩm của HTX bị thu hẹp lại. Vì thế, trong thời gian tới, khả năng HTX phải giảm diện tích nhưng chúng tôi vẫn sản xuất theo hướng VietGAP để giữ uy tín với khách hàng…
Hợp tác xã Chăn nuôi dịch vụ tổng hợp Phú Lương, ở xã Động Đạt (Phú Lương) chấp nhận bán chim bồ câu dưới giá thành để cắt lỗ.
Thời điểm này, bà con nông dân trong tỉnh còn phải đối mặt với tình trạng giá thức ăn chăn nuôi, giá phân bón tăng cao, trong khi giá các mặt hàng như: Thịt lợn, rau, củ, quả lại giảm và tiêu thụ chậm.
Theo số liệu của cơ quan chuyên môn, toàn tỉnh hiện có khoảng 44,2 nghìn con trâu, 44,5 nghìn con bò, 624 nghìn con lợn, và 14,5 triệu con gia cầm. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng 6 tháng đầu năm ước đạt 73.250 tấn, tăng 4,3% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, diện tích sản xuất rau vụ mùa toàn tỉnh có 3.600ha, sản lượng ước đạt trên 59 nghìn tấn. Thực tế, các mặt hàng rau củ, quả và một số sản phẩm như: Thịt lợn, thịt gà… có thị trường tiêu thụ nội địa là chủ yếu, không chịu nhiều ảnh hưởng do gián đoạn hoạt động xuất khẩu, nhưng cũng bị ảnh hưởng bởi nhu cầu tiêu dùng trong nước giảm.
Để thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Sở Nông nghiệp - PTNT đã và đang tập trung triển khai quyết liệt các nội dung để hoàn thành mục tiêu, kế hoạch đề ra, đảm bảo cung cấp lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu của nhân dân.
Cùng với đó là tập trung hướng dẫn sản xuất theo đúng khung lịch thời vụ; tiếp tục quản lý, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Ngoài ra, Sở đã chủ động phối hợp với các sở, ngành chức năng của tỉnh và các địa phương tổ chức hội nghị bàn giải pháp tiêu thụ nông sản, trong đó có mặt hàng rau, củ, quả. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản, tiếp cận các hệ thống bán lẻ.
Đặc biệt, Sở Nông nghiệp - PTNT cũng kêu gọi, vận động người dân Thái Nguyên ưu tiên sử dụng hàng hóa và dịch vụ được sản xuất và kinh doanh trên địa bàn. Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản đã hướng dẫn, hỗ trợ cấp xác nhận cho 5 chuỗi cung ứng sản phẩm rau an toàn cho các quầy bán lẻ và bếp ăn tập thể; định kỳ hằng tháng giám sát các điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và quản lý việc sử dụng tem xác nhận điện tử truy xuất nguồn gốc bằng mã QR code.
Các huyện, thành, thị cũng tích cực tuyên truyền, vận động các đoàn thể chính trị - xã hội tăng cường hỗ trợ hội viên và người dân thu hoạch nông sản đúng thời vụ. Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp, HTX đầu tư nâng cao chất lượng chế biến, bảo quản để kéo dài thời gian tiêu thụ cho các sản phẩm nông sản. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối thị trường, hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ nông sản với các hình thức bán hàng online.
Để thích ứng trong giai đoạn hiện nay, nhiều doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất trên địa bàn tỉnh đang tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm, đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, chú trọng vào nhãn mác, bao bì và quan tâm xây dựng thương hiệu. Đồng thời, tích cực quảng bá sản phẩm trên website, các trang thương mại điện tử, mạng xã hội, cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết để người tiêu dùng có thể đặt mua hàng trực tuyến bất cứ thời điểm nào.
Theo đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp - PTNT, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh đề nghị các siêu thị, trung tâm thương mại, bếp ăn tập thể các khu công nghiệp tiêu thụ nông sản của bà con nông dân trong tỉnh. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết chuỗi, mô hình chuỗi cung ứng nông sản an toàn thực phẩm khép kín… nhằm góp phần tạo thị trường tiêu thụ nông sản thuận lợi hơn cho người nông dân.