Cập nhật: Chủ nhật 01/08/2021 - 09:20
Toàn bộ rau xanh cho bữa ăn được học viên tự túc, không phải mua ngoài chợ.
Toàn bộ rau xanh cho bữa ăn được học viên tự túc, không phải mua ngoài chợ.

Trong số họ có người từng thề độc; người tự dùng dao chặt cụt ngón tay, quyết tâm từ bỏ ma túy. Nhưng “ngựa quen đường cũ”, không cưỡng lại được, họ bị mất tất cả những giá trị của đời mình.

Rồi Cơ sở Điều trị nghiện tự nguyện và Công tác xã hội (Cơ sở cai nghiện) T.P Thái Nguyên đã giúp họ vùi chôn một quá khứ lầm lỗi, khơi dậy niềm tin cho bao cuộc đời hồi sinh, tái hòa nhập cộng đồng.

Đo thân nhiệt, sát khuẩn tay, tất nhiên là phải đeo khẩu trang và thực hiện khai báo y tế, bảo đảm an toàn dịch tễ với COVID -19, tôi mới vào được bên trong Cơ sở cai nghiện T.P Thái Nguyên.

Trưởng Phòng hành chính Vũ Ngọc Anh chia sẻ: Nhiều học viên đang chấp hành cai nghiện có bệnh nền, như HIV/AIDS, viêm gan B, lao… nếu không nghiêm túc thực hiện phòng, chống dịch chắc chắn sẽ “vỡ trận”. Từ đầu tháng Năm đến nay, đơn vị thường xuyên phun thuốc khử khuẩn tại các khu vực cần thiết; hạn chế cho người nhà vào thăm gặp; thực hiện cách ly 21 ngày đối với học viên mới; vận động cán bộ, viên chức cài đặt Bluezone.

Một cảm giác bình yên bao chùm. Sự thân thiện, cởi mở giữa cán bộ và học viên xóa nhòa đi khoảng cách. Anh Phạm Thái Thịnh, Giám đốc Cơ sở cai nghiện nói rủ rỉ đủ cho tôi nghe: Ở ngoài đời họ bị chính người thân trong gia đình, cộng đồng dân cư xa lánh, kì thị. Cũng vì thế họ mặc cảm, tự ti, mất niềm tin vào cuộc sống và trượt dài. Khi vào đây, họ coi chúng tôi là điểm tựa tinh thần, là người thân thiết, chịu lắng nghe, thấu hiểu, cảm thông, giúp họ vượt lên chính mình để làm một công dân lương thiện.

Tôi theo anh qua các khu vườn cây lúc lỉu quả; rồi vườn rau xanh; vườn thuốc nam xanh màu lá, biết đó thành quả lao động của cán bộ và học viên. Tôi thầm nhủ: Ở đây đã có bao mùa cây đơm lộc được tưới tắm bằng mồ hôi, nước mắt, lương tâm và trách nhiệm của đội ngũ những người làm công tác cai nghiện ma túy. Nhiều khi hạnh phúc riêng gác lại để chăm chút cho học viên vượt qua đau đớn thể xác, tinh thần, có niềm tin mới chấp hành cai nghiện thành công.

Anh Hồ Ngọc Sơn, phường Thịnh Đán là một người như thế. Sau cai nghiện ma túy, anh trở thành một con người hoàn toàn khác. Hiện anh làm chủ một cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho hơn 30 lao động với mức lương từ 4 đến gần 10 triệu đồng/người/tháng.

180 ngày, thời hạn tối thiểu cho 1 học viên vào chấp hành cai nghiện ở đây. Vâng! Từng ấy thời gian đủ để cho mỗi học viên nghiền ngẫm về một thời đen tối, đau đắng không nên có.

Học viên Lường Văn Phòng cho biết: Tôi lệ thuộc vào ma túy từ gần 30 năm nay. Hồi đó tôi đi làm vàng, nhưng có bao nhiêu tiền đều nướng vào ma túy. Năm nay đã 53 tuổi, nhưng ngoài đời nhiều đứa trẻ gọi tôi là thằng nghiện… Những hình xăm vằn vện trên cơ thể già nua hơn tuổi không làm anh mạnh mẽ hơn, thậm chí bộc lộ ra bên ngoài sự yếu mềm từ gan ruột. 3 lần vào Cơ sở cai nghiện đều không thành công, anh bị ma túy quật ngã ngay khi chưa đặt chân về đến nhà.

Mấy học viên cao tuổi cùng khu nhà phục hồi chức năng với anh Phòng đang ngồi đánh cờ, chơi bài giải khuây đều mình trần như để khoe hình xăm rồng, hổ. Có học viên xăm chiếc quan tài; hình mũi tên xuyên qua trái tim hoặc chữ thương cha, nhớ mẹ; hận đời, hận tình…

Mỗi hình xăm đều có lý do riêng, nhưng nhiều trường hợp được xăm trổ lúc chủ nhân vừa đủ độ phê thuốc. Họ tự xăm cho nhau cùng một mũi kim mà không biết có thể bị lây nhiễm căn bệnh thế kỷ.

Một học viên không giấu giếm: Chúng tôi nghiện ngập cũng vì thích tụ bạ, thích thể hiện mình. Khi bố mẹ phát hiện thì đã nghiện nặng... Còn học viên Nguyễn Thanh Cang cho biết: Ma túy đã hủy hoại cuộc đời tôi. Tôi nhận thức được điều này, nhưng tôi không đủ nghị lực từ chối lời mời của “ả phù dung”. Tôi đã tự cai nghiện hàng chục lần, và hơn 10 lần đi cai nghiện tập trung…

Anh Nguyễn Quốc Hưng, cán bộ quản lý, phụ trách tổ tăng gia trồng rau xanh cho biết: Ngoài đời nhiều học viên chẳng biết sợ ai. Thực ra họ đang phải gồng mình lên để sống. Tiếc là cách sống không phù hợp với đạo đức xã hội. Họ tự đánh mất niềm tin. Họ nhận ra điều đó nên tự nguyện vào đây để có cơ hội làm lại cuộc đời. Nhiều bạn trẻ ở nhà được bố mẹ nuông chiều, không phải làm gì, nhưng vào đây lại tích cực tham gia lao động sản xuất. Họ phấn chấn khi nhận ra bản thân không “vô tích sự”.

Học viên Lường Minh Tuấn, 17 tuổi, nói: Vào đây không chỉ cai được ma túy, mà em còn biết thêm nghề mộc.

Đua đòi theo chúng bạn, Tuấn tập tọe chơi cần sa với suy nghĩ thử cho biết. 1 lần đang “đi mây về gió” thì bị bố phát hiện, lập tức được gia đình làm các thủ tục theo quy định đưa đi cai nghiện. Còn học viên Nguyễn Vi Lan, 17 tuổi bẽn lẽn: Em chơi ma túy đá từ năm 14 tuổi. Em theo bạn đi làm nghề tự do, ít ở nhà. Từ hơn 1 tháng trước, nhà có giỗ cụ, em trở về trong trạng thái phê thuốc. Bố phát hiện, lọc cổ đánh đòn nhử tử rồi làm thủ tục cho em đến đây cai nghiện.

  Sau cai nghiện ma túy, nhiều học viên có thể kiếm sống bằng nghề mộc.

Trong phòng đọc thư viện, học viên Nguyễn Viết Hùng loay hoay bên giá sách. Anh lựa cuốn “Sổ tay phòng, chống ma túy” rồi ngồi xuống ghế chăm chú đọc. Tôi đến gần hỏi chuyện, Hùng dân dấn nước mắt: Khi đang học năm thứ 2 Trường Đại học Nông lâm (Đại học Thái Nguyên), em hít thử heroine rồi nghiện từ khi nào không hay… Cũng như nhiều người nghiện khác, điệp khúc cai nghiện, tái nghiện lặp lại nhiều lần khiến anh mất đi sức vóc của một người trẻ tuổi.

Tôi hỏi bâng quơ: Liệu sau lần cai nghiện này em có dứt được ma túy không?... Thay câu trả lời, Hùng nhìn tôi bằng đôi mắt vô cảm, lảng nhìn sang nói với cán bộ quản lý thư viện: Cán bộ cho em mượn cuốn sách này về phòng để đọc ạ… Tôi không hụt hẫng, mà cảm thông vì nhận ra trong ánh mắt thoáng buồn của Hùng một nỗi niềm đau khổ. Anh đau đớn, không dám hứa, vì có mấy ai trong cuộc đời này tin vào lời hứa của một… thằng nghiện. Nhìn anh ôm cuốn sách vào ngực, lom khom đi về phòng nghỉ, anh Trần Phương Hiếu, cán bộ quản lý học viên thở dài: Đã có hàng nghìn lượt người nghiện đến đây, là hàng nghìn lời cam kết từ bỏ ma túy. Tiếc là có nhiều người quên ngay lời hứa, quên cam kết hoàn lương với người thân, với những người làm công tác giáo dục, cai nghiện chúng tôi. Dù chính bản thân họ đều biết rất rõ về tác hại của ma túy.

Anh Thịnh cho biết thêm: Cao điểm nhất Cơ sở có hơn 300 học viên. Còn như hiện nay có hơn 60 học viên. Một khó khăn trong công tác cai nghiện là có trên 60% người nghiện sử dụng ma túy tổng hợp. Loại ma túy cực độc, kích thích cực mạnh vào hệ thần kinh, nhiều trường hợp chúng tôi phải đưa đến bệnh viện tâm thần điều trị. Nhiều trường hợp rơi vào trạng thái trầm cảm nặng, sống u uất, luôn nghĩ đến tự vẫn, hoặc hoảng loạn vì nhìn thấy xung quanh toàn người đòi đánh mình.

Do vậy ở giai đoạn điều trị cắt cơn, giải độc, cán bộ quản lý phải thường xuyên túc trực, theo dõi, nắm bắt diễn biến tâm lý của học viên; linh hoạt sử dụng các liệu pháp tâm lý, phác đồ chữa bệnh phù hợp với từng người. Tiếp đến là giai đoạn lao động trị liệu như dọn dẹp vệ khu nhà ở, trồng rau xanh, chăm sóc vườn cây ăn quả, vườn cây thuốc nam, chăn nuôi gà, lợn, đóng than không khói, làm mộc...

Khi được hỏi, nhiều học viên không ngần ngại cho biết: Tham gia lao động chúng tôi được hòa đồng, thấy cơ thể không buồn bực, tinh thần thoải mái, mất cảm giác thèm ma túy. Hơn thế, các sản phẩm làm ra được Cơ sở cân đối vào khẩu phần ăn hằng ngày, giúp chúng tôi bảo đảm sức khỏe để cai nghiện thành công.

…Trước lần hoàn thành cai nghiện thứ 12 ở Cơ sở, trở về hòa nhập với cộng đồng xã hội, hoc viên Nguyễn Văn Một chia sẻ với anh chị em cán bộ: Tôi từng có một mái ấm gia đình. Nhưng tôi đã đốt tất cả cho ma túy. Với tôi, những ngày tháng ở Cơ sở cai nghiện là những ngày đáng sống…

Tôi chắc chắn đó là lời nói thật của một người nghiện từng trải đời qua bao bể dâu. Bởi không riêng anh, hầu hết những người nghiện ma túy đều rơi vào hoàn cảnh nghèo túng cả vật chất, tinh thần. Sức khỏe kiệt quệ và ít ai muốn gần gũi. Khi vào Cơ sở cai nghiện, họ có cơm ăn đúng bữa, ngủ đủ giấc, được tham gia các hoạt động chung như tăng gia sản xuất; hội họp tuyên truyền về chính sách pháp luật; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao.

Nhiều trường hợp học viên hết thời hạn cai nghiện đã tự viết đơn xin được ở lại, vì với họ đây là môi trường tốt nhất để nguôi quên, vùi chôn một kí ức buồn, và có thêm nghị lực hoàn lương, làm lại cuộc đời.

Phạm Ngọc Chuẩn