Cập nhật: Thứ hai 02/08/2021 - 16:24
Dự án xây dựng cầu Bến Giềng, xã Sơn Cẩm (T.P Thái Nguyên), được khởi công từ tháng 3-2021, dự kiến hoàn thành vào đầu năm sau.
Dự án xây dựng cầu Bến Giềng, xã Sơn Cẩm (T.P Thái Nguyên), được khởi công từ tháng 3-2021, dự kiến hoàn thành vào đầu năm sau.

Nhiều năm nay, người dân ở xóm Bến Giềng (xã Sơn Cẩm, T.P Thái Nguyên) phản ánh về tình trạng cầu Bến Giềng bị xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao cho người và phương tiện qua lại. Mới đây, UBND T.P Thái Nguyên đã quyết định đầu tư gần 15 tỷ đồng để xây dựng cây cầu mới thay thế cầu sắt cũ.

Tuy nhiên, theo người dân thì thiết kế cây cầu mới có những điểm không phù hợp, thiếu mỹ quan…

Người dân ở xã Sơn Cẩm, đặc biệt là bà con ở xóm Bến Giềng đã có nhiều ý kiến về tình trạng xuống cấp của cầu Bến Giềng. Mặt cầu được làm bằng sắt nhưng nhiều chỗ đã bị lõm tạo khe hở lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Đặc biệt, cây cầu này có nhiều xe tải trọng lớn qua lại càng khiến nỗi lo của người dân thường trực hơn. Trước tình hình trên, đầu năm 2021, T.P Thái Nguyên đã quyết định đầu tư xây dựng cây cầu mới nằm song song, giáp với cầu sắt cũ. Dự án được giao cho Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng thành phố làm chủ đầu tư.

Theo đó, cầu mới là cầu bê tông cốt thép 2 nhịp giản đơn; tải trọng thiết kế HL93, chiều rộng cầu 8m, mố cầu dạng chữ U; móng, thân trụ bằng bê tông cốt thép.

Đường hai bên đầu cầu được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp 4, nền đường rộng 7,5m, mặt bằng bê tông M250 dày 20cm; độ dốc mặt đường 2%, dốc lề đường 4%...

Hiện nay, đơn vị thi công đang xây dựng 2 mố cầu, với khối lượng đã đạt khoảng 30%. Theo dự kiến, đến tháng 3-2022 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Được Nhà nước đầu tư xây cây cầu mới, người dân ở Sơn Cẩm nói chung, ở xóm Bến Giềng nói riêng đều phấn khởi. Tuy nhiên, một số hộ dân ở khu vực 2 đầu cầu tỏ ra băn khoăn, có không ít ý kiến phản ánh khi cây cầu mới chênh cao hơn nhiều so với cầu cũ và ngôi nhà của họ đang ở.

Bà Lê Thị Ngọc, một người dân có nhà sát cây cầu mới nói: Chúng tôi sinh sống ở đây hàng chục năm nhưng chưa năm nào mực nước dưới sông dâng cao quá nửa trụ của cây cầu sắt. Chính vì vậy, khi biết cao độ mặt đường đầu cầu và mặt cầu mới cao hơn cầu cũ hơn 1m thì rất băn khoăn, bởi nó ảnh hưởng tới mỹ quan. Nếu có thể, chúng tôi đề nghị chủ đầu tư có phương án xử lý phù hợp hơn.

Cùng quan điểm với bà Ngọc, bà Bùi Thị Hồng và ông Nguyễn Mạnh Thắng, người dân cùng ở xóm Bến Giềng cho biết: Cách đầu cầu phía bên kia chưa đầy 100m là gầm cầu chui của tuyến Quốc lộ 3 Thái Nguyên - Chợ Mới. Do đó, nếu làm cầu mới cao hơn nhiều so với cầu cũ thì việc đi lại của người dân chúng tôi cũng không được thuận lợi, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông cao bởi tạo độ dốc lớn khi qua gầm cầu chui…

Về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc Công ty CP Tư vấn và Đầu tư xây dựng Huy Hùng, đơn vị tư vấn thiết kế cầu Bến Giềng, lý giải: Trong thiết kế thi công cầu, chúng tôi phải tính đến các yếu tố liên quan (kỹ thuật, kinh tế và mỹ quan). Về yếu tố kỹ thuật, đáy dầm cầu phải cao hơn đỉnh nước lũ tối thiểu là 1m để đảm bảo thoát nước và an toàn cho cây cầu khi có mưa lũ. Hiện nay, theo thiết kế đã được cơ quan chức năng thẩm định và phê duyệt, cao độ đáy dầm của cầu mới và cầu cũ tương đương nhau. Dầm cầu mới bê tông cốt thép được thiết kế với mặt cắt ngang có chiều cao là 1,65m (chưa kể lớp phủ mặt cầu) là đảm bảo các yếu tố kỹ thuật với độ dài của dầm. Do vậy, những ý kiến của người dân là có căn cứ chỉ khi không xét đến các yếu tố về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

Như vậy, việc thiết kế cầu nói chung, cầu Bến Giềng nói riêng đều phải theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành, được cơ quan chức năng thẩm định và phê duyệt, đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật, mỹ thuật, kinh tế.

Tuy nhiên, những ý kiến phản ánh, đề xuất của người dân ở xóm Bến Giềng cũng không hẳn bất hợp lý. Do vậy, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan cần giải thích cụ thể hơn để người dân ủng hộ, đồng tình và hưởng trọn vẹn niềm vui về cây cầu mới.

Chung An