Cập nhật: Thứ ba 10/08/2021 - 08:14
Sản phẩm xi măng không đóng bao giúp giảm giá thành. Trong ảnh: Tiêu thụ sản phẩm xi măng không đóng bao tại Công ty TNHH MTV Xi măng Quang Sơn.
Sản phẩm xi măng không đóng bao giúp giảm giá thành. Trong ảnh: Tiêu thụ sản phẩm xi măng không đóng bao tại Công ty TNHH MTV Xi măng Quang Sơn.

Nhiều địa phương trong tỉnh có nguồn nguyên, nhiên liệu phục vụ phát triển sản phẩm xi măng, tuy nhiên khả năng cung ứng xi măng của các nhà máy đã đạt và vượt ngưỡng nhu cầu tiêu dùng trong nước. Do vậy, cơ quan quản lý và các cơ sở sản xuất xi măng trong tỉnh nên cân nhắc việc mở rộng quy mô sản xuất hoặc đầu tư nhà máy mới…

Tại vùng trung du miền núi phía Bắc, Thái Nguyên là tỉnh có nhiều nhà máy sản xuất xi măng nhất. Hiện trên địa bàn tỉnh có 5 doanh nghiệp sản xuất xi măng còn hoạt động với công suất đạt gần 4 triệu tấn/năm.

Trong đó có 3 nhà máy sử dụng công nghệ lò quay đang hoạt động là Công ty TNHH MTV Xi măng Quang Sơn; Công ty CP Xi măng La Hiên - VVMI và Công ty CP Xi măng Quán Triều - VVMI. Theo kế hoạch, trong năm 2021 các nhà máy xi măng trên địa bàn tỉnh sẽ sản xuất và tiêu thụ khoảng 2,7 triệu tấn sản phẩm, tăng 15% so với năm 2020.

Tuy nhiên, do dịch bệnh COVID-19 bùng phát, diễn biến phức tạp và giá thép tăng cao đột biến những tháng đầu năm nên việc tiêu thụ sản phẩm xi măng của tất cả các nhà máy đều khó khăn, sản lượng thấp hơn so với kế hoạch đề ra.

Ông Trần Hải Bình, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp Mỏ Việt Bắc TKV-CTCP cho biết: Năng lực sản xuất của Công ty CP Xi măng La Hiên - VVMI và Công ty CP Xi măng Quán Triều - VVMI khoảng 1,8 triệu tấn/năm nhưng lượng tiêu thụ những năm gần đây đều thấp hơn. Do nhu cầu thị trường và các vấn đề về chi phí sản xuất, môi trường nên từ nay đến năm 2030 chúng tôi không có chủ trương mở rộng quy mô các nhà máy hiện có hay đầu tư nhà máy sản xuất xi măng mới trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Công ty TNHH MTV Xi măng Quang Sơn là đơn vị sản xuất xi măng có công suất lớn nhất tỉnh (1,5 triệu tấn/năm) và sử dụng thiết bị, công nghệ hiện đại của châu Âu nhưng khả năng tiêu thụ sản phẩm mới đạt từ 800 nghìn đến 1 triệu tấn/năm.

Ông Hà Quang Sáng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Xi măng Quang Sơn cho biết: Nhà máy đặt tại xã Quang Sơn, huyện Đồng Hỷ nên có lợi thế lớn về nguyên liệu đầu vào là đá nhưng lại phải vận chuyển than, nguyên liệu, nhiên liệu từ nhiều nơi khác tới. Sản phẩm xi măng cũng phải vận chuyển đi tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành khác nên việc cạnh tranh về giá ít nhiều có bất lợi.

2 đơn vị sản xuất xi măng còn lại Công ty CP Xi măng Cao Ngạn và Nhà máy Xi măng Lưu Xá (Chi nhánh T.X Phổ Yên) đã tạm dừng hoạt động sản xuất xi măng bằng công nghệ lò đứng nhiều năm nay và chỉ duy trì hệ thống nghiền clinker nên sản lượng không quá lớn.

Ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Công ty CP Xi măng Cao Ngạn cho biết, từ đầu năm, các đơn vị xi măng đều bị tác động của dịch COVID-19 và giá thép tăng cao, nguồn vốn hỗ trợ cho các địa phương thực hiện nông thôn mới chưa phân bổ nên lượng xi măng tiêu thụ suy giảm, kéo theo là sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường xi măng. Để đảm bảo kế hoạch kinh doanh, tiêu thụ 200 nghìn tấn xi măng/năm, chúng tôi đã cải tiến công nghệ, xây dựng thêm trạm nghiền clinker.

Ngoài các loại sản phẩm của 5 đơn vị sản xuất có cơ sở đặt tại tỉnh, trên thị trường 9 huyện, thành, thị trong tỉnh còn khoảng 10 loại sản xi măng của các nhà sản xuất khác nhau nên có sự cạnh tranh rất gay gắt.

Vì vậy, việc quy hoạch, định hướng phát triển sản phẩm xi măng trên địa bàn tỉnh cần có chiến lược phù hợp và nếu gia tăng sản lượng thì chuỗi cung ứng, phân phối phải thực sự hiệu quả, tính tới thị trường các tỉnh phía Nam, xuất khẩu…

Dương Văn