Đầu năm 1985, chàng thanh niên Hồ Văn Thanh đăng ký tham gia khóa đào tạo lái xe ô tô, mô tô do Quân khu 5 tổ chức. Cuối năm ấy, anh viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Sau khóa huấn luyện, theo điều động của cấp trên, anh cùng hàng trăm đồng đội hành quân sang Campuchia, giúp nhân dân nước bạn hồi sinh sau thảm họa diệt chủng do tập đoàn phản động Pol Pot-Ieng Sary gây ra.
Tại Mặt trận 579, anh được biên chế vào Đại đội Vận tải thuộc Tiểu đoàn 782, Cục Hậu cần Quân khu 5, đóng quân tại tỉnh Stung Treng. Trên chiếc xe Zil-130 lỗ chỗ vết đạn, chỉ trong thời gian ngắn, anh tham gia vận chuyển hàng trăm tấn hàng hóa phục vụ các đơn vị của ta và nhân dân Campuchia.
Thời điểm ấy, để bảo vệ hàng, mỗi khi lái xe ra khỏi “vùng xanh” (khu vực an toàn), các “bác tài” đều phải tuân thủ nghiêm ngặt sự hướng dẫn của lực lượng giao liên, cảnh giới. Tuy nhiên, quá trình thực hiện nhiệm vụ, không ít lần xe của anh bị địch phục kích, bắn vỡ toang cả lốp. Đang say sưa ôn lại kỷ niệm một thời tuổi trẻ, bỗng anh Thanh chùng giọng: “Một đêm cuối mùa đông năm 1987, tôi được chỉ huy đơn vị giao nhiệm vụ đến Bệnh viện Quân y 21, ở trung tâm tỉnh Stung Treng, tiếp nhận 6 thi hài bộ đội và chuyên gia Việt Nam hy sinh trên đất bạn hồi hương. Gần 11 giờ đồng hồ hành quân liên tục, vượt qua 300 cây số đường đèo, chi chít "ổ gà", "ổ voi", cuối cùng xe cũng về đến Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (Đức Cơ, Gia Lai). Sau lần ấy, cứ vài tháng, tôi lại nhận nhiệm vụ chở thi hài các liệt sĩ về nước một lần. Nỗi lo bị địch phục kích luôn thường trực, song bằng tình cảm, trách nhiệm, sự kính trọng đối với các anh hùng liệt sĩ, quá trình cơ động, tôi luôn cố gắng điều khiển xe đi thật êm, thật nhẹ, hạn chế tối đa sự rung lắc".
Vậy mà, có chuyến, xe vừa ra khỏi “vùng xanh”, anh Thanh bỗng giật mình nghe tiếng pháo cối từ xa vọng lại. Chỉ mấy giây sau, một tiếng nổ đinh tai và cuộn khói mù mịt bốc lên ngay trước đầu xe. Không chút do dự, anh đạp ga cho xe lao nhanh về phía trước tìm nơi tránh trú, rồi ôm khẩu M79 nhảy vọt ra, bắn liền 3 quả về khu vực vừa phát ra những tiếng nổ đầu nòng. Khi tình hình đã tạm yên, anh kéo bạt nhảy lên thùng xe, kiểm tra, cố định lại những chiếc áo quan, rồi tiếp tục lên đường.
“Các liệt sĩ của chúng ta linh thiêng lắm. Có chuyến xe đang lên dốc, tự nhiên bị lịm ga, tắt máy, sửa gần một tiếng đồng hồ mới khởi động lại được. Đi thêm khoảng chục cây số, đến khúc cua tay áo, một bên là vách đứng, bên kia là vực sâu, tôi phát hiện có một chiếc xe tải chở gạo của ta bị địch phục kích bắn cháy, rơi xuống vực, may mà tài xế bung cửa kịp thoát ra ngoài, được các chiến sĩ giao liên cứu sống. Lần ấy, nếu xe của tôi không bị tắt máy nửa chừng, chẳng biết rồi sẽ ra sao”, anh Thanh bồi hồi nhớ lại.
Với tâm niệm “mình được lành lặn, sống sót trở về thì phải sống làm sao cho xứng đáng với sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ”, mỗi lần có dịp lên Đức Cơ công tác, anh Thanh đều vào nghĩa trang liệt sĩ, thắp nén tâm nhang tưởng nhớ những người đã khuất. Bao ký ức năm xưa cứ thế ùa về...