Cập nhật: Thứ tư 18/08/2021 - 15:09
 Du khách tham quan rừng ngập mặn tại đầm phá Tam Giang, Thừa Thiên Huế. (Ảnh: NGỌC KIM)
Du khách tham quan rừng ngập mặn tại đầm phá Tam Giang, Thừa Thiên Huế. (Ảnh: NGỌC KIM)

Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng vừa ký quyết định ban hành “Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025” với mục tiêu là tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, từng bước đưa Việt Nam trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, thuộc nhóm 50 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới.

Đây là chương trình hành động đã được lấy ý kiến đóng góp rộng rãi từ các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp và những người hoạt động du lịch, nhằm cụ thể hóa các chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng được nêu tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu trong lĩnh vực du lịch được nêu tại Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Chương trình đã xác định bảy nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên: tổng kết, đánh giá, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển du lịch; ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại, công nghệ số trong ngành du lịch; tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch; phát triển sản phẩm và quản lý chất lượng dịch vụ du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng; hỗ trợ doanh nghiệp du lịch phục hồi, phát triển trong bối cảnh tác động của đại dịch COVID-19; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và thị trường lao động du lịch bền vững; phát triển thị trường, tăng cường xúc tiến, quảng bá và đẩy mạnh hợp tác quốc tế về du lịch.

Các nhiệm vụ trên được cụ thể hóa bởi 17 đề án, nhiệm vụ trọng tâm đã được lên kế hoạch thực hiện trong giai đoạn 2021-2025. Trong đó, có những nhiệm vụ, đề án góp phần khắc phục các “điểm nghẽn” của du lịch Việt Nam thời gian qua về hạ tầng du lịch (gắn liền Chương trình hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn tại một số tỉnh biên giới phía bắc, miền trung - Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long), về sản phẩm du lịch (thông qua các Đề án phát triển du lịch biển, đảo đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án tổng thể phát triển du lịch tại 7 khu vực động lực phát triển du lịch đến năm 2030; Đề án phát triển sản phẩm du lịch về đêm: thí điểm tại một số trung tâm du lịch lớn)…

Bên cạnh đó, một số nhiệm vụ cũng góp phần giải quyết những khó khăn, tồn đọng trước mắt của du lịch trong bối cảnh dịch COVID-19 như: chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động du lịch khắc phục khó khăn bởi dịch gắn liền các biện pháp hỗ trợ tài chính, miễn giảm thuế, cho vay ưu đãi…; đẩy mạnh số hóa, ứng dụng các công nghệ hiện đại để tạo hệ sinh thái du lịch thông minh…

Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương cũng được đề cập cụ thể nhằm giúp du lịch vượt khó, phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.


Theo Báo Nhân dân