Cập nhật: Thứ năm 19/08/2021 - 14:33
Hướng dẫn viên du lịch giới thiệu với khách tham quan về lịch sử di tích Nhà tù Hỏa Lò (ảnh chụp tháng 3-2021).
Hướng dẫn viên du lịch giới thiệu với khách tham quan về lịch sử di tích Nhà tù Hỏa Lò (ảnh chụp tháng 3-2021).

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến ngành Du lịch bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều người làm việc trong lĩnh vực này đã lâm vào cảnh thất nghiệp hoặc chuyển sang công việc khác. Việc giữ chân người lao động trở thành bài toán lớn đối với các doanh nghiệp du lịch, đặt ra vấn đề đào tạo nguồn nhân lực trong dài hạn. Nhiều doanh nghiệp đã có sự chuyển hướng trong công tác đào tạo để giữ nhân lực, không để lãng phí, giúp các đơn vị tái sử dụng khi du lịch được phục hồi.

Bài toán về lao động

Theo Sở Du lịch Hà Nội, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hiện có 95% doanh nghiệp du lịch (cả lữ hành và lưu trú) tạm dừng hoạt động, hơn 90% lực lượng lao động nghỉ việc do không có việc làm hoặc chuyển sang lĩnh vực khác.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết, hiện các công ty du lịch đều gặp khó khăn vì dịch COVID-19, không ít lao động trong ngành phải bỏ việc. Nhiều người tìm việc làm mới, có thể sẽ không quay trở lại với ngành Du lịch. Điều này đặt ra bài toán về lao động của ngành khi dịch COVID-19 được kiểm soát.

Đáng lo ngại, dịch COVID-19 cũng tác động đến công tác tuyển sinh tại các trường có ngành đào tạo du lịch. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Văn Sáu, Trưởng khoa Du lịch (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) cho biết, số lượng sinh viên theo học chuyên ngành Du lịch của trường trong 2 năm qua giảm so với trước. “Khi ngành Du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng, công tác tuyển sinh của chuyên ngành này cũng giảm đáng kể. Trong năm 2020 và năm 2021, các khóa sinh viên ra trường đều gặp khó khăn khi tìm kiếm việc làm”, ông Dương Văn Sáu thông tin.

Còn theo Tiến sĩ Trịnh Lê Anh, Trưởng bộ môn Quản trị sự kiện, Khoa Du lịch, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), sinh viên đang theo học chuyên ngành Du lịch khá lo lắng bởi nhiều công ty tạm dừng hoạt động, việc thực tập và tìm việc làm khó khăn; không ít sinh viên ra trường đã làm công việc khác.

Để khắc phục khó khăn này, nhiều trường đã đưa vào chương trình học những kiến thức và kỹ năng mới để giúp sinh viên thích nghi với bối cảnh mới, như kỹ năng xử lý khủng hoảng, cách xây dựng và vận hành quỹ rủi ro do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh… Ngoài ra, nhiều trường đã hợp tác với các doanh nghiệp du lịch còn đang hoạt động trong việc đào tạo và hỗ trợ thực tập, việc làm cho sinh viên.

Đào tạo nhân lực tại chỗ

Theo Outbox Consulting - Công ty Tư vấn và Nghiên cứu giải pháp quản lý điểm đến tại Việt Nam, dịch COVID-19 sẽ khiến thói quen du lịch thay đổi, xuất hiện những xu hướng du lịch mới, trong đó việc bảo đảm an toàn được đặt lên hàng đầu. Vì thế, khi xây dựng kịch bản phục hồi, các đơn vị kinh doanh du lịch cần tính toán phương án sử dụng, đào tạo nguồn nhân lực phù hợp.

Trước thách thức mới, không ít đơn vị đã tận dụng thời gian tạm dừng hoạt động để lên kế hoạch đào tạo nhân lực. Theo Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng, trong thời gian giãn cách xã hội, công ty tổ chức đào tạo trực tuyến cho gần 60 cán bộ, người lao động để chuẩn bị cho “chiến dịch du lịch bình thường mới”, dự kiến khởi động ngay khi dịch COVID-19 được kiểm soát. “Chúng tôi giúp người lao động có thêm kỹ năng sử dụng mạng xã hội để quảng bá, xây dựng sản phẩm, xử lý tình huống phát sinh ca nghi nhiễm COVID-19”, ông Phùng Quang Thắng nói.

Nhiều doanh nghiệp du lịch tư nhân cũng có kế hoạch riêng trong việc giữ chân lao động. Vừa qua, 6 công ty du lịch đang hoạt động tại Hà Nội là: VietSense Travel, MyTravel, Ascend Travel, AZA Travel, Ánh Dương Tour, Asia Land Travel đã khởi động lại kế hoạch đào tạo trực tuyến miễn phí cho lực lượng lao động du lịch. Giám đốc Công ty Du lịch VietSense Travel Nguyễn Văn Tài cho biết, khóa đào tạo không chỉ dành cho nhân sự của các công ty, mà còn cho cả sinh viên du lịch, giúp họ bổ sung kỹ năng thực tế, như: Khai báo y tế, thực hiện quy trình đưa đón khách, thiết kế sản phẩm du lịch an toàn.

Ở lĩnh vực lưu trú, nhiều đơn vị cũng chuyển hướng đào tạo kỹ năng cho nhân viên. Theo Giám đốc khách sạn Mường Thanh Grand Hà Nội Nguyễn Thanh Tuấn, đơn vị đã đào tạo nhân sự quản lý buồng, phòng về kỹ năng tổ chức sự kiện để đón đầu du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện) khi dịch COVID-19 được kiểm soát. Còn theo Giám đốc khách sạn Grand Vista Hà Nội Bùi Thanh Tùng, những người còn làm việc trong lĩnh vực du lịch được nâng cao kỹ năng phục vụ khách an toàn, như: Tổ chức phân luồng khách, thiết kế dịch vụ an toàn…

Sở Du lịch Hà Nội cũng đang triển khai chính sách hỗ trợ cho một số đối tượng lao động trong ngành để góp phần giải quyết khó khăn chung. Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, Sở đang đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ cho các hướng dẫn viên gặp khó khăn do dịch COVID-19 để họ sớm được nhận gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ.


Theo HNM