Cập nhật: Thứ bẩy 21/08/2021 - 21:04
Người dân xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương thu hái diện tích chè trung du.
Người dân xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương thu hái diện tích chè trung du.

Vùng chè đặc sản Tân Cương gồm 6 xã: Tân Cương, Phúc Trìu, Phúc Xuân, Thịnh Đức, Quyết Thắng, Phúc Hà. Diện tích cây chè hiện có của vùng là hơn 1.400ha, năng suất bình quân đạt hơn 150 tạ/ha, chủ yếu là giống chè cành lai, chiếm tới 90% diện tích, còn lại là chè trung du.

Nhằm nâng cao giá trị sản phẩm từ cây chè, T.P Thái Nguyên đã xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát triển vùng chè đặc sản Tân Cương, giai đoạn 2021-2025”, với tổng kinh phí thực hiện trên 27 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn từ ngân sách là trên 20,5 tỷ đồng; nguồn vốn doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân đối ứng trên 6,6 tỷ đồng.

Nguồn vốn trên sẽ tập trung vào việc hỗ trợ giống chè trung du giâm cành; hỗ trợ máy móc cho sản xuất, chế biến, bảo quản chè; hỗ trợ cấp giấy chứng nhận sản xuất chè theo tiêu chuẩn an toàn VietGAP, hữu cơ; kinh phí đo đạc, chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính; thẩm định mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói;…

Mục tiêu của Đề án là bảo vệ diện tích chè trung du hiện có và mở rộng diện tích đến năm 2025 đạt 1.700ha, năng suất chè búp tươi đạt 155 tạ/ha; xây dựng vườn chè trung du đầu dòng phục vụ hom giống để chủ động sản xuất giống chè trung, phấn đấu đến năm 2025, diện tích chè trung du đạt 30% tổng diện tích; 100% diện tích chè thuộc vùng sản xuất nguyên liệu tập trung được áp dụng quy trình sản xuất chè an toàn, trong đó, ít nhất có 30% diện tích được chứng nhận an toàn; 100% sảm phẩm do doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn có mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói…

Kim Oanh