Cập nhật: Chủ nhật 22/08/2021 - 09:07
Di tích nơi ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại xóm Bảo Biên, xã Bảo Linh (Định Hóa).
Di tích nơi ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại xóm Bảo Biên, xã Bảo Linh (Định Hóa).

Trong thư gửi nhân dân xã Bảo Linh, huyện Định Hóa (năm 1992), Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Thân gửi các cụ, các bác, các anh, chị, em thanh niên, các cháu thiếu niên nhi đồng xã Bảo Linh. Tôi được đoàn đại biểu xã nhà báo cáo những việc đã làm, tôi rất mừng. Tôi có dặn dò một số việc, các đồng chí sẽ báo cáo lại. Mong rằng xã nhà có kế hoạch ổn định và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội thật tốt. Phấn đấu làm sao cho nhà nhà đều giàu có, làm kinh tế hộ gia đình thật giỏi… Chúc đồng bào và chiến sĩ các dân tộc đoàn kết, phát triển cao; xây dựng Bảo Linh thành một xã kiểu mẫu về mọi mặt. Khen ngợi đồng bào đã chăm sóc khu di tích lịch sử để giáo dục truyền thống các thế hệ mai sau".

Đại tướng không quên nhắn gửi: “Chị Hà rất nhớ và gửi lời hỏi thăm bà con” và “Nhớ đọc cho đồng bào nhân ngày sinh 19-5 của Bác Hồ”.

Vị Đại tướng bình dị

Trong những năm tháng ở ATK Định Hóa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặc biệt gắn bó với mảnh đất Bảo Linh. Đây từng là nơi ở, làm việc của Đại tướng và cơ quan Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam giai đoạn 1949-1954.

Ông Phan Văn Tuế, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Bảo Linh lý giải rằng: Sở dĩ Đại tướng dành tình cảm đặc biệt với Bảo Linh, cụ thể là xóm Bảo Biên ngày nay nhiều hơn cả bởi Người có thời gian ở đây lâu, nhiều kỷ niệm nhất với bà con địa phương. Những người con của Đại tướng và bà Đặng Bích Hà là Võ Hòa Bình, Võ Hạnh Phúc và Võ Điện Biên đều sinh ra tại Bảo Linh. Điều đặc biệt hơn cả là từ nơi đây, Người đã trực tiếp phác thảo, vạch ra kế hoạch để trình Thường vụ Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh phê duyệt nhiều chiến dịch lớn như: Biên Giới; Trung Du; Hoàng Hoa Thám; Hà Nam Ninh; Hoà Bình và đặc biệt là Chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Trong ký ức của bà Hà Thị Sâm, 96 tuổi, cán bộ tiền khởi nghĩa hiện đang sống ở xóm Bảo Biên thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người rất gần gủi, thân tình. Bà cười móm mém kể lại:

“Khi ấy tôi là chi hội trưởng phụ nữ, nhà ở phía dưới dốc, gần với khu lán của Bộ Tổng tư lệnh. Đại tướng thường cùng với một hai người nữa, ngựa buộc ở gốc cây to trước cửa nhà tôi rồi đi bộ lên lán. Ông rất hay nói chuyện. Thường hỏi gia đình đã ăn cơm chưa? có rau gì? Đặc biệt là Đại tướng nói tiếng Tày rất thạo”.

Nói về vợ Đại tướng, bà Sâm hồ hởi: “Chị Hà còn kém tôi 3 tuổi, đẹp cả người lẫn nết. Chị khi ấy đang nuôi con nhỏ, thỉnh thoảng hay ra ruộng trò chuyện với chị em phụ nữ trong xóm. Hay hỏi chuyện lắm.

Bà Hà Thị Sâm, cán bộ tiền khởi nghĩa kể về những kỷ niệm khi được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Là người có 5 lần về thăm và gặp trực tiếp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Đồng Quang Sá, nguyên Chủ tịch UBND xã Bảo Linh cũng luôn ấn tượng vì sự gần gũi, ân cần của vị Đại tướng, Tổng Tư lệnh Quân đội.

Ông kể câu chuyện: Tháng 6-1992, Đoàn cán bộ xã Bảo Linh lần đầu tiên tổ chức xuống thăm nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Hà Nội. Chúng tôi gồm 4 người: Ông Triệu Tiến Chu, Bí thư Đảng ủy là Trưởng đoàn, cùng Chủ tịch UBND Hoàng Văn Tiệp, Thư ký HĐND Nông Văn Voòng và tôi khi đó là Trưởng Ban văn hóa, Phó Trưởng Công an xã. Không hẹn trước, không biết địa chỉ và cũng chẳng có giấy tờ giới thiệu nào cả, mấy anh em cứ vừa đi vừa hỏi đường. Đến được nhà Đại tướng ở số 30 Hoàng Diệu thì đã về chiều. Sau khi đội cảnh vệ báo cáo, Đại tướng cho chúng tôi lên gặp ngay. Quà của xã mang biếu Đại tướng có một đôi gà thiến, chục cân gạo nếp và một chai mật ong. Đại tướng vui vẻ nhận, hỏi thăm sức khỏe rồi tự lấy tiền túi của mình đưa cho anh Thỉnh (là vệ sĩ) đưa mọi người ra hồ Trúc Bạch ăn tối.

Khi trở về, Đại tướng đã đợi sẵn ở cổng, hỏi thăm ăn có ngon không? có đủ no không? rồi dặn dò bố trí chỗ ngủ nghỉ chu đáo ở nhà khách.

Sớm hôm sau, khi mọi người thức dậy thì đã thấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp tập thể dục ở sân. Bác hỏi anh em lạ nhà có ngủ được không, có bị muỗi cắn không?

“Mọi người trả lời ngủ được. Nhưng thú thực thì ai cũng đều thắc thỏm bởi ở trong nhà của một vị đại tướng cao quý và nghĩ đến việc sẽ trình bày thế nào mong muốn xác định và khoanh vùng địa điểm nơi cơ quan Bộ Tổng tư lệnh để làm cơ sở giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau. Ai cũng lo cả” - ông Sá thành thực. Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau đó đã viết một bức thư tay thăm gửi nhân dân trong xã Bảo Linh, cùng với đó là sơ đồ phác họa vị trí của Cơ quan Bộ Tổng Tư lệnh, nhà chỉ huy, lán cảnh vệ… Trước khi về, Người căn dặn: “Khu di tích đó nên khoanh vùng lại làm vườn cây thanh niên, để sau này giáo dục truyền thống cho các thế hệ”.

Mảnh đất ân tình

Thực hiện theo ý nguyện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khu di tích ở xóm Bảo Biên, xã Bảo Linh đã được đầu tư kinh phí để làm đường giao thông, xây dựng bia di tích, phục dựng lại nhà làm việc và một số hạng mục khác. Nơi đây gồm 2 điểm di tích chính là: Nơi ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp kiêm Văn phòng Quân ủy ở đồi Đỏn Mỵ và Văn phòng Bộ Tổng Tư lệnh trên đồi Khau Cuổi. Phần lớn diện tích đất trong khuôn viên di tích được nhân dân hiến tặng.

Di tích Văn phòng Bộ Tổng tư lệnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được quy hoạch và xây dựng khang trang.

Nằm trên quả đồi bát úp có tên Đỏn Mỵ - nơi ở và làm việc của Đại tướng kiêm Văn phòng Quân ủy đơn sơ, giản dị như bao nếp nhà của bà con địa phương. Xung quanh là rộng dài những ruộng lúa, nương ngô xanh mướt. Đây được xem là vị trí đắc địa bởi nằm giữa cánh đồng Bảo Biên và được bao bọc bởi những dãy núi trùng điệp, thể “tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ” (tiến có thể đánh, lui có thể thủ). Vị trí này vừa đảm bảo bí mật, vừa tiện đường sang xã Điềm Mặc (nơi Bác Hồ, các cơ quan Trung ương Đảng ở và làm việc) và xã Định Biên (nơi đặt cơ quan Bộ Tổng tham mưu, Tổng Cục Chính trị Quân đội), lại tiện đường rút sang Tuyên Quang, Bắc Kạn khi có trường hợp khẩn cấp.

Bước chân trên những bậc thềm đất năm xưa Đại tướng từng đi, ông Đồng Quang Sá xúc động: Nhân dân Bảo Linh nói riêng, ATK Định Hóa nói chung luôn hướng về Đại tướng với một niềm kính yêu son sắc. Ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất, cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi trân trọng đặt thêm di ảnh của Người lên ban thờ của gia đình, thắp nén nhang thơm để tỏ lòng thành kính.

Ông Phan Văn Tuế hồi tưởng: Hòa bình lập lại, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có 2 lần về xã Bảo Linh. Lần đầu tiên là năm 1989. Người thăm lại nơi ở, làm việc của mình và phát biểu với toàn thể nhân dân tại sân vận động xã. Đại tướng chủ yếu nói tiếng Tày nên ai cũng rất cảm động. Năm 1998, trong lần cuối cùng trở lại Định Hóa, Đại tướng cùng vợ là bà Đặng Bích Hà đến thăm lại xóm Bảo Biên. Người luôn đau đáu trăn trở, căn dặn chính quyền xã phải phát huy truyền thống, chăm lo đời sống cho bà con thật tốt.

Gần 70 năm đã đi qua, mảnh đất cách mạng xưa đã nhiều thay đổi nhưng tấm lòng thành kính của người dân với Đại tướng vẫn vẹn nguyên. Trong khuôn viên khu di tích, địa danh đồi Đỏn Mỵ vẫn được bà con gọi bằng cái tên thân thương là “Đồi Đại tướng”, để luôn ghi nhớ vị tướng vĩ đại của dân tộc, mà rất mực gần gũi với đồng bào.

Xuân Hòa