Có dịp trở lại thăm gia đình ông Hợp mới đây, chúng tôi khỏi ngạc nhiên bởi ngôi nhà cũ chật chội, xuống cấp đã được thay thế bằng ngôi nhà mới khang trang, rộng rãi hơn nhiều. Ông phấn khởi nói: Trong một lần về quê (huyện Đan Phượng, Hà Nội), tôi thấy quê mình trồng nhiều bưởi diễn nên đã hỏi kinh nghiệm và học thêm trên mạng để trồng thử vài chục cây. Đến nay, gia đình tôi có hơn 200 cây bưởi diễn cho thu nhập khoảng 70-80 triệu đồng/năm.
Chúng tôi hỏi, vườn bưởi lớn như vậy trong khi bác tuổi đã cao thì làm sao chăm sóc tốt? Ông Hợp cười hiền nhưng đôi mắt thoáng buồn: Tôi có 4 đứa con thì 3 đứa bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam khiến việc đi lại, sinh hoạt gặp nhiều khó khăn. Còn 1 đứa không bị ảnh hưởng nhiều lắm, vẫn có thể đi lại bình thường nên cháu cũng phụ tôi chăm sóc vườn bưởi. Cây bưởi diễn khá dễ trồng nên với sự phụ giúp của nó, tôi có thêm thời gian chăm sóc 3 đứa còn lại…
Năm 1965, thanh niên Nguyễn Trọng Hợp nhập ngũ và tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Nam. Nhiều năm liền, anh đạt Chiến sĩ thi đua cơ sở. Trong trận đánh Núi Chùa (1969), anh không may bị thương ở mắt phải, buộc phải chuyển ra miền Bắc để điều trị và xuất ngũ kể từ đó…
Đến năm 1974, ông về công tác tại Trường Trung học Cơ khí luyện kim Bắc Thái (nay là Trường Cao đẳng Cơ khí luyện kim). Do vợ và các con bị bệnh, phải thường xuyên đi viện điều trị nên năm 1982 ông Hợp phải xin nghỉ công tác sớm. Năm 2013, vợ ông qua đời, để lại mình ông với những đứa con tật nguyền khiến cuộc sống đã khó khăn lại càng vất vả hơn.
Ông Đặng Đình Phúc, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tân Quang thông tin: Ông Hợp là hội viên có hoàn cảnh rất khó khăn. Thấu hiểu điều đó, những năm qua, Hội Cựu chiến binh thành phố và xã đã có nhiều hoạt động giúp đỡ gia đình. Tuy nhiên, với phẩm chất của người lính cụ Hồ, ông Hợp không vì thế mà ỷ lại, luôn là tấm gương sáng về nghị lực vượt khó.
Không chỉ vươn lên phát triển kinh tế gia đình mà ông Hợp còn đóng góp vật chất, sức mình để ủng hộ địa phương xây dựng đường giao thông, nhà văn hóa… Khi xóm làm đường bê tông nông thôn, ông hăng hái tham gia giám sát công trình, trông coi nguyên vật liệu để tuyến đường hoàn thành đảm bảo đúng tiến độ và kỹ thuật. Còn khi xóm xây dựng nhà văn hóa, ông tiếp tục ủng hộ bàn, chiếc ghế.
Bà Phạm Thị Lượt, Trưởng xóm Tân Mỹ 1 cho hay: Ông Hợp dù cao tuổi nhưng lúc nào cũng đi đầu trong mọi hoạt động ở địa phương. Mỗi khi xóm có việc cần huy động sức người, sức của thì ông là người tiên phong tham gia. Vì thế, bà con ai cũng yêu quý và nể trọng…