Cập nhật: Thứ hai 23/08/2021 - 07:36
Trường THPT Gang Thép (T.P Thái Nguyên) tiến hành kiểm tra y tế trước khi tiếp nhận học sinh lớp 10 làm thủ thục nhập học.
Trường THPT Gang Thép (T.P Thái Nguyên) tiến hành kiểm tra y tế trước khi tiếp nhận học sinh lớp 10 làm thủ thục nhập học.

Năm học 2021-2022 dự kiến sẽ khai giảng trong điều kiện dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhiệm vụ chuyên môn đòi hỏi cao hơn khi Chương trình Giáo dục phổ thông mới tiếp tục được thực hiện ở khối lớp 1, lớp 2 và lớp 6. Để tìm hiểu rõ hơn về kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học mới, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn đồng chí Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).

P.V: Bộ GD&ĐT đã ban hành kế hoạch và khung chương trình cho năm học 2021-2022 đối với giáo dục phổ thông. Đồng chí có thể cho biết tỉnh Thái Nguyên triển khai thực hiện nội dung này như thế nào?

Đ/c Phạm Việt Đức: Năm học mới diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, do đó ngành GD&ĐT Thái Nguyên xác định cần thực hiện song song hai nhiệm vụ: Vừa phòng, chống dịch vừa bảo đảm kế hoạch và chất lượng giáo dục. Quan điểm chỉ đạo chung của Ngành là: An toàn mới tổ chức dạy và học tập trung. Như vậy tức là phải chủ động phòng, chống dịch bệnh trước, sau đó mới tổ chức các hoạt động giáo dục. Còn trong trường hợp tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, các nhà trường sẽ chuyển trạng thái sang dạy và học trực tuyến như thời điểm cuối năm học 2020-2021. 

Khung kế hoạch năm học 2021-2022 đã được xây dựng bám sát hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Cụ thể, thời điểm học sinh tựu trường bắt đầu từ ngày 30/8/2021 và toàn tỉnh cùng thực hiện khai giảng năm học mới vào ngày 5-9. Sau đó các trường bắt tay ngay vào chạy chương trình và học kỳ I sẽ kết thúc vào ngày 15/1/2022, học kỳ II sẽ kết thúc giảng dạy vào ngày 31/5/2022. Trong quá trình tổ chức thực hiện kế hoạch, các trường sẽ căn cứ vào tình hình thực tế, nhất là diễn biến dịch COVID-19 để thực hiện hoạt động giáo dục cho phù hợp. Tinh thần chung là không dừng, không gián đoạn các hoạt động giáo dục.

P.V: Để vừa phòng, chống dịch vừa bảo đảm kế hoạch và chất lượng giáo dục trong năm học mới, Ngành có những phương án cụ thể gì, thưa đồng chí? 

Đ/c Phạm Việt Đức: Qua một số đợt thực hiện tình huống ứng phó với dịch COVID-19, toàn Ngành đã rút ra một số bài học kinh nghiệm. Trong năm học mới này, Ngành đề cao tính chủ động trong phòng ngừa dịch bệnh. Muốn làm được điều này, các nhà trường, chính quyền địa phương và gia đình học sinh phải thực sự đề cao cảnh giác, chung tay xây dựng môi trường an toàn phòng, chống dịch. Ngành GD&ĐT cũng sẽ chuẩn bị những tình huống dự phòng, thiết lập nhà trường, khu dân cư “vùng xanh” để duy trì hoạt động dạy và học, bảo đảm thực hiện đúng kế hoạch năm học. 

Về kế hoạch tổ chức dạy và học trực tuyến, cơ bản 100% các trường trên địa bàn tỉnh đều đáp ứng khả năng thực hiện. Năm học trước, toàn tỉnh có khoảng 98% giáo viên thực hiện dạy học trực tuyến; trên 80% học sinh được học trực tuyến, số còn lại được học gián tiếp (như giao bài bằng biện pháp in sao tài liệu...). 

P.V: Đồng chí có thể cho biết những mục tiêu trọng tâm của ngành GD&ĐT tỉnh trong năm học mới là gì?

Đ/c Phạm Việt Đức: Năm mục tiêu trọng tâm Ngành tập trung trong năm học mới này đó là: Rà soát, sắp xếp quy hoạch mạng lưới các cơ sở GD&ĐT; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý giáo dục; nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ; đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh.  

Một số nhiệm vụ cụ thể cần tập trung thực hiện để đạt được các mục tiêu trên là: Tập trung bồi dưỡng đội ngũ cốt cán để thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới và các mục tiêu giáo dục mũi nhọn. Tiếp đến là nâng cao năng lực, trình độ tiếng Anh trong các trường phổ thông. Bên cạnh đó, Ngành tiếp tục rà soát quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương, bảo đảm quyền lợi và bình đẳng trong giáo dục.

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!  

Trần Nguyên
(Thực hiện)