Năm 2021, huyện Đồng Hỷ có 10 chủ thể hợp tác xã (HTX) đăng ký tham gia Chương trình OCOP với 18 sản phẩm được lựa chọn từ các nông sản tiêu biểu của địa phương. Và mới đây, huyện Đồng Hỷ đã đánh giá và lựa chọn 18 sản phẩm này trình UBND tỉnh đề nghị đánh giá, phân hạng công nhận sản phẩm OCOP năm 2021.
Nói về điều này, bà Nguyễn Thị Hà, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện cho biết: Các sản phẩm của huyện được đề nghị công nhận OCOP năm nay vẫn chủ yếu là các sản phẩm chế biến từ cây chè với 14 sản phẩm. Điểm cộng cho sản phẩm OCOP năm nay là các HTX đã tạo ra "cuộc cách mạng" về bao bì và chất lượng, từng bước đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thị trường.
Tiêu biểu như HTX Tuyết Hương. Năm nay, đơn vị có 2 sản phẩm dự thi là Hương Sơn Trà và Mộc Trà Tân Mỹ, trong đó, sản phẩm Hương Sơn Trà được Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp huyện đánh giá cao với phân hạng tiêu chuẩn 5 sao.
Bà Trần Thị Tuyết, Giám đốc HTX chia sẻ: Các tiêu chí để sản phẩm đạt 5 sao - hạng cao nhất của Chương trình OCOP khá khắt khe, như: Sản phẩm có tính cộng đồng cao khi sử dụng 100% nguyên liệu trong tỉnh; chủ yếu sử dụng lao động là người địa phương; xây dựng được chuỗi liên kết… Do đó, để đạt các tiêu chí của 5 sao, HTX đã đầu tư trang thiết bị sản xuất, chế biến hiện đại; nâng cấp nhà xưởng, đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Vùng nguyên liệu của HTX có quy mô 15ha, năng lực sản xuất đạt 250 tấn chè búp tươi/năm. HTX còn có hệ thống quản lý phân phối tại các tỉnh: Hải Dương, Quảng Ninh, Vũng Tàu, Bến Tre, Đồng Tháp…, ngoài ra, sản phẩm của HTX còn được xuất khẩu thị trường nước ngoài.
Trong 10 chủ thể HTX của huyện Đồng Hỷ tham gia chương trình OCOP năm nay, ngoài một số HTX đã “quen mặt”, có 3 chủ thể mới tham gia lần đầu nhưng sản phẩm của họ được đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP huyện Đồng Hỷ đánh giá cao. Như HTX đa nghề Trường Thuật, ở xóm Bãi Bông, xã Hợp Tiến, mới được thành lập vào cuối tháng 7 vừa qua. Tham dự Chương trình OCOP năm nay, HTX có 2 sản phẩm độc đáo là trang phục truyền thống dân tộc Dao của nam và nữ.
Chị Triệu Thị Oanh, thành viên HTX nói: Để sản xuất ra những bộ trang phục mang đậm bản sắc dân tộc, các nghệ nhân của HTX phải tỉ mỉ, khéo léo qua từng công đoạn từ cắt vải, may lên dáng, thêu, ghép hình hoa văn, viền chỉ. Cần từ 3-5 người mới làm xong một bộ trang phục. Nếu được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, sản phẩm của chúng tôi không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần quảng bá, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Dao.
Bên cạnh đó, một số sản phẩm như: Miến khoai lang, miến sắn dây của HTX miến Việt Cường; kẹo lạc trà xanh, Matcha Omatea của HTX Thái Minh… đã cho thấy sự nghiêm túc, nỗ lực, sáng tạo của các chủ thể sản xuất đối với việc tham gia Chương trình OCOP. Thực tế cho thấy, sau hơn 2 năm triển khai Chương trình, nhiều sản phẩm truyền thống, đặc trưng của huyện Đồng Hỷ đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường. Thay đổi rõ nét nhất là các sản phẩm sau khi được chứng nhận OCOP đều tăng về giá trị và doanh thu cho người sản xuất. Việc được công nhận sản phẩm đạt OCOP đã tạo động lực để các HTX, hộ sản xuất trên địa bàn tiếp tục quan tâm đầu tư để nâng hạng sản phẩm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Danh Huân, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ thông tin: Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cán bộ, người dân triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chương trình OCOP. Bên cạnh đó, quản lý, sử dụng, phát huy hiệu quả nguồn lực từ các đề án, dự án phát triển nông nghiệp để xây dựng các vùng nguyên liệu, vùng sản xuất tập trung; đẩy mạnh công tác chế biến, đặc biệt là chế biến sâu...