Sự hậu thuẫn lớn
Theo hãng tin Reuters (Anh), bà Sanae Takaichi, 60 tuổi, một người có kinh nghiệm chính trị dày dặn, đã trở thành nữ Bộ trưởng Nội vụ đầu tiên trong nhiệm kỳ thứ 2 của chính quyền cựu Thủ tướng Shinzo Abe vào năm 2014.
Truyền thông địa phương cho biết bà Takaichi đã nhận được sự hậu thuẫn lớn từ ông Abe trong cuộc đua tranh cử Thủ tướng lần này. Nữ chính trị gia sẽ tuyên bố tranh cử vị trí lãnh đạo đảng cầm quyền Dân chủ Tự do (LDP) với cam kết thúc đẩy các chính sách chống lại các mối đe dọa về công nghệ của Trung Quốc và củng cố nền kinh tế đang bị tàn phá bởi đại dịch COVID-19.
Việc bà Takaichi nhận được sự hậu thuẫn từ vị thủ tướng tại vị lâu nhất của Nhật Bản là điều không có gì đáng ngạc nhiên, khi cả hai đều có sự liên kết chặt chẽ về tư tưởng. Cũng giống như ông Abe, ứng cử viên 60 tuổi đến từ tỉnh Nara được biết đến như một nhân vật được yêu thích trong số những người thuộc phe bảo thủ và có quan điểm diều hâu về quốc phòng và ngoại giao. Cả hai đều từng là thành viên của một nhóm nghị sĩ phi đảng phái ủng hộ tổ chức cực hữu có tên Hội nghị Nhật Bản (Nippon Kaigi).
Tuy nhiên, truyền thông địa phương cho rằng dù sự hẫu thuẫn của ông Abe giúp bà có được sự ủng hộ của ít nhất 20 nhà lập pháp, điều kiện tiên quyết để Takaichi chính thức tham gia tranh cử, bà vẫn xếp hạng thấp trong bảng xếp hạng mức độ phổ biến với công chúng. Điều này có thể cản trở cơ hội của nữ chính trị gia.
Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide phát biểu tại cuộc họp báo ở Tokyo. Ảnh: AFP/TTXVN
Các thành viên LDP sẽ cùng các thành viên của đảng trong quốc hội bỏ phiếu tại cuộc bầu cử lãnh đạo. Người chiến thắng sẽ dẫn dắt đảng tới cuộc bầu cử hạ viện được tổ chức vào ngày 28-11 tới. Do vậy, mức độ phổ biến với công chúng là một yếu tố quan trọng trong việc lựa chọn lãnh đạo mới.
Theo kế hoạch, LDP sẽ tổ chức một cuộc bầu lãnh đạo vào ngày 29-9, sau khi Thủ tướng Yoshihide Suga tuyên bố sẽ không tái tranh cử vào hôm 3-9. Người chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu sẽ trở thành Thủ tướng tiếp theo của Nhật Bản.
Cho đến nay, chỉ có cựu ngoại trưởng Fumio Kishida tuyên bố ra tranh cử. Tuy nhiên, Bộ trưởng cải cách hành chính, người đang phụ trách chương trình tiêm chủng vaccine COVID-19 nổi tiếng Taro Kono, cùng bà Takaichi, cũng đã đưa ra tín hiệu sẽ tham gia cuộc đua này.
Chủ trương kế thừa các chính sách của ông Abe
Takaichi cho biết bà muốn giải quyết các vấn đề mà các chính quyền trước đây chưa giải quyết được, chẳng hạn như lạm phát 2% và đề xuất luật "ngăn chặn việc rò rỉ thông tin nhạy cảm sang Trung Quốc". Bà nói rằng cần nhanh chóng bổ sung ngân sách để hỗ trợ hệ thống y tế của Nhật Bản, vốn đang gặp khó khăn vì đại dịch.
Trong cuốn sách có tựa đề tạm dịch là “Đến với một quốc gia tươi đẹp, hùng cường và thúc đẩy tăng trưởng: Kế hoạch của tôi nhằm củng cố nền kinh tế Nhật Bản”, dự kiến lên kệ vào cuối tháng 9, nữ chính trị gia này sẽ trình bày về chính sách "Abenomics mới".
Việc nhắc tới các chính sách của cựu Thủ tướng Abe trong cuốn sách này là nỗ lực rõ ràng của bà Takaichi nhằm thể hiện rằng bà là một "tín đồ" nhiệt thành của nhà lãnh đạo này.
Trong cuốn sách, bà Takaichi cũng sẽ kêu gọi thực hiện các biện pháp mạnh mẽ hơn để chống lại “những rủi ro nghiêm trọng từ Trung Quốc”, trong đó có việc đánh cắp công nghệ tiên tiến của Nhật Bản.
Tuy nhiên, danh tiếng chính trị của bà Takaichi với tư cách là một nhân vật bảo thủ trung thành lại xuất phát từ việc nữ chính trị gia này phản đối gay gắt luật cho phép các cặp vợ chồng giữ lại họ riêng sau khi kết hôn.
Trong thời gian làm Bộ trưởng Nội vụ, bà Takaichi cũng đã gây chú ý khi đến thăm đền Yasukuni nhân kỷ niệm ngày Nhật Bản bị đánh bại trong Thế chiến thứ 2. Các chuyến thăm của một số nhân vật chủ chốt trong Chính phủ Nhật Bản tới ngôi đền, nơi thờ hàng triệu lính Nhật đã bỏ mạng trong các cuộc chiến tranh hiện đại cũng như tội phạm chiến tranh loại A, thường gây ra sự phẫn nộ của Trung Quốc và Hàn Quốc - những nước coi đền Yasukuni là biểu tượng cho quá khứ quân phiệt của đất nước Mặt Trời mọc.