Trận mưa to kèm theo gió lớn xảy ra đêm 22 rạng sáng 23/8/2021 trên địa bàn xã Văn Hán (Đồng Hỷ) đã làm lật toàn bộ mái nhà của gia đình anh Trần Văn Son, ở xóm Thịnh Lâm. Thiệt hại do thiên tai gây ra khiến cả gia đình anh Son bối rối và chưa biết phải khắc phục từ đâu. Thời điểm đó, được sự giúp sức của Đội xung kích PCTT xã Văn Hán, ngay trong chiều ngày 23-8, gia đình anh đã sửa chữa xong phần mái nhà và cư trú ổn định.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Son nói: Sau khi gọi điện thông báo với trưởng xóm, ngay trong buổi sáng hôm đó, xã, xóm đã cử người xuống hỗ trợ gia đình tôi sửa chữa, lợp lại mái nhà, dọn dẹp đồ dùng sinh hoạt bị mưa ướt, gia đình tôi thật sự cảm kích.
Không chỉ gia đình anh Son, trong trận mưa lớn này, 10 hộ dân khác trong xã Văn Hán cũng bị tốc mái nhà; nhiều vị trí trên tuyến đường giao thông liên xóm bị sạt lở... Sau khi nắm bắt tình hình, lực lượng xung kích PCTT của xã đã khẩn trương triển khai các phương án khắc phục hậu quả.
Anh Lường Quang Khương, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự, Đội trưởng Đội xung kích PCTT xã Văn Hán cho biết: Phát huy tinh thần 4 tại chỗ (chỉ huy; lực lượng; vật tư, phương tiện, kinh phí và hậu cần tại chỗ), chúng tôi đã huy động các thành viên trong Đội xung kích PCTT mau chóng giúp các hộ dân tu sửa, lợp lại mái nhà, đảm bảo ổn định đời sống. Cùng lúc đó, một nhóm khác tiến hành khơi thông, thu dọn đất, cây cối đổ ra đường, đảm bảo an toàn cho người dân…
Hiện nay, ngoài lực lượng xung kích PCTT cấp xã, tại 14 xóm cũng đã thành lập Tổ xung kích PCTT, mỗi tổ có từ 5-7 thành viên gồm trưởng xóm, công an viên, thôn đội trưởng, chi hội trưởng các đoàn thể, dân quân…. Vì thế, khi thiên tai xảy ra, công tác ứng phó, khắc phục hậu quả đều được triển khai kịp thời, hiệu quả.
Thành viên Đội xung kích phòng, chống thiên tai xã Hà Châu (Phú Bình) hỗ trợ nhân dân sửa chữa nhà ở bị hỏng do mưa lớn.
Cũng trong trận mưa lớn này, một số địa phương trên địa bàn huyện Võ Nhai chịu nhiều ảnh hưởng, thiệt hại. Cụ thể, nước lũ dâng cao gây ngập lụt nhà ở của một số hộ dân ở xóm Vang, xã Liên Minh; nhiều ngầm, cầu tràn tại một số xã bị ngập sâu; mưa lớn gây ngập úng khoảng 160ha hoa màu trên địa bàn, làm sạt lở đường bê tông tại xóm Cao Biền, xã Phú Thượng và xóm Na Rang, Na Cà, xã Vũ Chấn… Tuy nhiên, với tinh thần chủ động ứng phó với thiên tai, Ban Chỉ huy PCTT các cấp và đội xung kích PCTT ở các địa phương đã triển khai kịp thời các phương án như: Kiểm tra thực tế tại cơ sở, các vị trí có nguy cơ ảnh hưởng cao; bố trí lực lượng xung kích hỗ trợ người dân sơ tán người cùng tài sản và canh gác tại các ngầm, cầu tràn, đảm bảo an toàn cho người dân và phương tiện lưu thông… Nhờ vậy, trong đợt thiên tai này, trên địa bàn huyện không để xảy ra thiệt hại về người.
Theo bà Vũ Thị Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Võ Nhai: Xác định công tác PCTT là một trong những nhiệm vụ quan trọng nên từ đầu năm, UBND huyện đã quan tâm kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn huyện. Đồng thời chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát, kiện toàn Đội xung kích PCTT. Hiện nay, 15/15 xã, thị trấn trong huyện đều đã xây dựng, củng cố lực lượng xung kích PCTT cấp xã theo quy định, với trên 900 thành viên.
Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, những năm trước đây, lực lượng xung kích PCTT cấp xã tại các địa phương trong tỉnh chủ yếu là dân quân. Từ năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 76/NQ-CP về công tác PCTT bổ sung các thành phần cho Đội xung kích PCTT gồm: Công an, dân quân, các hội đoàn thể, y tế… Đến nay, cả 178/178 xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã xây dựng Đội xung kích PCTT với tổng số trên 12.900 thành viên.
Thời gian qua, các đội xung kích PCTT đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình, trở thành lực lượng tại chỗ phản ứng nhanh, kịp thời xử lý các tình huống khẩn cấp trước khi lực lượng bên ngoài có thể tiếp cận các vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Đội xung kích PCTT có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác phòng ngừa thiên tai và tuyên truyền người dân nâng cao ý thức PCTT.
Tuy đã phát huy được hiệu quả tích cực nhưng trên thực tế, hoạt động của Đội xung kích PCTT tại các địa phương vẫn còn một số khó khăn, như: Lực lượng tại một số xã chưa đáp ứng về số lượng, thiếu công cụ, trang thiết bị hoạt động; một số thành viên của Đội xung kích là lực lượng lao động trẻ, đi làm ăn xa, không thường xuyên có mặt tại địa bàn nên khó huy động khi có thiên tai xảy ra...
Theo ý kiến của cơ quan chuyên môn, để phát huy vai trò và duy trì bền vững hoạt động của Đội xung kích PCTT cấp xã cần có sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc bổ sung thiết bị bảo hộ, trang thiết bị PCTT và tìm kiến cứu nạn; thường xuyên mở các lớp tập huấn về chuyên môn, nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích tại địa phương… Từ đó, góp phần giảm nhẹ rủi ro do thiên tai gây ra, đảm bảo ổn định cuộc sống của nhân dân.