Cập nhật: Thứ sáu 10/09/2021 - 08:09
Bác Trịnh Thị Quyên ở xóm Tân Thái, xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ thu hoạch hồng da tre cuối vụ.
Bác Trịnh Thị Quyên ở xóm Tân Thái, xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ thu hoạch hồng da tre cuối vụ.

Mùa thu là mùa của trái hồng, với nhiều loại như hồng giòn, hồng ngâm thì không thể thiếu là hồng da tre. Khoảng 3 năm trở lại đây hồng da tre là loại trái cây được nhiều chị em săn lùng để thưởng thức. Ngoài tiêu thụ trên địa bàn tỉnh, phần lớn sản lượng hồng da tre được thu gom chuyển về Hà Nội.

Nhiều năm làm nghề thu gom hồng da tre cung cấp ra thị trường trong và ngoài tỉnh, chị Trương Thị Thủy, xóm Xuân Hòa, xã La Hiên (Võ Nhai) cho biết: Hồng da tre bà con hay gọi là hồng vuông. Hồng có lớp vỏ ngoài cứng, hơi giống hồng ngâm và có màu xanh không khác gì thân cây tre. Kích cỡ quả hồng da tre cũng to hơn so với hồng ngâm, khoảng 5-6 quả/kg.

Mùa hồng da tre rất ngắn khoảng trên 1 tháng, sau khi na cho thu hoạch và kết thúc mùa trước rằm Trung thu. Hồng này có thể ngâm nước hoặc để vào rổ chỗ thoáng mát cho chín tự nhiên. Cách đây 5-7 năm, giá của loại hồng này rất rẻ, bà con mang ra chợ bán chỉ vài nghìn đồng 1 kg, vì thế nhiều hộ đã chặt đi trồng thay thế bằng cây bưởi, cam, mít thái…

Khoảng 3-4 năm trở lại đây, nhiều người đặt mua hồng da tre, vì thế nhà tôi đi thu gom chủ yếu gửi về Hà Nội. Giá hồng khá cao, trung bình tôi giao cho đại lý ở Hà Nội quả loại 1 từ 50-55 nghìn đồng/kg, nhưng nhiều chị em ở thủ đô chia sẻ khi đến tay người tiêu dùng giá lên tới 120 đến 140 nghìn đồng/kg. Từ đầu vụ đến nay tôi đã thu mua và chuyển về Hà Nội gần 10 tấn quả.

Chị Trương Thị Thủy, xóm Xuân Hòa, xã La Hiên (Võ Nhai) phân loại hồng da tre chuyển về Hà Nội tiêu thụ.

 Qua tìm hiểu của chúng tôi diện tích hồng da tre trồng tập trung ở một số xã của 2 huyện Võ Nhai, Đồng Hỷ. Những năm trước giá trị kinh tế thấp nhiều hộ đã chặt cây hồng để trồng các loại cây ăn trái khác. “Hồng vuông giờ mọi người gọi là hồng da tre được trồng ở Thái Nguyên từ vài chục năm rồi. Ông nhà tôi mua giống hồng từ làng Việt Cường cùng xã về trồng. Cây lâu năm nhất trong vườn nhà tôi có lẽ cũng ngót nghét 20 năm.

 Đến mùa không bán được, nhà nào cũng trồng cho không đắt nên gia đình tôi chặt thay thế bằng mít thái, bưởi, chỉ để lại 3 cây cho con cháu ăn. Năm nay mất mùa 3 cây hồng nhà tôi chỉ thu được gần 50 kg quả. Giá bán xô tại vườn là 30 nghìn đồng/kg. Ai nghĩ mấy năm nay hồng lại được giá thế mà để lại không chặt đi. Trong xóm này giờ chỉ còn gần chục hộ vẫn giữ được giống hồng này. Dân buôn họ lùng đến từng nhà thu mua cả cây, không phải mang ra chợ bán như trước nữa” đó là chia sẻ của bác Trịnh Thị Quyên ở xóm Tân Thái, xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ.

Theo lời chị Trần Thu Hằng ở quận Cầu Giấy, Hà Nội năm nào tôi cũng săn lùng để đặt mua hồng da tre Thái Nguyên. Muốn thưởng thức hồng da tre ngon chọn quả thu hái khi đến độ (hồng già), rồi ủ 2-3 ngày để chín tự nhiên. Khi ủ, trái hồng được xếp úp ngược núm quả xuống dưới để nhanh chín. Trong quá trình đó, vỏ quả hồng da tre sẽ chuyển dần sang màu ửng vàng.

Đến khi lớp vỏ da tre trong veo, cầm mềm tay là báo hiệu quả hồng đã chín. Trái chín có ruột trong như thạch, màu sắc hồng đỏ tựa lòng đào trứng gà, mềm mịn, nhiều nước, mùi thơm nhẹ, vị ngọt đậm. Hồng da tre không có hạt và xơ như hồng đỏ, khi ăn có cảm giác giòn sần sật. Để ăn hồng da tre ngon, khi trái chín mềm bỏ vào ngăn mát tủ lạnh để từ 1-2 giờ, chỉ cần bổ đôi quả hồng rồi dùng thìa xúc, cả trẻ em, người già đều ưa thích.

Giữa nhiều loại trái cây của mùa thu, hồng da tre Thái Nguyên là loại quả được nhiều người đón đợi bởi hương vị thơm ngọt lành. Vì thế, giá hồng da tre cũng cao hơn so với những loại hồng khác. Những ngày đầu tháng 9 được thưởng thức một thứ quả đặc sản trong không khí của mùa Thu ngập tràn đất trời khiến ta cảm thấy an yên thực sự và cảm nhận hạnh phúc từ những khoảnh khắc giản dị thường ngày.

Hằng Nga