Nguyên nhân của hạn chế nêu trên là do chúng ta chưa có sự đầu tư về kinh phí và sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành. Hơn nữa, các chương trình giáo dục về SKSS, SKTD trong các nhà trường được thực hiện rất ít và không nhất quán. Ngoài ra, hoạt động truyền thông cung cấp thông tin, tư vấn về SKSS, SKTD cho VTN và TN ngoài nhà trường còn rời rạc, thiếu đồng bộ.
Minh chứng rõ nét được thể hiện qua báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Từ năm 2018 đến năm 2020, tỉnh mới chỉ đào tạo được 1 lớp bồi dưỡng kiến thức về chăm sóc SKSS VTN và TN cho cán bộ y tế tuyến huyện. Truyền thông, tư vấn, nói chuyện chuyên đề về chăm sóc SKSS cho VTN và TN trong các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh không tổ chức được buổi nào.
Trong khi, tính đến tháng 10/2020, trên địa bàn tỉnh có 191 trường THCS với 74.464 học sinh và 33 trường THPT với 39.386 học sinh. Hầu hết các trường không có tranh hay Pano, áp phích tuyên truyền về chăm sóc SKSS, SKTD của VTN và TN; không có buổi tuyên truyền, tư vấn, nói chuyện chuyên đề nào về nội dung này.
Đến nay, tình trạng quan hệ tình dục sớm, quan hệ tình dục không an toàn, mang thai ngoài ý muốn và phá thai không an toàn, nguy cơ lây nhiễm bệnh lây qua đường tình dục… của VTN và TN vẫn chưa được cải thiện đáng kể.
Năm 2018, toàn tỉnh có xấp xỉ 16,6 nghìn người mang thai, trong đó có 590 trường hợp mang thai ở tuổi vị thành niên thì đến năm 2020 là 261 trường hợp/hơn 20,6 nghìn người mang thai; tỷ lệ phá thai ở VTN, TN/tổng số phụ nữ phá thai là 1.04%...
Bên cạnh đó, nhân lực để thực hiện cung cấp dịch vụ, cung cấp thông tin SKSS, SKTD, cung cấp dịch vụ thân thiện tại trường học, cộng đồng và tại y tế cơ sở cho VTN, TN cũng hạn chế và thường xuyên biến động. Cán bộ được đào tạo chuyên sâu về cung cấp dịch vụ còn thiếu nên chưa đáp ứng nhu cầu.
Thêm vào đó, những rào cản về văn hóa - xã hội cũng đang là thách thức lớn trong cung cấp và sử dụng dịch vụ chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN, TN. Nhất là định kiến, cách nhìn phiến diện về SKSS, SKTD cho VTN và TN của cha mẹ, giáo viên, nhân viên y tế và cộng đồng cũng ảnh hưởng đến tư tưởng và quan niệm của VTN và TN, gây cản trở không nhỏ đến việc tiếp cận, sử dụng dịch vụ chăm sóc SKSS, SKTD.
Vì vậy, những cơ sở y tế tư nhân có xu hướng được VTN&TN chưa lập gia đình lựa chọn nhiều hơn trong sử dụng dịch vụ chăm sóc SKSS, SKTD, gây khó khăn cho việc quản lý, thống kê.
Với mục tiêu cải thiện tình trạng SKSS, SKTD của VTN&TN, góp phần đưa VTN&TN trở thành một lực lượng lao động khỏe mạnh, phát huy hết tiềm năng để đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, trong thời gian tới, Thái Nguyên sẽ tăng cường truyền thông, vận động thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi về chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN và TN, thông qua việc đẩy mạnh truyền thông về tầm quan trọng của SKSS, SKTD đối với VTN và TN tới lãnh đạo các cấp từ tỉnh tới cơ sở; tập trung truyền thông giáo dục nhằm thay đổi hành vi, thái độ, nhận thức trong cộng đồng về chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN&TN….
Cùng với đó là nâng cao hiệu quả và tăng cường năng lực quản lý về chăm sóc SKSS, SKTD; tăng khả năng tiếp cận và chất lượng dịch vụ chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN và TN.
Đặc biệt là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyên môn, kỹ thuật cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN và TN tại các cơ sở y tế; kiểm tra, giám sát, theo dõi, đánh giá và báo cáo thông qua việc tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn về kiến thức, kỹ năng truyền thông trong chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN và TN tới cán bộ y tế và cán bộ truyền thông tuyến tỉnh, huyện nhằm nâng cao năng lực truyền thông. Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng truyền thông, vận động thay đổi hành vi về SKSS, SKTD cho VTN và TN cho cán bộ y tế tại cơ sở, y tế thôn bản…