Mức điểm trúng tuyển vào hai trường (Đại học Sư phạm và Đại học Y - Dược) có các ngành đào tạo giáo viên và y khoa tăng cao hơn so với những năm gần đây và nằm trong tốp các trường có mức điểm trúng tuyển cao của cả nước.
Cụ thể, ngành Y khoa: 26,20; ngành Răng - Hàm - Mặt: 26,25; ngành Dược học: 25,20; ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học: 24,85; Y học dự phòng: 21,85 và Điều dưỡng: 21,50. Trừ ngành Y khoa và ngành Răng - Hàm - Mặt không tăng so với năm trước, các ngành đào tạo còn lại đều tăng từ 0, 5 điểm trở lên.
Điểm trúng tuyển tăng mạnh nhất là khối các ngành đào tạo giáo viên của Trường Đại học Sư phạm. Cụ thể, ngành Giáo dục Mầm non: 27,50 điểm, ngành Giáo dục Tiểu học: 23,75 điểm, ngành Giáo dục Chính trị: 25,00 điểm; ngành Sư phạm Ngữ văn, Sư phạm Lịch sử, Sư phạm Địa lý, Sư phạm Toán học, Sư phạm Tiếng Anh đều cùng mức 24,00 điểm, cao hơn so với năm 2020 là 5,5 điểm.
Trường Ngoại ngữ, ngành Sư phạm tiếng Anh và Ngôn ngữ Anh tăng 3,5 điểm so với năm trước, với điểm chuẩn 22,00 điểm; ngành Sư phạm tiếng Trung Quốc và Ngôn ngữ Trung Quốc tăng 4,0 điểm với điểm chuẩn 24,00 điểm.
Nhiều ý kiến nhận định mức điểm trúng tuyển tăng cao do tính chất kỳ thi là để xét tốt nghiệp THPT, nên đề thi chưa tạo được tính phân hóa cao theo năng lực, trong khi các trường căn cứ kết quả điểm của kỳ thi này làm cơ sở xét tuyển sinh.
Trên thực tế, các trường đều có đề án tuyển sinh riêng theo quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2021. Bên cạnh đó, cơ chế tuyển sinh bằng xét tuyển kết quả học tập của thí sinh các năm học THPT (xét theo học bạ) của các trường và các ngành cũng đã chiếm một phần chỉ tiêu tuyển sinh, số còn lại xét theo điểm thi nên đã tăng mức độ cạnh tranh và đẩy điểm số trúng tuyển lên cao.
Trong số gần 12.000 chỉ tiêu tuyển sinh năm 2021 đã có gần 4.000 chỉ tiêu trúng tuyển bằng phương thức xét học bạ (chiếm gần 30%), đây là một trong những nguyên nhân khiến điểm trúng tuyển tăng lên.
Theo GS.TS Phạm Hồng Quang, Giám đốc Đại học Thái Nguyên: Điểm trúng tuyển năm 2021 tăng những chỉ cục bộ một số ngành, do nhu cầu học tập và sự lựa chọn của thí sinh với các ngành nghề này tăng. Thống kê kỹ thuật cho thấy tổng chỉ tiêu xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 là 7.830 sinh viên với tổng số gần 50.000 nguyện vọng đăng ký vào các ngành đào tạo của ĐHTN. Có những trường tỷ lệ cạnh tranh là 10 chọn 1 (Trường Đại học Y-Dược).
Nhu cầu đào tạo giáo viên các địa phương cũng tăng mạnh, nên thí sinh lựa chọn Trường Đại học Sư phạm tăng lên với tỷ lệ cạnh tranh 8 chọn 1. Khối ngành ngoại ngữ nhu cầu nhân lực trong xã hội cũng tăng cao, nên mức độ cạnh tranh là 6 chọn 1 (Trường Ngoại ngữ).
Kế tiếp là một số ngành của các trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Kinh tế-Quản trị kinh doanh có tỷ lệ cạnh tranh là 5 chọn 1…
Bên cạnh đó, nhiều trường, nhiều ngành trong ĐHTN cũng chỉ xét điểm trúng tuyển ở mức 15-16 điểm, song không có nghĩa là ít cơ hội việc làm, mà quan trọng là thí sinh phải xác định rõ mục đích học tập thì mới đăng ký xét tuyển.
Mức điểm trúng tuyển một số ngành tăng, tỷ lệ cạnh tranh cao khiến cho nhiều thí sinh đạt điêm cao mà vẫn trượt do không có điểm cộng ưu tiên, đã khiến không ít thí sinh tiếc nuối khi không thỏa mãn nguyện vọng và công sức hoc tập.
Phân tích dữ liệu nguyện vọng thí sinh và thí sinh ảo cho thấy: Kỳ tuyển sinh năm nào của các trường đại học cũng có hàng chục nghìn thí sinh đăng ký từ 10-20 nguyện vọng. Số lượng thí sinh thiếu 0,1, đến 0,5 điểm trúng tuyển mà chỉ đăng ký duy nhất một nguyện vọng chỉ chiếm 5-6% số trúng tuyển.
Ngay sau khi công bố kết quả trúng tuyển, việc điều chỉnh nguyện vọng 2 và các nguyện vọng tiếp theo sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn để thí sinh có thể tìm được ngành học phù hợp. Trong điều kiện xét tuyển bổ sung, các thí sinh phải có mức điểm không thấp hơn điểm đã công bố trúng tuyển đợt 1.