Cập nhật: Thứ ba 28/09/2021 - 14:46
Gia đình anh Dương Văn Phong chuyển đổi đất trồng gần 100 cây ăn quả các loại.
Gia đình anh Dương Văn Phong chuyển đổi đất trồng gần 100 cây ăn quả các loại.

39 tuổi, anh Dương Văn Phong đã 15 năm làm Trưởng Ban công tác Mặt trận và công tác đảng ở xóm Đồng Tâm, xã Động Đạt (Phú Lương). Sớm gắn bó với các phong trào cơ sở nên anh thấu hiểu sâu sắc về tâm tư, nguyện vọng của đồng bào và sẵn lòng chia sẻ. Do nhiệt tình, trách nhiệm, hết lòng vì việc chung nên anh được đồng bào ở xóm quý mến.

Xóm người Mông Đồng Tâm trải dài dưới thung núi. Bốn phía đều có núi bao bọc như bức tường thành. Anh Phong chỉ tay lên từng chòm núi lô nhô như răng cưa, bảo: Hướng này là núi 400, hướng kia là núi Yên Ngựa… Tôi nhìn theo thấy từng dãy núi xanh rì ôm ấp lấy một vùng đất.

Cụ Sầm Thị Chi, 95 tuổi, người cao tuổi nhất ở xóm Đồng Tâm nói ngắt quãng: Người Mông chúng tôi về lũng núi này tra hạt bắp đã mấy mươi năm, nhưng khó nghèo vẫn đeo bám dưới mỗi mái nhà. Tất cả cũng vì tập quán canh tác lạc hậu, các bậc sinh thành chưa quan tâm việc cho con, cháu đi học. Hiếm lắm mới được người như anh Phong, được học hành tử tế nên có cái nghĩ sáng hơn nhiều người khác.

Từ quan niệm “Học cũng ăn mà không học cũng ăn” nên như anh Phong theo thầy cô lấy chữ Quốc ngữ đến hết THCS đã được coi là nhiều. Anh chia sẻ: Người Mông mình học ít cũng vì cái bụng chưa đủ no; cái chân ngại đến lớp vì đường xa. Nhưng đứa trẻ nào cũng thích chăm con bò giúp bố mẹ. Tôi may mắn có 3 năm phục vụ trong Quân đội, được kết nạp vào Đảng và được đơn vị cử đi học lớp đào tạo cán bộ nguồn cho địa phương.

Xuất ngũ về nhà năm 2004, nhìn cảnh xóm bản vẫn “gầy guộc” sợi khói bếp chiều hôm, lòng anh trùng lại vì bao suy tư trăn trở: Mình phải đóng góp những kiến thức học được từ nhà trường và bên ngoài xã hội để giúp đồng bào vơi bớt khó nghèo lạc hậu. Trước tiên là phải ổn định nơi ở, không bỏ đi nơi khác tìm rừng phát rẫy; không mê tín dị đoan; không bỏ đất hoang hóa và tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, sử dụng vốn vay hiệu quả do cán bộ cơ quan chức năng về tổ chức. Nhiều cháu nhỏ có ý định bỏ dở học hành, tôi đến nhà vận động khuyên giải phụ huynh cho con em mình cố gắng học hết THCS.

Do tích cực với các phong trào cơ sở nên anh được đồng bào tín nhiệm bầu làm Trưởng Ban Công tác Mặt trận khi mới 26 tuổi. 1 năm sau, Đại hội Chi bộ, các đảng viên tín nhiệm bầu anh làm Phó Bí thư Chi bộ xóm Đồng Tâm. Từ năm 2017 đến nay là Bí thư Chi bộ.

Anh kể: Bố tôi, ông Dương Văn Trơ là người cao tuổi có uy tín trong cộng đồng người dân tộc thiểu số. Đó là thuận lợi cho tôi khi đảm trách công việc chung của xóm. Nhất là khi tiếp cận với những người cao tuổi, tôi luôn có thái độ tôn trọng, vận động đồng bào nghe lời phải, tránh lời trái nên được mọi người tin tưởng.

Nhiều đồng bào Mông xóm Đồng Tâm nói với chúng tôi: Vùng đất nghèo này đã từng ngày thay đổi nhờ có những đảng viên như anh Phong...

Còn anh Phong khiêm tốn: Tôi chỉ là người kế thừa những thành quả của các ông, bà thế hệ trước. Tôi thấy mình cần nỗ lực nhiều hơn để cùng đồng bào làm vơi đi nghèo khó cho xóm bản.

Đã có rất nhiều các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở, chương trình xóa giảm nghèo của Chính phủ đưa về. Nhưng nói theo “cái lý của đồng bào”: Dân không vào cuộc thì “cái” dự án, chương trình xóa giảm nghèo của Chính phủ cho sẽ không mang lại hiệu quả như mong muốn.

Chính vì thế mà anh Phong cùng các đảng viên trong Chi bộ Đồng Tâm (Chi bộ có 5 đảng viên) không quản thời gian, phân công nhau trực tiếp phụ trách từng cụm dân cư, vận động đồng bào chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực lao động sản xuất, không đi theo “tà đạo”, đóng góp xây dựng hạ tầng cơ sở.

Ông Lý Văn Sài bảo: Tôi cũng như đồng bào trong xóm đều cảnh thiếu đất sản xuất, nhưng anh Phong cùng các ông bà trong Ban Công tác Mặt trận đến nhà nói chuyện, phân tích có lý, tôi thấy ưng thì ủng hộ ngay…

Ông Sài và các hộ trong xóm đã hiến gần 5.000m2 đất để Đồng Tâm có tuyến đường bê tông thoáng rộng đạt chuẩn nông thôn mới. Nhiều tuyến đường ngõ, ngách cũng được bà con đổ bê tông nên việc đi lại thuận lợi.

Hiện xóm có 70 hộ, gần 300 nhân khẩu, đồng bào dân tộc Mông chiếm hơn 95%... Mất nhiều năm loay hoay tìm lời giải cho bài toán xóa nghèo, đổ mồ hôi “bới lật” trên tổng diện tích đất sản xuất 60ha để đổi lấy mùa vụ. Do thủy lợi khó khăn, cây lúa khó đơm bông nên đồng bào phải loay hoay chuyển đổi nhiều loại cây trồng khác nhau, kể từ cây ngô truyền thống sang trồng cây mía, cây sắn. Dù các loại cây trồng đều cho năng suất cao, nhưng sản phẩm khó tiêu thụ, mất giá nên nhiều hộ chuyển đất sang trồng cây lâm nghiệp, chủ yếu là cây keo.

Anh Phong tính toán: 1 chu kỳ rừng từ 6 đến 7 năm, nếu chăm sóc tốt, 1ha đạt doanh thu khoảng hơn 100 triệu đồng. Bình quân hơn 10 triệu đồng/năm. Để đất đai sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, tôi vận động đồng bào chuyển đất trồng cây ăn quả, chủ yếu là bưởi. Bước đầu có 14 hộ trồng, nhà nhiều như gia đình ông Lý Văn Câu và Lý Văn Hành có 3 sào/hộ. Hiện bưởi đã cho quả.

Để ổn định cuộc sống, hơn 50% số hộ của xóm tìm đến các vùng lân cận thuê đất sản xuất. Gần 50 người trong độ tuổi lao động ra ngoài kiếm việc làm, chủ yếu công việc nặng nhọc.

Anh trăn trở: Nhiều nhà tuyển dụng lao động về địa phương tìm người, thanh niên thích đi lắm, nhưng đủ điều kiện về sức khỏe song lại thiếu bằng cấp văn hóa. Vì thế tôi vận động đồng bào quan tâm hơn tới sự học của con em mình. Trong khi đồng đất quê hương chưa đủ ngô làm mèn mén, thì sự học là chiếc chìa khóa mở cánh cửa tương lai no ấm…

Phạm Ngọc Chuẩn