Cập nhật: Thứ tư 29/09/2021 - 07:16
Công ty TNHH Sunny Opotech Việt Nam xây dựng trên diện tích 20ha tại Khu công nghiệp Yên Bình (T.X Phổ Yên), dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ ngày 30/9/2021.
Công ty TNHH Sunny Opotech Việt Nam xây dựng trên diện tích 20ha tại Khu công nghiệp Yên Bình (T.X Phổ Yên), dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ ngày 30/9/2021.

Cũng như các địa phương khác trong cả nước, thời gian qua, việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) của Thái Nguyên chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch COVID-19. Song, với nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, tỉnh không chỉ kiểm soát tốt dịch bệnh trên địa bàn mà còn trở thành điểm sáng về tăng trưởng trong 25 tỉnh, thành phố thuộc vùng đồng bằng Sông Hồng và trung du miền núi phía Bắc.

Trong cuộc làm việc mới đây với các đồng chí lãnh đạo tỉnh, ông Oh Do Yeun, Giám đốc Công ty TNHH KET VINA, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp (DN) Hàn Quốc tại Thái Nguyên cho biết: Do tỉnh kiểm soát tốt dịch COVID-19 nên các DN thuộc Hiệp hội vẫn duy trì hoạt động sản xuất ổn định. Nhiều đơn vị tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng lớn để mở rộng sản xuất, đặc biệt là trong những tháng cuối năm… 

Còn theo báo cáo của các sở, ngành chức năng, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19, nhưng những tháng gần đây và trong quý IV tới, nhiều dự án sẽ tiếp tục được hoàn thiện, đi vào hoạt động, góp phần gia tăng giá trị cho nhiều chỉ tiêu tăng trưởng của tỉnh. Trong đó, đáng chú ý là các dự án: Nhà máy phát triển năng lượng TRINA SOLAR của Công ty TNHH Phát triển năng lượng TRINA SOLAR (Singapore), chuyên sản xuất tấm tế bào quang điện, có tổng mức đầu tư 203 triệu USD; Dự án MDF  DONGWHA Việt Nam của Công ty TNHH DONGWHA (Hàn Quốc) chuyên sản xuất ván gỗ MDF, sàn gỗ công nghiệp, với tổng mức đầu tư trên 163 triệu USD chính thức đi vào hoạt động từ tháng 8-2021… 

Một số nhà đầu tư cũng đang xúc tiến để mở rộng quy mô sản xuất trên địa bàn. Điển hình là Công ty TNHH Sunny Opotech Việt Nam (thuộc Tập đoàn Sunny Trung Quốc). Mới đây, đại diện lãnh đạo Công ty này thông tin: Tiếp sau Dự án được triển khai tại Thái Nguyên với tổng mức đầu tư hiện tại trên 70 triệu USD, Công ty quyết định sẽ đầu tư dự án thứ 2 với số vốn 260 triệu USD và chiến lược trong 3 năm tiếp theo là sẽ nâng mức đầu tư lên 350 triệu USD… 

Sở dĩ Công ty quyết định tăng vốn đầu tư tại Thái Nguyên là do đánh giá cao sự hỗ trợ, đồng hành của cấp ủy, chính quyền tỉnh đối với nhà đầu tư, cùng với đó, tỉnh có lợi thế về vị trí địa lý và “hệ sinh thái DN” tốt để có thể phát triển. Ngoài ra, một số dự án đầu tư có quy mô hàng triệu USD cũng vừa đi vào hoạt động hoặc đang chuẩn bị hoàn thành, như: Dự án của Công ty TNHH Chính xác Platintek (Trung Quốc), Nhà máy Hansol Harness Vina của Công ty TNHH Hanson Hamess Vina…

Việc đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực góp phần quan trọng hoàn thành tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2021. Trong ảnh: Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) của tỉnh. Ảnh: T.L

Theo thông tin tại Hội nghị trực tuyến vừa được tổ chức với 25 tỉnh, thành thuộc vùng đồng bằng Sông Hồng và trung du miền núi phía Bắc về vấn đề xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH và đầu tư công năm 2022, trong 8 tháng đầu năm nay, Thái Nguyên được đánh giá là tỉnh dẫn đầu về 2 chỉ tiêu tăng trưởng, gồm: Thu ngân sách Nhà nước (đạt 10.169 tỷ đồng) và kim ngạch xuất khẩu (đạt 18,66 tỷ USD, duy trì ở tốp 4 địa phương có giá trị xuất khẩu cao nhất cả nước). Ngoài ra, Thái Nguyên đứng vị trí thứ 2 của vùng ở 2 chỉ tiêu quan trọng khác, đó là: Số DN thành lập mới (585 DN) và thu hút vốn đầu tư nước ngoài (với 10 dự án, tổng số vốn đăng ký 112 triệu USD).

Ngoài ra, một số kết quả nổi bật khác cũng thể hiện sự nỗ lực rất lớn của tỉnh trong việc thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch được giao ó là tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công và lập quy hoạch tỉnh. Trong khi tính đến cuối tháng 8, tỷ lệ giải ngân chung của vùng đồng bằng Sông Hồng và trung du miền núi phía Bắc mới đạt gần 42%, còn cả nước là gần 43%, thì Thái Nguyên đã đạt 57% vốn kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong số 6 bước lập Quy hoạch tỉnh, Thái Nguyên đã hoàn thiện bước 3 và đang thực hiện bước 4...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, theo ông La Hồng Ninh, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh: Trong phát triển KT-XH của tỉnh vẫn gặp phải không ít khó khăn. Điều này phần nào được thể hiện qua số DN đóng mã số thuế và ngừng hoạt động trong 9 tháng qua lên tới 1.026 DN, cao hơn số DN thành lập mới và hoạt động trở lại là 9,1%; số lao động đang làm việc trong các DN công nghiệp tính chung 9 tháng giảm gần 9% so với cùng kỳ. 

Ngoài ra, theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các DN trong quý III, có tới hơn 28% DN ngành Xây dựng và 17,46% DN ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn hơn quý II và 1/3 số DN xây dựng dự báo tình hình hoạt động vẫn gặp khó khăn trong quý IV. Cùng với đó, số thu ngân sách từ đất của tỉnh vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn thu và nhiều chỉ tiêu KT-XH vẫn phụ thuộc vào một số DN FDI lớn…

Có thể nói, những kết quả đạt được trong phát triển KT-XH của tỉnh qua 9 tháng của năm nay là khá toàn diện. Tuy nhiên, theo dự báo của cơ quan chức năng thì không dễ để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm. Tại nhiều cuộc họp gần đây, đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2021 rất quan trọng, sẽ tạo đà để tỉnh hoàn thành các mục tiêu của cả nhiệm kỳ. Mà một trong những yếu tố quan trọng, thậm chí mang tính quyết định đó chính là phải kiểm soát tốt dịch COVID-19...

Thu Hằng