Cập nhật: Thứ năm 30/09/2021 - 10:33
Đài radar VRS-2DM được thiết kế và sản xuất bởi Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel. Ảnh: THU HƯƠNG
Đài radar VRS-2DM được thiết kế và sản xuất bởi Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel. Ảnh: THU HƯƠNG

Việc phát triển radar quân sự là một yêu cầu khách quan tất yếu trong tiến trình xây dựng Quân đội ta chính quy, tinh nhuệ, tiến lên hiện đại, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Chúng ta cần tiến tới xây dựng tổ hợp công nghiệp quốc phòng (CNQP), bảo đảm tự chủ, tự cường về CNQP, bởi chỉ có như thế mới bảo đảm tự sản xuất được các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) cần thiết, giữ được bí mật về công nghệ và quân sự, không bị phụ thuộc vào bên ngoài, qua đó tăng cường sức mạnh của quân đội.

Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ đó mà hiện nay, trong nước có nhiều đơn vị tham gia nghiên cứu, chế tạo các dòng sản phẩm radar như: Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT), Viện Kỹ thuật Phòng không-Không quân (PK-KQ), Học viện Kỹ thuật Quân sự, Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự. Các sản phẩm nghiên cứu đa dạng bao gồm các đài radar băng tần từ VHF đến băng tần X, sản phẩm radar cho không quân/ hải quân, radar 2D/ 3D (3 tọa độ).

Trong lĩnh vực nâng cấp, cải tiến radar thì Viện Ra-đa - Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự, Viện Tích hợp hệ thống-Học viện Kỹ thuật Quân sự, Viện Kỹ thuật PK-KQ là những đơn vị tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu cải tiến, nâng cấp và hiện đại hóa các tổ hợp radar cho Quân chủng PK-KQ, Quân chủng Hải quân.

Kết quả đạt được đối với các sản phẩm radar nâng cấp, cải tiến chủ yếu là chế tạo các khối đơn bằng công nghệ mới để thay thế tương đương hoặc cải tiến, hiện đại hóa từng phần theo tuyến, khâu chức năng của một đài radar cụ thể; nổi bật hơn cả là kết quả cải tiến bán dẫn hóa tuyến thu, xử lý số tín hiệu cho các đài radar thế hệ cũ. Kết quả của các đề tài nghiên cứu khi được ứng dụng đã cho phép kéo dài tuổi thọ, nâng cao chất lượng, độ tin cậy và hiện đại hóa các đài radar cảnh giới phòng không và radar hải quân.

Trong lĩnh vực nghiên cứu, thiết kế chế tạo radar “Made in Vietnam”, chúng ta còn đạt được nhiều thành tựu quan trọng hơn. Có thể điểm qua một số sản phẩm radar “Made in Vietnam” do chính bàn tay, khối óc của các chuyên gia Việt Nam nghiên cứu, chế tạo đều thuộc radar thế hệ mới, hiện đại và ngang tầm quốc tế.

Đầu tiên phải kể đến đài radar RV-02 của Viện Kỹ thuật Quân chủng PK-KQ nghiên cứu, chế tạo, sản xuất và đưa vào trang bị trong quân đội. Đây là đài radar cảnh giới tầm trung sóng mét, có cự ly phát hiện mục tiêu từ rất xa, chống nhiễu tốt và đặc biệt là có khả năng phát hiện máy bay tàng hình, tạo ra sức chiến đấu mới cho lực lượng PK-KQ Việt Nam.

 Sản phẩm ra đời bởi bàn tay, khối óc của các chuyên gia Việt Nam, dựa trên nền tảng chuyển giao công nghệ của Belarus kết hợp với những phát minh mới mang đẳng cấp thế giới trong lĩnh vực chế tạo radar, tạo ra nhiều bước đột phá vượt trội. RV-02 không những có khả năng phát hiện mọi loại mục tiêu bay ở cự ly xa mà còn có thể bắt bám các mục tiêu có diện tích phản xạ radar nhỏ hoặc sử dụng công nghệ tàng hình.

Viện Ra-đa - Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự phối hợp với một số đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ đã hoàn thành dự án “Nghiên cứu thiết kế, chế thử mẫu trạm radar thụ động định vị mục tiêu theo phương pháp TDOA”. Mẫu thử tổ hợp radar thụ động với cấu hình 4 trạm định vị (3 trạm thu kế bên và 1 trạm thu kiêm trung tâm xử lý tín hiệu) đã được nghiệm thu với kết quả khả quan. Ngoài ra, Viện Ra-đa - Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự còn chế tạo thành công mẫu thử đài radar cảnh giới biển cỡ nhỏ, băng tần X phục vụ nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Cũng trong lĩnh vực này, Viện Tích hợp hệ thống-Học viện Kỹ thuật Quân sự đã nghiên cứu chế tạo thành công mẫu thử radar 2 tọa độ máy phát bán dẫn, hoạt động ở băng tần X. Quá trình kiểm tra thử nghiệm cho thấy radar có khả năng phát hiện và bám được mục tiêu cỡ nhỏ như xuồng cao tốc, có tiềm năng phát triển để chế tạo radar sử dụng cho mục đích dẫn đường hàng hải và cảnh giới biển tầm gần.

Đơn vị tiếp theo tham gia nghiên cứu chế tạo radar là Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT). Mặc dù mới chỉ bắt đầu tham gia nhiệm vụ nghiên cứu, chế tạo radar từ năm 2011 nhưng Viettel đã liên tiếp cho ra những sản phẩm radar hiện đại, công nghệ cao, được Bộ Quốc phòng nghiệm thu và trang bị các sản phẩm radar này trong các đơn vị chiến đấu cả Quân chủng PK-KQ và Quân chủng Hải quân.

Đầu tiên là sản phẩm đài radar cảnh giới bắt thấp sóng đề-xi-mét do Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT) nghiên cứu, chế tạo, sản xuất và đưa vào trang bị trong quân đội. Đây cũng là đài radar chủ lực mà Quân chủng PK-KQ đang sử dụng làm nhiệm vụ cảnh giới bắt các mục tiêu bay thấp và rất thấp, có tính cơ động cao, dùng để cảnh giới bầu trời quốc gia và cung cấp thông tin cho hệ thống tên lửa phòng không.

Đài có khả năng phát hiện mục tiêu xa hàng trăm ki-lô-mét, đặc biệt, hệ thống được triển khai thu hồi bán tự động bằng điều khiển điện và thủy lực giúp giảm thời gian thu hồi đài xuống chỉ bằng 1/4 so với các đài radar thế hệ cũ. Việc làm chủ thiết kế cũng cho phép dễ dàng nâng cấp, tùy biến phần mềm, phần cứng của sản phẩm sao cho tương thích với những yêu cầu kỹ thuật phát sinh, đồng thời tránh phụ thuộc vào đối tác nước ngoài.

Một sản phẩm ra mắt cùng thời điểm là đài radar cảnh giới tầm trung sóng mét của VHT với nhiều ưu điểm vượt trội, đã gây được tiếng vang lớn về bước tiến vượt bậc của ngành CNQP Việt Nam. Đây là đài radar cảnh giới tầm trung sóng mét 2 tọa độ, dùng để phát hiện các mục tiêu trên không trong vùng phủ sóng của đài và cung cấp thông tin cho các tổ hợp tên lửa phòng không.

Sản phẩm tiếp theo phải kể đến là radar cảnh giới bờ biển tầm trung VRS-CSX do Viettel chế tạo có tính năng và chất lượng tương đương với những đài radar hiện đại nhất mà Hải quân Việt Nam đang sử dụng (đánh giá tương đương Score 3000 của Pháp) và đáp ứng mọi tiêu chuẩn của NATO để tiến tới sản xuất hàng loạt. Đây là loại radar được thiết kế cho nhiệm vụ giám sát bờ biển, phát hiện sớm từ xa các tàu, thuyền lạ xâm nhập vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế, có khả năng xóa bỏ "giới hạn đường chân trời".

Trên cơ sở kết quả đạt được của các đài radar kể trên, Viettel tiếp tục khẳng định năng lực làm chủ và tiên phong trong lĩnh vực radar bằng việc cho ra đời các sản phẩm radar 3D (3 tọa độ) là radar 3D tầm gần và radar 3D tầm trung. Đây là các radar thuộc loại tiên tiến nhất trên thế giới với công nghệ hiện đại bậc nhất quét búp sóng điện tử, ăng-ten mảng pha.

Các đài radar 3D chiến thuật băng S, đài radar 3D cảnh giới tầm trung băng S đang được hoàn thiện và đi vào sản xuất, dự kiến trang bị trong năm 2022-2024. Các đài radar 3D bảo đảm các tính năng kỹ thuật, chiến thuật tương đương với các sản phẩm radar hiện đại trên thế giới và thay thế các dòng sản phẩm radar cũ đang trang bị trong quân đội. Các công nghệ được áp dụng cho các dòng sản phẩm này như: Ăng-ten mạng pha tích cực, quét búp sóng điện tử, công nghệ GaN, các thuật toán trí tuệ nhân tạo như phân loại và nhận dạng mục tiêu.

Bắt kịp với xu hướng của các hãng radar hàng đầu thế giới như Thales (Pháp), Lockheed Martin (Mỹ), Viettel đang từng bước nghiên cứu và làm chủ dòng radar thế hệ thứ tư là các đài radar thông minh, radar đa chức năng. Những đặc điểm vượt trội của các radar thế hệ thứ tư bao gồm: Khả năng quét búp sóng điện tử hai chiều, dạng tín hiệu và thuật toán xử lý thích nghi với từng điều kiện và môi trường, khả năng xử lý đa nhiệm.

Tựu trung lại, ngành radar Việt Nam đã trải qua 3 thế hệ radar. Thế hệ thứ nhất là các loại radar thế hệ cũ hầu hết do Liên Xô sản xuất từ những năm 60 của thế kỷ trước. Thế hệ thứ hai là các loại radar được cải tiến, nâng cấp trên cơ sở các loại radar đã có sử dụng các công nghệ hiện đại như công nghệ bán dẫn, số hóa, tự động hóa xử lý tin; ngoài ra còn một số loại radar tiên tiến mua của một số nước trên thế giới như Nga, Israel, Pháp.

Và thế hệ thứ ba chính là radar “Made in Vietnam” đã và đang được triển khai biên chế trong quân đội. Qua đó, chúng ta thấy rằng Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ công nghệ, kỹ thuật, sản xuất các loại radar hiện đại, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Với nền tảng như hiện nay và hướng đầu tư đúng, tiến tới đến năm 2030, ngành radar trong nước đủ khả năng đáp ứng các yêu cầu của quân đội, bảo đảm khả năng tự chủ nghiên cứu, sản xuất, bảo đảm kỹ thuật, giữ các bí mật trong tác chiến.

Với sự phát triển trong những năm qua, ngành radar xứng đáng là một trong những lá cờ đầu về nghiên cứu và làm chủ khoa học kỹ thuật. Là một mũi nhọn tiên phong trong tổ hợp CNQP Việt Nam.


Theo QĐND