Cập nhật: Thứ sáu 01/10/2021 - 07:16
Cánh đồng lúa ở xã Yên Đổ (Phú Lương) đang bắt đầu vào kỳ thu hoạch vụ mùa.
Cánh đồng lúa ở xã Yên Đổ (Phú Lương) đang bắt đầu vào kỳ thu hoạch vụ mùa.

Nằm ở phía Bắc của huyện Phú Lương, các xã: Yên Đổ, Yên Trạch, Yên Ninh (gọi tắt là vùng tam Yên) không chỉ đồng điệu về tên gọi mà còn có chung nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, tam Yên hiện vẫn là vùng đất khó khăn nhất của Phú Lương.

Bài 1: Tiềm năng trải khắp

Tam Yên là vùng đất có những đặc trưng riêng biệt về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và đặc điểm dân cư. Chính những đặc trưng đó đã tạo ra nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đất này. Tuy vậy, thời gian qua, phần lớn những tiềm năng ở 3 xã: Yên Đổ, Yên Trạch, Yên Ninh đều chưa được khai thác hiệu quả khiến tam Yên hiện vẫn là vùng đất khó khăn bậc nhất của huyện Phú Lương.

Độc đáo tam Yên

Vào thời kỳ Pháp thuộc, Yên Ninh và Yên Trạch đều thuộc tổng Yên Trạch và được hợp nhất thành xã Yên Trạch vào năm 1948. Về sau do địa bàn quá rộng, dân cư không tập trung gây khó khăn cho sản xuất và chỉ đạo cách mạng nên năm 1953, chính quyền cách mạng đã quyết định tách thành 2 xã Yên Ninh, Yên Trạch như hiện nay. Còn xã Yên Đổ thuộc tổng Yên Đổ và vẫn giữ nguyên tên gọi, quy mô từ khi thành lập chính quyền cách mạng đến nay.

Với vị trí địa lý nằm giáp với huyện Định Hóa và huyện Chợ Mới (tỉnh Bắc Kạn) nên vùng tam Yên chính là “cửa ngõ” của Thủ đô kháng chiến và có nhiều đóng góp cho cách mạng trong kháng chiến.   

Bên cạnh những đặc trưng về vị trí địa lý, 3 xã Yên Ninh, Yên Trạch, Yên Đổ còn có tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm tới 77,9%, cao nhất so với các vùng còn lại trong huyện. Do vậy, văn hóa vùng tam Yên có sự quyện hòa những sắc thái văn hóa của người miền núi với những giá trị văn vật của vùng đồng bằng do đồng bào miền xuôi mang theo khi di cư đến đây lập nghiệp.

Sự khác biệt lớn nhất của vùng tam Yên so với các địa phương khác trong huyện Phú Lương chính là địa hình chia cắt khá phức tạp với hệ thống khe suối và đồi núi cao xen kẽ. Điều này đã tạo nên bức tranh thiên nhiên hùng vỹ với cảnh sắc sông núi tươi đẹp, không khí trong lành cho mảnh đất này...

Đột phá từ hạ tầng

Với những đặc trưng riêng biệt như vậy, để vùng tam Yên phát triển, huyện Phú Lương đã quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn để thúc đẩy sản xuất, giao thương. Từ năm 2015 đến nay, từ nhiều nguồn vốn khác nhau, huyện đã phân bổ, lồng ghép gần 84,2 tỷ đồng để đầu tư xây dựng hơn 100 công trình kết cấu hạ tầng cho vùng.

Đến nay, phần lớn các tuyến đường giao thông kết nối vùng tam Yên với các địa phương khác của huyện Phú Lương, Định Hóa và huyện Chợ Mới đã được cứng hóa. Nhiều công trình được đưa vào sử dụng đã đóng góp vai trò quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, như: Đường liên xã Phủ Lý - Yên Trạch; đường liên xã Pắc Bé - Lũng Luông (từ xã Yên Ninh đi huyện Chợ Mới); đường liên xóm Na Hiên - Khuân Lặng (xã Yên Trạch)…

Phần lớn các cơ sở chế biến gỗ ở vùng tam Yên (Phú Lương) đều có quy mô nhỏ lẻ. Trong ảnh: Cơ sở chế biến gỗ của một hộ dân ở xóm Bắc Bé, xã Yên Ninh.

Bên cạnh đó, các tuyến: Đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 3 và Quốc lộ 3C được hoàn thành giống như những nan quạt đi qua các khu dân cư, cắt ngang những vùng đất rừng rộng lớn, giúp người dân đi lại, giao thương thuận lợi, biến đất đai hoang vu thành thế mạnh để thu hút các doanh nghiệp quan tâm đầu tư.

Cùng với hạ tầng giao thông, từ năm 2015 đến nay, đã có 28,1km kênh mương; 22 trạm biến áp, 6 công trình nhà lớp học… được xây dựng và đưa vào sử dụng, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất và sinh hoạt của người dân. Tất cả như làm “bừng sáng” cả vùng tam Yên.

Kinh tế rừng chiếm ưu thế

Từ năm 2015, huyện Phú Lương đã triển khai các đề án quy hoạch 3 xã Yên Ninh, Yên Trạch, Yên Đổ là vùng kinh tế phía Bắc với các thế mạnh về phát triển lâm nghiệp; chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản và trồng cây ăn quả. Trên cơ sở đó, hàng năm, huyện đã lồng ghép, phân bổ các nguồn vốn để hỗ trợ người dân trồng rừng sản xuất và cây phân tán; chăn nuôi gia súc, gia cầm; triển khai các mô hình kinh tế… 

Qua thực tế triển khai cho thấy, thế mạnh kinh tế đang đem lại hiệu quả bền vững nhất ở vùng tam Yên chính là trồng và chế biến sản phẩm từ cây lâm nghiệp. Theo thống kê, diện tích rừng sản xuất của toàn vùng là 6,4 nghìn ha (chiếm 64% đất tự nhiên). Quỹ đất rừng sản xuất lớn chính là tiềm năng cho các xã vùng tam Yên phát triển trồng cây lâm nghiệp kết hợp với chăn nuôi đại gia súc hoặc nuôi ong; chế biến lâm sản; kinh doanh cây giống lâm nghiệp.

Lợi thế này của vùng tam Yên đã được chính quyền địa phương và người dân tích cực khai thác, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, toàn vùng có 82 cơ sở chế biến lâm sản, 29 vườn ươm cây giống lâm nghiệp. Trong giai đoạn 2015-2020, sản lượng khai thác và chế biến gỗ tại xã Yên Ninh đạt 19.000m3, xã Yên Trạch đạt 13.316m3, xã Yên Đổ đạt 8.330m3 gỗ/năm.

Ông Cao Văn Tĩnh, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Đổ cho biết: Các giải pháp, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã từng bước định hướng, khuyến khích người dân chú trọng cải tạo đất, thay đổi cơ cấu cây trồng để chuyển sang trồng rừng. Đến nay, Yên Đổ là địa phương có diện tích rừng sản xuất, số cơ sở chế biến lâm sản và vườn ươm cây giống lớn nhất trên địa bàn huyện.

Ông Nguyễn Văn Bắc, xóm Đồng Phủ 2, xã Yên Ninh chia sẻ: Tôi trồng rừng từ năm 1996 với diện tích khoảng 2ha. Trong quá trình trồng, tôi được Nhà nước hỗ trợ giống, phân bón và công chăm sóc. Sau khoảng 5 đến 6 năm, tôi được thu hoạch 1 lứa với giá bán ra đạt khoảng 50 đến 70 triệu đồng/ha. Nhờ trồng rừng, gia đình tôi có điều kiện xây dựng nhà ở và đầu tư phát triển các loại hình kinh doanh khác.

Tuy đem lại hiệu quả kinh tế nhưng theo đánh giá, phát triển kinh tế rừng ở vùng tam Yên còn chưa tương xứng với tiềm năng. Người dân chủ yếu mới trồng và chế biến thô với quy mô nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết. Ngoài rừng, các lĩnh vực kinh tế vốn được huyện xác định là thế mạnh của vùng cũng chưa phát triển mạnh…

(Còn nữa) 

Nhóm P.V Kinh tế