Cập nhật: Thứ hai 04/10/2021 - 10:30
Hiện nay, hệ thống khí y tế của Bệnh viện A Thái Nguyên đã được chuẩn bị một lượng lớn oxy.
Hiện nay, hệ thống khí y tế của Bệnh viện A Thái Nguyên đã được chuẩn bị một lượng lớn oxy.

Trong điều trị bênh nhân mắc COVID-19 thì sử dụng khí oxy để hỗ trợ hô hấp được coi là phần việc quan trọng nhất. Do đó, để có nguồn oxy phục vụ cho việc điều trị (khi dịch bệnh diễn biến phức tạp), đòi hỏi các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh phải có có sự chủ động trong công tác chuẩn bị.

Tìm hiểu tại Bệnh viện A Thái Nguyên, chúng tôi được biết, hệ thống khí y tế của cơ sở khám, chữa bệnh này đang dự trữ 5,5m3 oxy (tương đương 5.500 lít). Ngoài ra, Bệnh viện cũng đã chuẩn bị được 39 bình oxy 40 lít và 10 bình oxy từ 8 đến 10 lít.

Đặc biệt, Bệnh viện còn ký kết với nhà cung ứng để có nguồn oxy ổn định. Đơn vị này cũng cho Bệnh viện mượn thêm 50 bình oxy loại 50 lít và 20 bình oxy loại 8 đến 10 lít khi có nhu cầu.

Ông Nguyễn Đức Dũng, Trưởng Phòng Vật tư - Trang thiết bị y tế, Bệnh viện A Thái Nguyên cho hay: Để chủ động được nguồn oxy phục vụ cho điều trị bệnh nhân COVID-19 trong trường hợp dịch bệnh trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, chúng tôi đã đề nghị ngành chức năng cho lắp thêm 1 hệ thống oxy phục vụ điều trị từ 20 đến 30 giường bệnh tại Khoa Truyền nhiễm.

Các cơ sở y tế tuyến xã như Trạm Y tế phường Đồng Tiến (T.X Phổ Yên) cũng đã chuẩn bị 2 bình oxy loại 10 lít. Bác sĩ Phạm Thị Hồng Ngọc, Trạm trưởng Trạm Y tế Đồng Tiến nói: Với một trạm y tế cấp xã thì lượng oxy này có thể đáp ứng điều trị bệnh nhân COVID-19 (trên thực tế không phải bệnh nhân nào cũng cần sử dụng oxy). Tuy nhiên, điều chúng tôi băn khoăn là hiện nay chưa tìm được nhà cung cấp oxy cố định. Khi lượng oxy trong các bình sử dụng hết, việc nạp oxy sẽ gặp khó khăn, nhất là trong trường hợp dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng xấu, nhu cầu oxy trên địa bàn tỉnh tăng cao. Do đó, chúng tôi đề nghị cấp trên trang bị cho mỗi cơ sở y tế một hoặc hai máy tạo oxy để phục vụ cho công tác điều trị bệnh nhân.

Mô hình tháp 3 tầng tại Kế hoạch số 147 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh được thực hiện trong trường hợp số bệnh nhân nhiễm COVID-19 đến dưới 2.000 người. Căn cứ hướng dẫn tại văn bản số 7138/BYT-TB-CT ngày 27/8/2021 của Bộ Y tế, lượng ô xy cần cho điều trị 2.000 ca bệnh COVID-19 là 12,1 tấn/1 ngày. Trong đó, điều trị cho 100 trường hợp nặng, nguy kịch khoảng  6.245.640 lít khí (tương đương 8 tấn hoặc 7.407 lít ô xy hóa lỏng, 1.041 bình ô xy 40 lít) do Bệnh viện Trung ương đảm bảo bởi đơn vị đã có các bồn chứa ô xy lỏng khoảng 18.000 lít.

Trong trường hợp điều trị cho 300 bệnh nhân mức độ vừa và nặng, nhu cầu oxy là 2.903.040 lít khí (tương đương 3,73 tấn hoặc 3.459 lít ô xy hóa lỏng, 484 bình ô xy 40 lít). Khi điều trị cho khoảng 5% số bệnh nhân nhẹ (80/1.600 trường hợp nhẹ, không triệu chứng phải thở ô xy) thì nhu cầu oxy là 288.000 lít khí (tương đương 0,37 tấn hoặc 342,6 lít ô xy hóa lỏng, 48 bình ô xy 40 lít).

Theo Kế hoạch số 147/KH-BCĐ, các đơn vị trực thuộc Sở Y tế đảm nhiệm điều trị cho 1.900 bệnh nhân mức độ vừa và nhẹ, nhu cầu ô xy 1 ngày là 4,1 tấn. Do vậy để tăng cường khả năng điều trị cho 1.900 ca bệnh, Thái Nguyên cần được bổ sung thêm ít nhất 20 tấn để đảm bảo số lượng ô xy cho điều trị và tiếp tục bổ sung thường xuyên khi số lượng bệnh nhân tăng.

Ông Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Để chủ động nguồn oxy phục vụ cho việc điều trị bệnh nhân COVID-19, chúng tôi đã xây dựng Kế hoạch trình UBND tỉnh đầu tư bổ sung hệ thống ô xy lỏng cho một số bệnh viện nhằm tăng cường năng lực điều trị COVID-19, đảm bảo sau khi hết dịch thì các hệ thống này vẫn duy trì và phát huy tốt hiệu quả sử dụng.

Tính đến nay, Thái Nguyên đã qua gần 50 ngày không phát sinh thêm ca bệnh COVID-19 mới trong cộng đồng. Từ tỉnh được đánh giá có nguy cơ cao với dịch bệnh, Thái Nguyên đã trở về trạng thái có nguy cơ với dịch CIVID-19.

Tuy nhiên, với tinh thần tích cực, chủ động, sẵn sàng ứng phó với các cấp độ của dịch, các cấp, ngành chức năng và đặc biệt là ngành Y tế đã làm tốt công tác tham mưu trong việc xây dựng các phương án phòng, chống dịch, đáp ứng với các cấp độ của dịch như thành lập trạm y tế lưu động, chuẩn bị nguồn oxy phục vụ điều trị bệnh nhân…

Tùng Lâm