Không nhớ nổi đã bao nhiêu lần cầm giấy tờ lên UBND xã mong được giải quyết quyền lợi liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng chưa được, chị Phạm Thị Sáng ở xóm 8, xã Vạn Thọ, vẫn chưa có ý định dừng lại, bởi đây là tài sản có giá trị nhất của gia đình.
Chị Sáng kể: Năm 1995, vợ chồng tôi ra ở riêng và được bố mẹ chồng cho một mảnh đất có diện tích 120m2. Chúng tôi ở trên mảnh đất này ổn định đến nay. Giờ tôi muốn chính thức sang tên để thế chấp mảnh đất vay vốn đầu tư chăn nuôi nhưng không thể, dù bố mẹ tôi đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 1993. Hai con trai của tôi đã lấy vợ, sinh con nhưng vẫn ở chung với bố mẹ trong ngôi nhà cũ chật chội vì không được xây mới, mở rộng.
Theo giải thích của cán bộ xã thì thửa đất gia đình tôi đang sử dụng thuộc phạm vi bảo vệ hồ Núi Cốc, không được phép sang tên, chia tách hay xây nhà mới. Chúng tôi mong chính quyền, cơ quan chức năng có phương án xử lý phù hợp để đảm bảo quyền lợi cho người dân – chị sáng nói thêm.
Ngoài gia đình chị Sáng thì xã Vạn Thọ có trên 220 hộ dân đang sinh sống trong vùng lòng hồ Núi Cốc từ cao trình 48,25m trở xuống. Trong đó, gần 100 hộ đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Chúng tôi được biết, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt thiết kế xây dựng công trình hồ Núi Cốc bao gồm 1 đập chính, 7 đập phụ, 2 tràn xả lũ, mực nước lũ theo thiết kế ở cao trình 48,25m, mực nước dâng bình thường ở cao trình 46,2m. Theo đó, các hộ dân thuộc các xã sống trong vùng lòng hồ ở thời điểm đó đã thực hiện các thủ tục bàn giao nhà cửa, ruộng vườn để trả đất cho hồ. Nhưng sau một thời gian sinh sống tại nơi ở mới, người dân lòng hồ Núi Cốc trở lại sử dụng diện tích đất nông nghiệp chưa bị nước dâng.
Xét về lý, các hộ dân không được phép sinh sống trong vùng bán ngập theo cao trình đã thiết kế, việc trở lại vùng bán ngập là điều cực chẳng đã, nhưng trớ trêu là những hộ dân tái sử dụng đất lại được chính quyền địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ nhiều năm trước. Điều này dẫn tới khó khăn trong giải quyết sau này.
Ông Trần Văn Trọng, Chủ tịch UBND xã Vạn Thọ cho biết: Tình trạng này kéo dài nhiều năm nay và người dân cũng liên tục có ý kiến đề nghị khiến xã rất khó xử lý. Nếu để người dân thực hiện các quyền lợi đối với diện tích đã được cấp “sổ đỏ” thì vi phạm quy định về bảo vệ công trình thủy lợi. Trong khi đó, phần lớn hộ dân đều có hoàn cảnh khó khăn, nhà xây dựng nhiều năm, đã xuống cấp cần được cải tạo hoặc xây mới. Chúng tôi mong muốn cấp trên sớm có giải pháp và hướng dẫn cụ thể.
Theo thống kê của UBND huyện Đại Từ, hiện có 406 hộ dân ở các xã: Lục Ba, Vạn Thọ, Tân Thái, Bình Thuận và thị trấn Hùng Sơn có nhà ở và đang sinh sống trong khu vực bán ngập hồ Núi Cốc từ cao trình 48,25m trở xuống. Trong đó, 256 hộ đã được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất, 318 hộ xây dựng nhà ở và sinh sống trước thời điểm UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2280/QĐ-UB ngày 9/9/1997. Hầu hết nhà ở của người dân đã xuống cấp, một số nhà thường xuyên bị ngập khi nước hồ dâng.
Để đảm bảo đời sống ổn định cho các hộ dân, huyện đang đề nghị cấp trên sớm xem xét, chỉ đạo xây dựng phương án bố trí tái định cư cho các hộ dân có nhà ở dưới cao trình 48,25m, hoặc có giải pháp phù hợp khác.