P.V: Thưa ông! Ông đánh giá như thế nào về tình hình thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách năm nay trên địa bàn tỉnh?
Ông Đỗ Trọng Nghĩa: Cũng như các địa phương trong cả nước, có thể nói, chưa khi nào việc thu ngân sách của tỉnh lại gặp khó khăn như 2 năm nay, đặc biệt là từ tháng 5-2021 trở lại đây, khi dịch COVID-19 tái bùng phát lần thứ 4, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của phần lớn DN.
Tuy nhiên, với Thái Nguyên, một yếu tố được cho là rất thuận lợi cho NNT đó chính là công tác phòng chống dịch bệnh được địa phương thực hiện tốt nên cơ bản các DN, cá nhân kinh doanh vẫn giữ được sự ổn định. Nhờ đó, hoạt động thu của cơ quan Thuế đỡ căng thẳng phần nào. Tính đến cuối tháng 9, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn do cơ quan Thuế quản lý đạt trên10 nghìn tỷ đồng, bằng 80% dự toán tỉnh giao, tăng 22% so với cùng kỳ.
P.V: Vậy đâu là giải pháp chủ yếu đã được ngành Thuế thực hiện trong thời gian qua?
Ông Đỗ Trọng Nghĩa: Đã có rất nhiều giải pháp được ngành Thuế triển khai đồng bộ. Đầu tiên là phải nói tới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và chính quyền các địa phương đối với nhiệm vụ thu. Cùng với đó là việc tiếp tục đổi mới công tác lãnh đạo, điều hành từ Cục đến các chi cục. Tất cả các quyết sách quan trọng đều được thảo luận, thống nhất trong cấp ủy, chính quyền và lãnh đạo chủ chốt các phòng, các chi cục; quan tâm lắng nghe ý kiến, phản hồi từ các bộ phận cũng như người nộp thuế (NNT) để kịp thời điều chỉnh, giải quyết vướng mắc phát sinh. Đồng thời triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, chuyên sâu nhằm hỗ trợ NNT vượt qua khó khăn, cũng như tăng cường công tác quản lý NNT để chống thất thu ngân sách nhà nước.
Trong đó, chú trọng phân tích, lựa chọn, tập trung thanh, kiểm tra các DN có rủi ro cao về thuế (9 tháng số thu được gấp 2 lần năm 2020, cao nhất từ trước đến nay); tăng cường quản lý trong các lĩnh vực giao dịch liên kết, thương mại điện tử; bám sát các nguồn thu để kịp thời triển khai các giải pháp thu... Đặc biệt, ngành Thuế cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh thành lập đoàn công tác rà soát các khoản thu liên quan đến tiền thuê đất và sử dụng đất. Nhờ đó đã giúp chỉ tiêu thu này 9 tháng qua đạt 2.880 tỷ đồng, bằng 112% kế hoạch năm.
P.V: Như trên ông vừa nói, trong số các giải pháp mà ngành Thuế đưa ra, có việc hỗ trợ NNT. Ông có thể nói rõ hơn về nội dung này?
Ông Đỗ Trọng Nghĩa: Với phương châm “Lấy NNT là trung tâm”, thời gian qua, Cục Thuế tỉnh luôn chú trọng và thực hiện tốt việc hỗ trợ, đồng hành để NNT có thêm điều kiện thuận lợi vượt qua khó khăn. Tất cả các chính sách của Chính phủ dành cho NNT bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đều được cơ quan Thuế tích cực tuyên truyền, triển khai theo đúng tinh thần chỉ đạo. Toàn ngành đã tiếp nhận 1.158 giấy đề nghị gia hạn, với số tiền thuế, tiền thuê đất đề nghị gia hạn khoảng 1.500 tỷ đồng.
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh việc hỗ trợ DNthực hiện kê khai, nộp thuế, hoàn thuế bằng phương thức điện tử (luôn đạt mức từ 98-100%); sẵn sàng lắng nghe và kịp thời giải đáp các vướng mắc liên quan đến chính sách thuế mới để NNT nắm bắt và yên tâm với các chính sách thuế được triển khai. Hiện, ngành Thuế cả nước đã tích hợp 150 thủ tục hành chính thuế lên Cổng dịch vụ công Quốc gia. NNT Thái Nguyên có thể tiếp cận, sử dụng các dịch vụ tiện ích này
P.V: Mặc dù hiện kết quả thu rất khả quan, song với mục tiêu vượt kế hoạch để bù đắp sự thiếu hụt từ hoạt động xuất nhập khẩu khiến nhiệm vụ của ngành Thuế những tháng cuối năm khá nặng nề. Ông có đề xuất gì với tỉnh và các sở, ngành để việc thực hiện nhiệm vụ đạt hiệu quả cao nhất?
Ông Đỗ Trọng Nghĩa: Cục Thuế tỉnh đã và đang đề xuất với UBND tỉnh sớm giải quyết dứt điểm các vướng mắc trong việc tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; chỉ đạo các địa phương và Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh chủ động, tích cực trong công tác quy hoạch, bồi thường giải phóng mặt bằng để sớm có quỹ đất sạch, định giá, tổ chức đấu giá và thu tiền sử dụng đất, thuê đất theo quy định.
Đối với các sở, ngành liên quan như: Tài chính, Tài Nguyên và Môi trường, Kế hoạch và đầu tư... đề nghị tiếp tục đôn đốc các địa phương, đơn vị rà soát đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án có thu tiền sử dụng đất, các dự án tái định cư, tiền thuê đất của các tổ chức, cá nhân còn phải nộp để đôn đốc nộp vào ngân sách nhà nước; đẩy nhanh công tác thẩm định hồ sơ để rút ngắn thời gian xác định giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất tái định cư khi nhà nước thu hồi đất…
P.V: Xin cảm ơn ông!