Thời điểm này, gia đình ông Nguyễn Quốc Hưng, ở xóm Đầm Rum, xã Ôn Lương (Phú Lương) như “ngồi trên đống lửa” vì giá lợn hơi giảm sâu. Ông Hưng chia sẻ: Ngày 3-10 vừa qua, tôi vừa xuất bán đàn lợn thịt 46 con với giá 42 nghìn đồng/kg. Với mức giá này, sau khi trừ tất cả chi phí, nhà tôi lỗ khoảng 2,5 triệu đồng/con. Hiện, trong chuồng còn 210 con lợn, trong đó có 50 con lợn thịt đã đến kỳ xuất bán nhưng với mức giá chỉ 37 nghìn đồng/kg như hiện nay thì gia đình tôi càng thua lỗ nặng.
Lo lắng của ông Hưng cũng là nỗi niềm của nhiều hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh. Bởi, lợn hơi hiện đang được thương lái thu mua với giá từ 32-38 nghìn đồng/kg. Điều này có nghĩa là người chăn nuôi sẽ thua lỗ khá nặng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân giá lợn giảm sâu là do dịch COVID-19 khiến việc lưu thông hàng hóa gặp khó khăn. Một số địa phương thực hiện giãn cách nên các nhà hàng, quán ăn, bếp ăn tập thể tạm ngừng hoạt động. Bên cạnh đó, tại Trung Quốc, thị trường xuất khẩu thịt lợn chính của nước ta cũng đang trong tình trạng dư thừa, giá bán giảm mạnh.
Với mức giá lợn hơi hiện nay từ 32-38 nghìn đồng/kg, gia đình ông Nguyễn Quốc Hưng, ở xóm Đầm Rum, xã Ôn Lương (Phú Lương) thua lỗ từ 2,5 đến 3 triệu đồng/con.
Mặc dù giá lợn hơi đã hạ xuống thấp kỷ lục nhưng do phải qua nhiều khâu trung gian nên giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng vẫn giảm chưa tương xứng. Theo khảo sát của chúng tôi tại một số chợ đầu mối trên địa bàn tỉnh, thịt lợn ba chỉ hiện có giá 80 nghìn đồng/kg, sườn 100 nghìn đồng/kg, thịt mông 70 nghìn đồng/kg... Chị Trịnh Thị Thúy Hường, một tiểu thương kinh doanh thịt lợn ở chợ Thái giãi bày: Thời điểm đầu năm, giá lợn hơi tăng lên trên 85 nghìn đồng/kg, để “giữ chân” khách hàng, chúng tôi chấp nhận lãi rất ít. Giờ giá lợn hơi “hạ nhiệt”, chúng tôi đã giảm 10 nghìn đồng/kg so với tháng 9 chứ chưa thể hạ tương đương vì còn nhiều chi phí trung gian khác.
Ở các siêu thị, thịt lợn có giá cao hơn nhiều. Tại Siêu thị Minh Cầu (T.P Thái Nguyên) ngày 12-10, thịt mông được niêm yết với giá 109 nghìn đồng/kg; thịt vai 128 nghìn đồng/kg; sườn 135 nghìn đồng/kg và thịt thăn là 116 nghìn đồng/kg. Chị Phạm Thị Ngọc Hà, quản lý bán hàng Siêu thị Minh Cầu lý giải: Hiện nay, giá bán thịt lợn tại Siêu thị cũng đã giảm từ 5-7% so với tháng trước. Sản phẩm thịt lợn bán tại Siêu thị của chúng tôi đều được thu mua ở các trang trại chăn nuôi theo hướng an toàn, được giết mổ tại khu tập trung; bày bán trong thiết bị chuyên dụng để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giữ được độ tươi ngon nên giá bán luôn cao hơn so với bên ngoài.
Như vậy, trong khi giá lợn hơi giảm khiến người chăn nuôi thua lỗ, thì người tiêu dùng vẫn phải mua thịt lợn với giá cao. Người được hưởng lợi trong việc này chỉ có tiểu thương hoặc các nhà kinh doanh thịt lợn. Nguyên nhân là do có quá nhiều khâu trung gian trong quá trình phân phối thịt lợn ra thị trường, dẫn đến chưa hài hòa lợi ích giữa 3 khâu sản xuất, cung ứng và tiêu dùng. Thực tế này đặt ra vấn đề cho tỉnh là cần phát triển mạnh mẽ hơn nữa các mô hình liên kết chăn nuôi theo chuỗi giá trị.
Theo các chuyên gia, đây được xem là giải pháp hữu hiệu nhằm đưa các sản phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng, cũng là con đường ngắn nhất thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Khi các chuỗi này phát huy hiệu quả, với việc rút ngắn các khâu trung gian từ chăn nuôi đến vận chuyển, giết mổ, sơ chế, tiêu thụ, lợi ích sẽ được chia sẻ với các đối tượng trong chuỗi của doanh nghiệp và người tiêu dùng.