Cách trung tâm thành phố khoảng 8km về phía Bắc là Khu du lịch sinh thái Nhà tôi, nằm trên địa bàn xã Sơn Cẩm. Với diện tích gần 10ha, Nhà tôi được chia thành các khu vực: Nhà hàng, nhà nghỉ, khu nghỉ cộng đồng và khu trải nghiệm.
Khi đến đây, du khách sẽ được trải nghiệm một không gian ngập tràn cây xanh, điểm nhấn là hồ bơi với thiết kế cảnh quan ấn tượng. Anh Khúc Văn Luyện, Quản lý Khu du lịch sinh thái Nhà tôi tâm đắc: Trước đây, toàn bộ khu đất này bị bỏ không, cây cỏ mọc um tùm. Nắm được nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng của người dân, chúng tôi đã quyết định đầu tư, xây dựng khu du lịch sinh thái kết hợp giữa nghỉ dưỡng, ăn uống và các dịch vụ tham quan, trải nghiệm.
Ngoài Khu du lịch sinh thái Nhà tôi, đến với T.P Thái Nguyên, du khách còn nhiều sự lựa chọn khác phù hợp với nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng như: Khu bảo tồn làng nhà sàn sinh thái Thái Hải; Khu sinh thái An Bình (cùng ở xã Thịnh Đức); Yasmin Farm Resort (xã Cao Ngạn); Làng Hạnh Phúc (xã Phúc Xuân), không gian du lịch văn hóa cộng đồng tại vùng chè Tân Cương…
Ngoài sản xuất chè búp khô, Hợp tác xã Trà và Du lịch cộng đồng Tiến Yên, xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên), còn phát triển dịch vụ du lịch cộng đồng.
Anh Bùi Trọng Đại, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Trà và Du lịch cộng đồng Tiến Yên, xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương, chia sẻ: Các nương chè ở vùng Tân Cương có địa hình thoai thoải, phù hợp để du khách đến tham quan, chụp ảnh. Hơn nữa, khí hậu ở đây dễ chịu, mát mẻ. Khi đến đây, ngoài được thưởng trà tại khu nhà chòi giáp hồ nước, du khách còn có thể tự tay hái, sao và đóng gói những sản phẩm chè đặc sản nức tiếng gần xa.
Hiện nay, trên địa bàn T.P Thái Nguyên có gần 20 địa điểm du lịch, với 3 loại sản phẩm chủ yếu, gồm: Du lịch cộng đồng, nông thôn gắn với văn hóa trà; du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử và du lịch sinh thái, tham quan, trải nghiệm.
Thời gian qua, để thúc đẩy du lịch phát triển, ngoài nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, thành phố đã tích cực thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực, như: Khách sạn, nhà nghỉ, trung tâm thương mại… Hiện, toàn thành phố có 184 cơ sở lưu trú, 150 nhà nghỉ, 120 nhà hàng và 20 doanh nghiệp lữ hành, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng của du khách.
Trong 4 năm (từ 2016-2020), số lượt khách nội địa và quốc tế đến tham quan tại T.P Thái Nguyên là gần 2,4 triệu lượt người, trong đó, gần 300 nghìn lượt khách lưu trú. Tổng doanh thu từ dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch trên địa bàn đạt trên 900 tỷ đồng/năm.
Ông Trần Thanh Hải, Trưởng Phòng Văn hóa T.P Thái Nguyên cho biết: Các sản phẩm du lịch trên địa bàn thành phố là sự giao thoa giữa các yếu tố lịch sử, văn hóa, kinh tế, xã hội, tạo nên nét đặc trưng riêng có để thu hút du khách. Để du lịch của thành phố tiếp tục có những điểm nhấn, xứng với tiềm năng, T.P Thái Nguyên đã xây dựng Đề án phát triển du lịch T.P Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, với tổng kinh phí đầu tư gần 4,3 tỷ đồng. Mục tiêu là đến năm 2025, hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với văn hóa trà, có thương hiệu và sức cạnh tranh về quy mô, chất lượng, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…