Học sinh nên giữ khoảng cách với màn hình máy tính, nghỉ ngơi xen kẽ khi học trực tuyến để bảo vệ mắt. Ảnh: Đỗ Tâm
Không có tác dụng ngăn ngừa cận thị
Kể từ khi bước vào năm học mới 2021-2022, hơn 1 tháng nay, con gái học lớp 3 của anh Nguyễn Văn Mạnh (phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình) đều phải học trực tuyến ở nhà để phòng, chống dịch Covid-19. Với mong muốn tìm cách bảo vệ đôi mắt của con trước tác động của thiết bị công nghệ, anh Mạnh đã tìm mua kính chống ánh sáng xanh được rao bán trên các trang mạng xã hội với các lời quảng cáo phòng ngừa cận thị, chống mỏi mắt…
Theo chủ một cửa hàng kính tại phố Ngọc Lâm, quận Long Biên: Kính chống ánh sáng xanh (loại 0 độ và có độ) được bán phổ biến khoảng 4-5 năm nay, nhưng chưa bao giờ đắt hàng như thời điểm này. Thậm chí, khi tạm đóng cửa để thực hiện giãn cách xã hội, qua kênh bán hàng trực tuyến, cửa hàng vẫn có vài chục đơn hàng đặt mua kính chống ánh sáng xanh cho trẻ mỗi ngày.
“Nhiều phụ huynh mua kính 0 độ cho con đeo để phòng ngừa tác động của ánh sáng xanh đến từ các thiết bị, như: Ti vi, điện thoại, máy tính… Tùy từng chất liệu, kính chống ánh sáng xanh có mức giá trung bình từ 300.000 đồng đến 800.000 đồng, các sản phẩm cao cấp hơn có giá hàng triệu đồng”, chủ cửa hàng trên cho biết.
Đề cập đến tác hại của ánh sáng xanh, bác sĩ Đặng Xuân Nguyên, nguyên Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Mắt Hà Nội II giải thích: Ánh sáng xanh là dải ánh sáng cận tia cực tím có hại tới mắt. Nguồn ánh sáng xanh nhân tạo đến từ đèn huỳnh quang, đèn led và tivi màn hình phẳng, đặc biệt là các màn hình hiển thị của máy tính, điện thoại, các thiết bị kỹ thuật số. Theo các nghiên cứu trên thế giới, nếu dùng thiết bị điện tử phát ra ánh sáng xanh trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ gây thoái hóa điểm vàng ở đáy mắt khi về già.
“Việc tiếp xúc với các thiết bị điện tử là một trong những nguy cơ lớn dẫn tới cận thị, nhưng không phải do tác động của ánh sáng xanh mà là do mắt phải nhìn gần trong một thời gian dài. Việc đeo kính chống ánh sáng xanh chỉ có tác dụng bảo vệ về lâu dài đối với đáy mắt, giảm nguy cơ thoái hóa mắt khi về già, chứ không có tác dụng ngăn ngừa cận thị”, bác sĩ Đặng Xuân Nguyên khẳng định.
Bác sĩ khám mắt cho một học sinh tại Bệnh viện Đông Đô (quận Đống Đa). Ảnh: Phương Thủy
Bảo vệ mắt đúng cách
Theo các chuyên gia nhãn khoa, thời lượng làm việc bằng mắt với các loại máy tính, màn hình điện tử chỉ được cho phép dưới 5 giờ/ngày. Tuy nhiên, với việc học trực tuyến của trẻ hiện nay, thời lượng mắt phải tiếp xúc với các thiết bị điện tử lên tới 7-8 giờ/ngày. Thậm chí, ngoài giờ học, trẻ còn thư giãn bằng các trò chơi trên máy tính, điện thoại thông minh hay xem ti vi, thì thời gian mắt tiếp xúc với các thiết bị điện tử phải từ 10 - 12 giờ/ngày. Điều đó rất đáng lo ngại cho mắt.
Bác sĩ Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt trung ương lưu ý: Theo các nghiên cứu, khi mỗi cá nhân làm việc với các phương tiện có màn hình, ở cự ly gần trên 7 giờ/ngày thì sau 5 năm khoảng 70% sẽ mắc cận thị. Để ngăn ngừa cận thị, bảo vệ đôi mắt của trẻ không nên “thần thánh hóa” công nghệ từ kính chống ánh sáng xanh mà điều quan trọng là phải tuân thủ những nguyên tắc bảo vệ mắt. Cụ thể, mỗi học sinh cần ngồi giãn cách trước màn hình, nghỉ ngơi xen kẽ. Cùng với đó, mỗi học sinh cần chú ý đến mức độ chiếu sáng và tăng độ tương phản, không nên để máy tính ở gần cửa sổ hay nguồn sáng mạnh, gây giao thoa ánh sáng… Ngoài ra, cha mẹ cần lưu ý, không để trẻ ngồi thấp quá so với bàn học, màn hình máy tính quá cao sẽ gây hại cho mắt.
Bác sĩ Đinh Phương Thủy, Giám đốc điều hành Bệnh viện Đông Đô (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết thêm: Để bảo vệ mắt cần bổ sung đầy đủ các dưỡng chất, vitamin… qua đường ăn uống. Ngoài ra, trẻ cần tuân thủ nguyên tắc “20 - 20 - 20”, tức là cứ 20 phút học tập thì để mắt nghỉ ngơi 20 giây và tập trung nhìn vào vật, đối tượng trong khoảng không gian khoảng 20 fid (khoảng 6m). Ánh sáng xanh từ màn hình điện tử là một trong số nguyên nhân gây thoái hóa điểm vàng của mắt, do đó nên hạn chế tối đa thời gian tiếp xúc với màn hình điện tử. Khi nhận biết con em mình có những triệu chứng về mắt, các phụ huynh cần đưa trẻ tới cơ sở y tế uy tín để khám. Các bệnh về mắt nếu không được thăm khám kịp thời dễ dẫn đến giảm sút thị lực. "Nên duy trì việc thăm khám mắt định kỳ cho trẻ. Đặc biệt, khi trẻ bị cận thị, không nên tùy tiện cắt kính mắt cho con, bởi nếu đeo kính không đúng độ của mắt dễ làm mắt bị mỏi, lên độ nhanh hơn", bác sĩ Đinh Phương Thủy khuyến cáo.