Phú Bình là đơn vị cấp huyện đầu tiên của tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; đồng thời là địa phương đầu tiên của tỉnh thực hiện thành công dồn điền, đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, với tổng diện tích 158ha; có nhiều sản phẩm nông nghiệp từng bước hội nhập thị trường trong, ngoài tỉnh, trở thành thương hiệu mạnh, như: Lúa nếp Thầu Dầu; gà đồi Phú Bình; tương Úc Kỳ...
Nhằm thu hẹp chênh lệch về mức sống giữa các tầng lớp dân cư, tạo nguồn lực để tăng phúc lợi, cải thiện điều kiện sống, giảm nghèo và thực hiện công bằng xã hội, Phú Bình triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững.
Hằng năm, huyện đề ra chỉ tiêu giảm nghèo và giao cho các xã, thị trấn thực hiện. Các chính sách giảm nghèo được ban hành kịp thời, đồng bộ, phù hợp với từng năm và cả giai đoạn, tạo điều kiện để chính sách an sinh xã hội, chính sách về giảm nghèo đi vào đời sống người dân.
Qua đó, người nghèo, đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách theo quy định của Nhà nước. Đã có hơn 8.600 hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận với nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư phát triển kinh tế gia đình. 5 năm gần đây, 14 chương trình tín dụng được triển khai trên địa bàn huyện với tổng dư nợ cho vay đạt 505 tỷ đồng. Hầu hết các hộ đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Tương nếp Úc Kỳ, một sản phẩm truyền thống có thương hiệu mạnh của Phú Bình.
Tuy những năm gần đây, cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng ngành Công nghiệp và Dịch vụ (2 khu công nghiệp và 4 cụm công nghiệp đã thu hút 51 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài), diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp, nhưng tỷ trọng của ngành Nông nghiệp vẫn bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại chỗ và trở thành hàng hóa chất lượng cao xuất bán ra thị trường. Sản lượng lương thực có hạt ổn định 75.000 tấn/năm; thu nhập bình quân đạt 59 triệu đồng/người/năm.
Với tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp hơn 130.000ha, nhờ có hệ thống dẫn thuỷ nhập điền bảo đảm (gồm gần 150 công trình thủy lợi với hơn 617km mương dẫn nước tưới), nên công việc sản xuất mùa vụ của nông dân được thuận lợi. 6 tháng đầu năm, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 1.262 tỷ đồng, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước...
Hiệu quả từ triển khai Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của huyện đã tạo được sức bật quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Tỷ trọng chăn nuôi chiếm gần 70% cơ cấu nội Ngành. Kinh tế hợp tác xã, trang trại phát triển mạnh với 38 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, 18 tổ hợp tác và 255 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; trong đó có 27 trang trại được cấp chứng chỉ VietGAP.
Đặc biệt, các khu chăn nuôi tập trung gắn với quy hoạch nông thôn mới đang từng bước hình thành. Những cánh đồng một giống, các khu sản xuất tập trung, các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao ngày càng được nhân rộng.
Những mô hình sản xuất theo hướng an toàn sinh học, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao và bền vững được nhiều nông hộ áp dụng. Qua đó hình thành vùng sản xuất hàng hóa, tạo thương hiệu, thuận lợi cho việc bao tiêu sản phẩm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.
Các giải pháp dồn điền, đổi thửa, tăng cường chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng gia tăng giá trị; đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; thực hiện tốt các cơ chế, chính sách khuyến khích và hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn... đã từng bước nâng cao giá trị trên diện tích đất sản xuất.
Hiện, giá trị sản phẩm trên một ha đất nông nghiệp của huyện Phú Bình đạt hơn 100 triệu đồng; dự kiến đến năm 2025 đạt 130 triệu đồng/ha, có 17 sản phẩm nông nghiệp được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP.