Cập nhật: Thứ tư 20/10/2021 - 09:30
Cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Quảng Ninh tìm kiếm người dân mất tích do lũ cuốn. Ảnh: NGUYỄN PHONG
Cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Quảng Ninh tìm kiếm người dân mất tích do lũ cuốn. Ảnh: NGUYỄN PHONG

Ngày 19-10, nước lũ tại các huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh (Quảng Bình) đã rút, trời không còn mưa. Tranh thủ thời tiết tạnh ráo, LLVT tỉnh Quảng Bình dốc sức tìm kiếm người dân mất tích do lũ cuốn và khẩn trương giúp nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ.

Đã hai ngày nay, các lực lượng chức năng tại huyện Quảng Ninh nỗ lực tìm kiếm hai người dân mất tích do lũ cuốn trôi. Trong ngày, Ban CHQS huyện Quảng Ninh tiếp tục điều động 25 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ phối hợp với lực lượng biên phòng, công an mở rộng phạm vi tìm kiếm. Lực lượng chức năng dùng 3 chiếc xuồng cao tốc và nhiều chiếc thuyền lá nhỏ quần thảo dọc sông Long Đại và sông Nhật Lệ. 

Lúc 13 giờ 30 phút cùng ngày, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể anh Hồ Văn Sửu (sinh năm 1997, ở xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh) cách hiện trường 10km. Riêng trường hợp ông Nguyễn Văn Đường (sinh năm 1970, ở xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh) mới chỉ tìm thấy chiếc đò dạt vào bờ cách hiện trường vụ tai nạn 500m.

Trực tiếp chỉ huy tại hiện trường tìm kiếm, Trung tá Nguyễn Văn Phong, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Ban CHQS huyện Quảng Ninh, cho biết: “Ngày hôm nay, nước sông đã rút, một số vị trí gần bờ xuồng và thuyền không vào được nên cán bộ, chiến sĩ phải lội bùn tìm kiếm các nạn nhân. Chúng tôi cùng các lực lượng đang cố gắng để tìm kiếm người dân trong thời gian sớm nhất có thể”. 

Đến chiều 19-10, huyện Lệ Thủy còn hơn 1.100 ngôi nhà bị ngập từ 0,2 đến 1,5m, hàng trăm héc-ta hoa màu mất trắng, hàng nghìn gia súc, gia cầm chết. Thiệt hại do mưa lũ gây ra ước tính hàng chục tỷ đồng. Nước trong nhà dân đã rút dần nhưng đồng ruộng, đường sá vẫn bốn bề mênh mông nước. Nhiều gia đình đồ đạc đang ngâm trong đống bùn, rác rưởi, xác động vật chết khắp nơi. Những địa bàn vùng thấp trũng ven sông như: Xã Phong Thủy, Lộc Thủy, Liên Thủy, thị trấn Kiến Giang nước lũ đã rút khoảng 30cm so với ngày hôm qua.

Thông tin từ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lệ Thủy cho biết, mưa lũ những ngày qua đã làm ngập 33 trường học trên địa bàn với mực nước từ 0,5 đến 1m. Trong đó, 21 trường học nước ngập sâu hơn 1m. Đợt lũ này các trường đã chuẩn bị phương án từ trước, kê cao đồ dùng, thiết bị dạy học nên hạn chế được thiệt hại. Dù nước còn ngập đến đầu gối nhưng cán bộ, chiến sĩ LLVT huyện Lệ Thủy đã khẩn trương dọn dẹp, thu gom rác thải... trong khuôn viên các trường học tại xã Lộc Thủy và Phong Thủy để giúp thầy trò sớm được trở lại trường.

Bà Bùi Thị Lan (xã Lộc Thủy) xúc động kể: “Khi lũ dâng cao gia đình tôi được các chú bộ đội và dân quân đưa đi tránh lũ nhưng đồ đạc bị ngập và cuốn trôi. Tôi một thân một mình, lại đau ốm, đi sơ tán về nhìn nhà cửa tan hoang mà thêm mệt mỏi. May có các chú bộ đội, dân quân đến giúp khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống. Tôi cảm động lắm!”.

Tại Khu cách ly y tế tập trung Trường Mầm non Hoa Mai, huyện Lệ Thủy, khi nước lũ dâng cao, ngoài việc duy trì khoảng cách theo quy định, bảo đảm cơm nước, sinh hoạt cho nhân dân, lực lượng làm nhiệm vụ tại đây còn bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho công dân. Anh Lê Hoàng, công dân cách ly tại Trường Mầm non Hoa Mai, nói: “Khi lũ tràn về, tôi thấy các chú bộ đội ngày đêm dầm mình trong nước để đưa đồ dùng, vật dụng của người dân lên cao. Tôi cũng muốn giúp các chú lắm nhưng vì cách ly nên đứng nhìn mà trong lòng áy náy vô cùng...”.

Được biết, sau khi nước rút, Ban CHQS huyện Lệ Thủy đã kịp thời tham mưu cho UBND huyện điều động hơn 150 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ phối hợp cùng với nhân dân và chính quyền địa phương khẩn trương dọn dẹp, tu sửa, tổng dọn vệ sinh cho hơn 100 hộ gia đình neo đơn và thiệt hại nặng; dọn dẹp 30km đường liên thôn, liên xã; tổng dọn vệ sinh 7 trường học, 3 trạm y tế xã. Ban CHQS huyện còn tham mưu cho Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình điều động Bệnh xá 24 phối hợp với lực lượng dân quân các xã Phong Thủy, An Thủy khử trùng tiêu độc cho 27 trang trại, 7 trường học, 10 giếng nước.

Ông Trần Công Thoán, Chủ tịch UBND thị trấn Kiến Giang, chia sẻ: “Đặc thù là một địa bàn thường xuyên ngập lụt nên trước đó chúng tôi đã chủ động phối hợp với các lực lượng quân sự địa phương triển khai các giải pháp phòng, chống mưa lũ, di dời sơ tán người dân, kê cao tài sản nên đã giảm được đáng kể thiệt hại. Với sự giúp đỡ của bộ đội và dân quân nên công tác khắc phục hậu quả được triển khai hiệu quả, sớm đưa cuộc sống của nhân dân trở lại bình thường”.


Theo QĐND