Trong ánh sáng nhờ nhờ của căn nhà sàn, ông Nịnh Văn Trai, xóm Đồng Chùng, xã Phú Đình (Định Hóa), không nén nổi nỗi đau khi nhắc đến cái chết của người con trai duy nhất - anh Nịnh Văn Tuấn (sinh năm 1986). Ông ngồi đó. Đôi mắt mờ đục, ngấn lệ. Đôi bàn tay đen đúa chốc chốc lại đưa lên gạt những giọt nước mắt lăn dài trên hai gò má gồ ghề xương xẩu. Giọng ông nghẹn lại: “Nó bảo đi vài năm nữa để tích vốn làm ăn. Vậy mà... mãi mãi tôi không còn gặp được nó. Giá như ngày đó tôi quyết tâm ngăn nó lại...”.
Nỗi đau quá lớn khiến ông Trai suy sụp. Nhắc đến câu chuyện về con trai mình, ông nhớ nhớ, quên quên, liên tục gọi người cháu nội Nịnh Văn Hà (sinh năm 2009) - con trai của anh Tuấn trợ giúp. Hà đứng nép mình trong bóng tối nơi góc ngôi nhà sàn, rành rọt nhắc lại những mốc thời gian mà có lẽ cả cuộc đời này cháu không thể nào quên.
Tháng 2-2019, hai vợ chồng anh Nịnh Văn Tuấn, chị Trần Thị Biên cùng vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm việc tại một công ty nhựa. Vào một đêm tháng 3-2020, anh Tuấn đi làm về muộn và bị đột tử sau khi tắm. “Anh cùng làng cõng nó chạy đến bệnh viện, nhưng đến nơi đã không kịp nữa rồi” - Ông Trai vội quay mặt đi, giấu đôi mắt ầng ậc nước.
Nhưng với gia đình ông Trai, nỗi đau khi ấy mới bắt đầu. Biết bao ngày tháng sau đó, gia đình ông tìm đủ mọi cách để đưa thi thể anh Tuấn về nước nhưng bất thành. Lúc đầu, gia đình ông tính: Đi cách nào, về cách ấy và tìm cách đưa thi thể về bằng con đường trái phép nhưng không được.
Nhiều tháng sau, ông mới đến nhờ các cơ quan chức năng, thực hiện rất nhiều thủ tục, đến ngày 26-1-2021 mới đưa được thi thể con trai về nước. “Bao nhiêu tháng ròng rã thi thể con trai tôi phải bảo quản trong nhà xác bệnh viện bên xứ người, chi phí quá lớn. Ngày đi, vợ chồng nó mơ ước tiết kiệm khoản tiền lớn, nay vợ nó lại phải nai lưng làm trả nợ”. - Ông Trai nghẹn ngào.
Ông Nịnh Văn Trai thắp hương cho người con trai xấu số qua đời bên Trung Quốc.
May mắn hơn trường hợp của anh Nịnh Văn Tuấn, chị Lưu Thị Nguyệt, xóm Thành Long, xã Phúc Lương (Đại Từ), trở về nhà khỏe mạnh, nhưng chị bị trục xuất. Chị Nguyệt đã tự ý vượt biên sang Trung Quốc qua đường mòn biên giới tại tỉnh Lạng Sơn vào tháng 5-2020. Đến tháng 7-2020, chị bị lực lượng Công an Trung Quốc bắt giữ tại Quảng Đông. Tháng 7-2021, chị mới được lực lượng chức năng nước bạn bàn giao cho Đồn biên phòng cửa khẩu Trà Lĩnh (Cao Bằng).
Cùng cảnh ngộ như chị Nguyệt còn có chị Đào Thị Hợp, xóm Thành Long, xã Phúc Lương (Đại Từ); anh Ma Duy Thực, xóm Đồng Lá 2, xã Điềm Mặc (Định Hóa) và nhiều người khác. Những người này không những không kiếm được khoản tiền mơ ước khi sang Trung Quốc mà còn rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”…
Theo các cơ quan chức năng, tình trạng người dân trên địa bàn tỉnh xuất cảnh trái phép trong những năm qua vẫn diễn ra, tuy có giảm nhưng còn khá phức tạp. Người xuất cảnh trái phép chủ yếu tập trung ở miền núi, vùng cao, khu vực khó khăn. Nguyên nhân là do cuộc sống một bộ phận người dân còn nhiều khó khăn, thu nhập thấp, không có bằng cấp, trình độ, không tìm được việc làm phù hợp.
Ngoài ra, nhiều người vẫn chưa nhận thức đầy đủ về hành vi xuất cảnh trái phép nên bị các đối tượng xấu lôi kéo, dụ dỗ bằng những viễn cảnh giàu sang sau thời gian lao động nơi xứ người.
Tình trạng xuất cảnh trái phép vẫn có dấu hiệu phức tạp, khó lường, tuy nhiên, theo các cơ quan chức năng, công tác quản lý rất khó khăn.
Thượng úy Đỗ Hắc Long, Trưởng Công an xã Phúc Lương (Đại Từ) cho biết: Lực lượng công an còn mỏng trong khi địa bàn rộng. Những người có ý định xuất cảnh trái phép trốn tránh, không bao giờ khai báo, còn người thân của họ thường giấu giếm để bao che. Ngoài ra, việc xử phạt đối với hành vi này vẫn còn thấp (xử phạt hành chính trung bình 3 triệu đồng), chưa đủ sức răn đe với những đối tượng có ý định xuất cảnh trái phép.
Nhằm ngăn chặn tình trạng xuất cảnh trái phép, thời gian qua, chính quyền địa phương, lực lượng công an trên địa bàn tỉnh đã phối hợp tăng cường tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật đến người dân. Trong đó tập trung tuyên tuyền về những rủi ro có thể gặp phải khi xuất cảnh trái phép. Các địa phương cũng tập trung triển khai nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, tích cực phối hợp giới thiệu việc làm, tạo cơ hội công việc nhằm từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân…
Điều quan trọng nhất vẫn là nhận thức của người dân về vấn đề này cần được thay đổi để tránh hậu quả cho chính họ và người thân khi vượt biên trái phép.