Đáp: Tỏi có rất nhiều công dụng với sức khỏe, hợp chất sulfur có trong tỏi có tác dụng kháng khuẩn, phòng nguy cơ bị cảm cúm. Bên cạnh đó, việc ăn tỏi còn giúp rút ngắn thời gian bị cảm, người bệnh phục hồi sức khỏe nhanh hơn.
Tuy nhiên, cần chú ý ăn tỏi sống đúng cách. Ví dụ, nên băm nhuyễn tỏi, để trong không khí khoảng 10 - 15 phút rồi mới ăn. Nguyên nhân là do tác dụng cơ bản của tỏi chủ yếu đến từ allicin, tuy nhiên trong tỏi không có allicin tự do, chỉ sau khi băm nhuyễn, dưới tác dụng của enzyme thì tỏi mới phóng thích ra allicin.
Lưu ý khác là tuyệt đối không ăn tỏi lúc đói vì tỏi có tính phân hủy và tính kích thích mạnh với niêm mạc dạ dày, niêm mạc ruột. Nếu ăn quá nhiều tỏi một lần hoặc ăn tỏi lúc đói thì sẽ không tốt cho hệ tiêu hóa, nhất là với người bị viêm loét dạ dày, tá tràng.
Người có bệnh liên quan tới mắt, thị lực yếu cũng không nên ăn nhiều tỏi vì tỏi có thể kích thích mắt, dễ gây viêm bầu mắt, viêm kết mạc. Đặc biệt lưu ý, không nên ăn tỏi sống khi bị tiêu chảy vì có thể thành ruột bị kích thích, dẫn tới phù nề, nghẽn mạch máu, gây ra một số biến chứng nguy hiểm.
Ngoài ra, không nên ăn tỏi cùng các thực phẩm như thịt chó, thịt gà, trứng, cá trắm. Người có tiền sử mắc các bệnh về gan không nên ăn tỏi vì tỏi có tính nóng, vị cay, làm nóng gan, lâu dài sẽ gây tổn thương cho gan.
Người đang sử dụng một số loại thuốc điều trị HIV/AIDS, thuốc chống đông máu... không nên ăn tỏi vì sẽ gây ra các tác dụng phụ không tốt cho sức khỏe. Người thể trạng suy yếu không nên ăn nhiều tỏi vì có thể làm tiêu tan khí huyết, loãng khí, hao máu, sinh đờm, phát nhiệt.