Ông Dương Thanh Tùng, Phó Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Phú Bình cho biết: Để các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có thêm nguồn vốn đầu tư máy móc, phát triển sản xuất, hằng năm, chúng tôi phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh, các xã, thị trấn rà soát, thống kê để lựa chọn những cơ sở có nhu cầu, kế hoạch đầu tư và đề xuất cấp có thẩm quyền phê duyệt hỗ trợ (từ nguồn kinh phí khuyến công Quốc gia và nguồn ngân sách tỉnh). Sau khi các cơ sở được nhận hỗ trợ để đầu tư máy móc, chúng tôi cũng yêu cầu chủ cơ sở cam kết sử dụng thiết bị trong thời gian 5 năm; kiểm tra việc sử dụng nguồn hỗ trợ có đúng mục đích hay không…
Ông Nguyễn Văn Thăng, chủ cơ sở sản xuất đồ mộc mỹ nghệ ở xóm Đồng Trong, xã Thanh Ninh, chia sẻ: Tôi mở xưởng sản xuất đồ mộc mỹ nghệ từ năm 2016, chuyên sản xuất đồ bằng gỗ hương. Trước đây, cứ mỗi lần có khách đặt hàng, tôi đều phải mang gỗ sang tỉnh Bắc Ninh để xẻ nên tốn khá nhiều thời gian và công sức. Đầu năm 2020, tôi được cơ quan chuyên môn của huyện khảo sát quy mô sản xuất và được tỉnh hỗ trợ 200 triệu đồng để mua 2 máy xẻ vi tính (trị giá khoảng 500 triệu đồng). Với chiếc máy xẻ vi tính này, tôi còn có thể làm dịch vụ xẻ gỗ; duy trì và đảm bảo việc làm cho 6 lao động địa phương với mức thu nhập từ 6-12 triệu đồng/người/tháng.
Cơ sở sản xuất đồ mộc mỹ nghệ của ông Thăng chỉ là 1 trong số 14 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn đã được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh phối hợp với huyện Phú Bình hỗ trợ từ năm 2018 đến nay.
Có thể kể đến một số cơ sở khác cũng đã được hỗ trợ đầu tư thiết bị, sản xuất mang lại hiệu quả cao như: Hộ ông Đặng Văn Phượng ở xã Tân Khánh được hỗ trợ 195 triệu đồng để đầu tư máy ép nhiệt 12 khe trong sản xuất gỗ, ván ép; hộ ông Nguyễn Văn Tiệp ở xã Tân Hòa được hỗ trợ 100 triệu đồng để đầu tư máy điêu khắc gỗ CNC trong sản xuất đồ gỗ; hộ ông Lê Đình Phong ở xã Dương Thành được hỗ trợ 100 triệu đồng đầu tư hệ thống máy cắt nhôm trong sản xuất cơ khí; hộ ông Đỗ Đình Tùng ở xã Kha Sơn được hỗ trợ 150 triệu đồng đầu tư hệ thống máy cắt nhôm, nhựa tự động…
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn huyện Phú Bình, các cơ sở được hỗ trợ chuyển giao công nghệ tiên tiến, ứng dụng máy móc hiện đại vào sản xuất đều sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, có hiệu quả; cam kết sử dụng máy móc và không chuyển nhượng cho cơ sở khác trong thời gian tối thiểu 5 năm…
Thống kê sơ bộ, huyện Phú Bình hiện có trên 11.500 cơ sở sản xuất phi nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương với mức thu nhập trung bình từ 7-8 triệu đồng/người/tháng.
Giai đoạn 2014-2020, trên địa bàn huyện có 23 đề án khuyến công được thực hiện với tổng kinh phí trên 6,7 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ 2,5 tỷ đồng. Cùng với đó, các cơ sở cũng tích cực, chủ động đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Ông Dương Thanh Tùng cho biết thêm: Từ nay đến cuối năm, chúng tôi tiếp tục phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh lựa chọn, đề xuất 2 cơ sở công nghiệp nông thôn để Sở Công Thương xem xét, báo cáo UBND tỉnh phê duyệt thực hiện đề án; đồng thời tuyên truyền, phổ biến các chính sách hỗ trợ theo chương trình khuyến công địa phương để các cơ sở sản xuất, kinh doanh công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn nắm bắt, tiếp cận được nguồn vốn…