Năm học 2021-2022 là năm đầu tiên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với học sinh lớp 6. Một trong những điểm mới là xuất hiện 2 bộ môn tích hợp gồm Lịch sử, Địa lý và KHTN (Vật lý-Sinh học-Hóa học).
Trên thực tế, các trường chưa có giáo viên chuyên biệt dạy tích hợp nên đến phân môn giáo viên nào, giáo viên đó lên lớp và vận hành theo cách “tích sao cho hợp”.
Cô Trần Thị Thúy Quỳnh, giáo viên Lịch sử Trường THCS Chùa Hang 2 (T.P Thái Nguyên) nhận xét: Chương trình, SGK mới có kiến thức khá độc lập, chỉ có một phần rất nhỏ liên quan đến nhau nên giáo viên tự trao đổi trước giờ dạy. Còn lại, hai giáo viên vẫn đứng lớp theo mảng kiến thức của môn học. Vấn đề bất cập hiện nay là yêu cầu hết học kỳ I, hai phân môn phải hoàn thành kế hoạch dạy học cùng một lúc do đó khó khăn cho việc sắp xếp thời khóa biểu. Ngoài ra, dù giáo viên dạy học riêng rẽ như 2 môn học độc lập, học sinh ghi bài vào 2 quyển vở khác nhau nhưng chỉ có 1 đầu điểm khi kiểm tra cuối kỳ. Hiện, giáo viên được hướng dẫn sẽ thiết kế câu hỏi 50% kiến thức Địa lý, 50% kiến thức Lịch sử.
Cô Trần Thị Hải Yến, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nha Trang (T.P Thái Nguyên) cho biết thêm: Khi chấm bài, giáo viên môn này chấm xong lại chuyển sang cho giáo viên môn kia chấm tiếp. Một năm học có 5 đầu điểm gồm kiểm tra 15 phút, 1 tiết, bài thực hành…, nếu chỉ lấy 1 đầu điểm, giáo viên không rõ sẽ lấy điểm ở môn nào.
Thầy giáo Lương Xuân Nghĩa, Trường THCS Chùa Hang 2 (T.P Thái Nguyên) cho rằng: Khó khăn lớn nhất của việc thực hiện chương trình, SGK mới là việc xây dựng kế hoạch dạy học, sắp xếp bố trí giáo viên dạy đối với các môn Khoa học tự nhiên (KHTN), Lịch sử và Địa lý lớp 6. Lịch học và thời khóa biểu hàng tuần phải thay đổi liên tục nên học sinh dễ bị nhầm lẫn khi mang sách đi học.
Giáo viên diện hợp đồng khoán định mức càng khó khăn hơn khi số tiết trong tuần có thể bị giảm, hoặc tăng, dẫn đến thu nhập không ổn định, trong khi việc thanh toán thực hiện theo tháng. Trước đây, mỗi giáo viên dạy 19 tiết/tuần, nhưng có phân môn chỉ 14 tiết/tuần, dẫn đến có tháng sẽ giảm thu nhập, tháng sau có thể tăng lên thì sẽ khó cho việc xác định thanh toán vượt giờ bởi các quy định về tài chính.
Trong hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, các trường chủ động bố trí kế hoạch dạy học phù hợp với logic các chủ đề của chương trình môn học. Do phần lớn giáo viên không được đào tạo dạy tích hợp nên hiệu trưởng sẽ phân công giáo viên dạy các phân môn theo chuyên ngành được đào tạo.
Việc xếp thời khóa biểu để giáo viên vừa dạy các phân môn của hai môn tích hợp lớp 6 chương trình mới vừa đảm nhiệm dạy các đơn môn của lớp 7, 8, 9 theo chương trình cũ cũng khiến nhiều trường lúng túng.
Do các trường không có điều kiện để một giáo viên đảm nhiệm dạy toàn bộ môn KHTN nên vẫn phải bố trí 2-3 giáo viên cùng đảm nhiệm, nhưng khó có thể bố trí dạy liền mạch đối với môn tích hợp mà phải dạy song song các phân môn.
Giải pháp trước mắt được các trường thực hiện là thành lập tổ KHTN khối 6 bao gồm giáo viên Lý, Hóa, Sinh. Tổ Lịch sử và Địa lý khối 6 bao gồm giáo viên Sử và Địa. Các tổ sẽ thảo luận và thống nhất chủ đề dạy học, cũng như sắp xếp thời khóa biểu phù hợp theo từng tuần, từng tháng…
Có thể nói, trước những khó khăn của năm học đầu tiên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới với lớp 6, khi dạy liên môn, các trường đang xoay sở để "tích" sao cho "hợp", nhằm đảm bảo phân phối chương trình và lượng kiến thức theo yêu cầu.