Cập nhật: Chủ nhật 07/11/2021 - 10:45
Thượng úy Nguyễn Thái Vượng hướng dẫn thủy thủ trên tàu cách sử dụng bếp giảm lắc (ảnh chụp trước ngày 27/4/2021).
Thượng úy Nguyễn Thái Vượng hướng dẫn thủy thủ trên tàu cách sử dụng bếp giảm lắc (ảnh chụp trước ngày 27/4/2021).

Thực hiện nhiệm vụ vận tải hàng hóa và tìm kiếm cứu nạn dài ngày trên biển, trong điều kiện sóng to, gió lớn, tàu sẽ bị chao đảo, rung lắc nên việc nấu ăn trên tàu là thử thách không nhỏ đối với những “anh nuôi”.

Để khắc phục tình trạng trên, Thượng úy Nguyễn Thái Vượng, Thuyền trưởng Tàu 15-11-02, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Vận tải thủy 873, Cục Hậu cần Quân khu 4 đã nghiên cứu và cho ra đời sáng kiến “Bếp giảm lắc”. Năm 2019, sáng kiến này đoạt giải nhì Giải thưởng “Tuổi trẻ sáng tạo trong quân đội lần thứ 19".

Bếp giảm lắc được cấu tạo khá đơn giản, gồm các bộ phận: Giá bếp (mặt sàn và khung bếp); thân bếp (bếp dầu và bộ phận đối trọng); bộ phận giảm lắc và hai vòng tròn dao động. Trong đó, bộ phận quan trọng, “linh hồn” của bếp chính là hai vòng tròn dao động. Khi hai vòng tròn này kết hợp với đối trọng sẽ hoạt động theo nguyên lý cân bằng, quá trình nấu ăn trong điều kiện lắc lư, giá bếp được cố định trên sàn tàu, đối trọng theo phương thẳng đứng của trọng lực kết hợp với hai vòng tròn dao động sẽ bảo đảm cho nồi luôn thẳng đứng, thăng bằng.

Khi có sóng gió, dù tàu lắc ngang, lắc dọc, bộ phận giảm lắc của bếp giữ chặt nồi, tránh sự xô đẩy để nồi và bếp được cân bằng, nhờ đó bảo đảm an toàn về người, trang bị và thực phẩm khi nấu, cán bộ, chiến sĩ có những bữa cơm ngon, bảo đảm sức khỏe để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Với điều kiện thực tiễn về biên chế, trang bị của các tàu, thuyền khi thực hiện nhiệm vụ trên sông, trên biển hiện nay của các đơn vị vận tải thủy, sáng kiến “Bếp giảm lắc” của Thượng úy Nguyễn Thái Vượng là hết sức cần thiết, đơn giản, gọn nhẹ, dễ làm, dễ sử dụng, có tính ứng dụng cao, giá thành của bếp chỉ hơn một triệu đồng/bộ.


Theo QĐND