Cập nhật: Chủ nhật 07/11/2021 - 16:53
Ông Trần Bình Dưỡng và ông Hoàng Trọng Quý (người đội mũ nồi) bên những cuốn sách cổ của người Sán Dìu.
Ông Trần Bình Dưỡng và ông Hoàng Trọng Quý (người đội mũ nồi) bên những cuốn sách cổ của người Sán Dìu.

Biết tin ông Trần Bình Dưỡng, xóm 6, xã Phúc Thuận (T.X Phổ Yên), mới đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội Bảo vệ và Phát huy giá trị văn hóa dân tộc Sán Dìu (thuộc UBND tỉnh), tôi vừa vui mừng vừa lo. Không biết một cựu chiến binh cầm cày cầm cuốc đã mấy chục năm như ông Dưỡng sẽ xoay sở thế nào trước công việc quan trọng này?

Đi trên chiếc cầu xi măng qua con suối nước chảy cuồn cuộn để vào nhà ông Dưỡng, tôi nhận ra khung cảnh quen thuộc. 12 năm trước, tôi lội qua dòng suối này (lúc đó chưa có cầu) vào nhà ông để viết bài về vườn thanh long ruột đỏ đầu tiên ở đất Thái Nguyên. Ngày ấy, từ 800 cây thanh long ruột đỏ, ông thu về hàng trăm tấn quả và cung cấp giống thanh long ra toàn tỉnh.

Câu chuyện của tôi với người đứng đầu Hội Bảo vệ và Phát huy giá trị văn hóa dân tộc Sán Dìu rất sôi nổi, hào hứng. Mặc trời mưa như trút nước và từng cơn gió lạnh đầu Đông rào rạt thổi, ông Dưỡng say sưa nói về những nét đặc sắc của văn hóa dân tộc mình.

Sinh năm 1949, ông được học chữ Hán - Nôm (chữ viết của người Sán Dìu) từ năm lên 4 tuổi. Có năng khiếu âm nhạc lại ham tìm hiểu, ông biết hát Sọong Cô, thuộc nhiều bài văn cúng, thuộc nhiều tích cổ. Sau 20 năm tham gia quân ngũ, trở về quê hương, ông học lại chữ Hán, tiếp cận người cao tuổi để sưu tập các bài dân ca cổ, dịch nghĩa và phát hành tập “Dân ca Sán Dìu” để người không biết tiếng mẹ đẻ cũng đọc và hát được. Ông đang dịch cuốn truyện thơ (nguyên gốc bằng chữ Hán) kể lại sự tích Mục Kiền Liên cứu mẹ từ cõi âm (nguồn gốc lễ Vũ Lan báo hiếu vào ngày Rằm tháng Bảy Âm lịch). Ông dự định xuất bản cuốn “trường ca” này bởi nó chứa đựng nhiều bài học đạo đức, răn dạy con cái phải hiếu thảo với cha mẹ.

Ông Dưỡng bày tỏ: Còn hàng trăm khúc hát “trôi nổi” trong cộng đồng, mỗi khúc hát một giai điệu khác nhau. Tôi dự định ghi âm lại, ký âm thành bản nhạc để truyền cho đời sau. Thời gian ít mà quá nhiều việc cần làm.

Nói về cộng đồng người dân tộc Sán Dìu ở Thái Nguyên, ông Dưỡng cung cấp thông tin: Toàn tỉnh hiện có hơn 5,6 vạn người Sán Dìu, đứng thứ 3 toàn quốc. Từ vài chục năm nay, nhiều câu lạc bộ hát Sọong Cô (CLBSC) ra đời. Tiêu biểu như CLBSC ở xóm Tam Thái, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) thành lập năm 2010 có 80 hội viên. Năm 2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định công nhận Sọong Cô của Đồng Hỷ là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Đến nay, cả tỉnh có 20 CLBSC với 600 hội viên tham gia sinh hoạt thường xuyên. Đây cũng là các hội viên ban đầu của Hội Bảo vệ và Phát huy giá trị văn hóa dân tộc Sán Dìu (thành lập tháng 10-2021).

Có một thực tế buồn là, số người tham gia CLBSC đang ít dần và đều ở tuổi 60 trở lên. Trong cộng đồng dân tộc Sán Dìu, người từ 40 tuổi trở xuống hầu hết không nói tiếng mẹ đẻ. Cứ đà này thì khoảng 20 năm nữa sẽ không còn người nói tiếng Sán Dìu và những giá trị văn hóa khác cũng khó tồn tại.

Ông Trần Bình Dưỡng

Ông Dưỡng nêu quan điểm: Lâu nay nói đến văn hóa người Sán Dìu nhiều người thường nhắc đến Sọong Cô, nhưng kho tàng văn hóa của chúng tôi đồ sộ hơn nhiều. Bởi ngoài Sọong Cô còn là các thư tịch cổ, các bài văn cúng, nghi lễ cưới hỏi, tang ma, các bức tranh thánh, các bức điệp cấp sắc… có tuổi đời 500-600 năm.

Để tận mắt chứng kiến “khối kiến thức khổng lồ” của người Sán Dìu, chúng tôi đến nhà nghệ nhân Hoàng Trọng Quý, ở xóm Đèo Nứa, xã Phúc Thuận. Ông Quý 79 tuổi, Chủ nhiệm CLBSC xã Phúc Thuận, là Đại Phan sư chủ (bậc cao nhất trong hệ thống cấp bậc thầy cúng, người chủ trì các nghi lễ trọng đại). Ông Quý bộc bạch: Tôi là truyền nhân thứ 7 làm nghề thầy cúng trong dòng họ. Năm 1965, tôi xung phong vào chiến trường miền Nam đánh Mỹ, sau khi về quê nhà, tôi tiếp tục nhập ngũ lần 2 bảo vệ biên giới phía Bắc. Tôi chính thức hành nghề thầy cúng trong cộng đồng người Sán Dìu từ năm 1981. Để trở thành Đại Phan sư chủ, tôi phải trải qua 3 lần cấp sắc, có 38 môn đồ thành đạt...

Ông Quý vào buồng lấy ra cho chúng tôi xem những “báu vật” của đời ông: 3 cuộn giấy nặng chịch, gói ghém cẩn thận là các tấm điệp, các văn bản của 3 lần ông được cấp sắc; một chồng sách bìa nhuộm đen quết nhựa quả hồng, nét mực nho viết trên giấy dó đen nhánh.

Nâng từng cuốn sách lên tay, ông Quý kể: Đây là tài sản tri thức từ đời cụ, kỵ nhà tôi để lại, cuốn sách cổ nhất đã 400-500 năm. Từ lúc con người sinh ra, lớn lên, ốm đau, sinh nở, giải hạn, mất đi, tạ mộ; các lễ hội, nghi lễ… đều có hướng dẫn và bài cúng kèm theo trong bộ sách này. Nhiều người cứ nghĩ làm thầy cúng là tuyên truyền mê tín dị đoan. Nhưng đâu phải như thế, muốn làm thầy cúng tốt trước hết phải làm công dân tốt. Tôi truyền chữ, truyền nghề cho các con, cháu và đào tạo môn đồ, là để thế hệ sau đọc được sách của cha ông, duy trì giá trị văn hóa tín ngưỡng, không để tà đạo len vào làm lệch lạc quan niệm thờ tự đã trở thành đạo lý của dân tộc Sán Dìu.

Một trang sách trong hàng vạn trang sách còn lưu lại.

Hiện trong Hội Bảo vệ và Phát huy giá trị văn hóa dân tộc Sán Dìu của tỉnh còn có 4 người là Đại Phan sư chủ như ông Quý. Khối kiến thức bác học của dân tộc hầu hết nằm trong nhà, trong đầu các ông thầy cúng và ít được khai thác, phát huy. 

Nói về công việc trước mắt của Hội, ông Trần Bình Dưỡng cho biết: Ban Chấp hành Hội xác định nhiệm vụ trọng tâm là bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết, trang phục, ẩm thực, các phong tục tập quán tốt đẹp trong đường ăn nết ở của dân tộc Sán Dìu. Riêng tiếng nói và chữ viết là gốc của văn hóa, cần được “chăm bẵm” trước tiên.

Nét đặc sắc về tiếng nói của người Sán Dìu được ghi trong cuốn sách cổ có tên “Tạp xướng”, gồm hàng trăm ngữ điệu biến hóa tùy bài, tùy hoàn cảnh. Để người Sán Dìu nói tiếng mẹ đẻ nhiều hơn, Hội vận động các hội viên nói tiếng dân tộc tại nhà và truyền dạy cho con cháu giữ gìn tiếng nói.

Về chữ viết, Hội dự kiến sẽ tổ chức tọa đàm để thống nhất việc sử dụng bộ chữ quốc ngữ trong cộng đồng người Sán Dìu ở Thái Nguyên, biên soạn bộ sách dạy tiếng cho lứa tuổi học sinh cấp 1, cấp 2; tổ chức các lớp học chữ Nho cho đối tượng có nhu cầu…

Tôi mường tượng ra khối công việc khổng lồ sắp tới và kỳ vọng của những người có trách nhiệm với văn hóa dân tộc mình, tuy nhiên, câu hỏi “nguồn kinh phí ở đâu để làm những việc trên?” thì chưa có câu trả lời thỏa đáng. Là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, tập hợp trên tinh thần tự nguyện, kinh phí hoạt động của Hội chủ yếu do hội viên đóng góp. Ông Trần Bình Dưỡng giãi bày: Chúng tôi dự kiến hội phí 20 nghìn đồng/năm/người, nhưng nhiều người kêu “cao quá”. Có chuyến tham quan học tập ở tỉnh ngoài nhiều người không có tiền đóng góp để đi. Đây là “điểm nghẽn” chúng tôi đang tìm giải pháp tháo gỡ. Trước mắt, chúng tôi kêu gọi các hội viên tham gia theo khả năng, cùng chung tay bảo vệ văn hóa dân tộc mình.

Việc cho ra đời tổ chức Hội của người Sán Dìu đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt của tỉnh đối với việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số. Hy vọng với tình yêu và trách nhiệm của mình, Ban Chấp hành Hội và các hội viên sẽ làm được nhiều việc ý nghĩa, có giá trị lâu dài để khẳng định và tôn vinh nền văn hóa của dân tộc Sán Dìu.

Minh Hằng