Gắn bó với nghề nông từ nhỏ, anh Lương Thanh Tiệp luôn trăn trở tìm hướng đi đem lại hiệu quả cao. Anh dành nhiều thời gian, cất công đi đến các tỉnh, thành lân cận để học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình kinh tế, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi.
Từ những kiến thức gom nhặt được, năm 2019, anh Tiệp quyết định chọn hướng chăn nuôi thủy sản với mô hình nuôi “vỗ giòn” cá chép trong lồng bè, tận dụng mặt nước trên sông Nghinh Tường chảy qua địa bàn. Qua sự giới thiệu của UBND xã Thượng Nung, anh Tiệp tiếp cận được với chương trình khuyến nông của huyện và được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Võ Nhai hỗ trợ 1.000 con cá giống có trọng lượng trung bình khoảng 1kg/con. Đồng thời, Trung tâm cũng cử cán bộ trực tiếp hướng dẫn anh triển khai mô hình.
Với mô hình nuôi “vỗ giòn”, hàng ngày, anh Tiệp cho cá ăn bằng hạt đậu tằm - loại thức ăn chính, quyết định chất lượng cá thương phẩm khi đến vụ khai thác. Anh chia sẻ: Hạt đậu tằm có hàm lượng protein chiếm tới 31% trọng lượng thức ăn, đồng thời chứa 8 loại axit amin thiết yếu và 49% hàm lượng tinh bột… Đây là loại thức ăn làm thay đổi chất lượng thịt của cá chép, tăng độ dai cơ thịt, làm thịt cá chép giòn, dai, săn chắc và giảm mỡ bụng cá sau khoảng 5-6 tháng nuôi.
Đại diện Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Võ Nhai trao đổi kỹ thuật nuôi cá chép giòn với anh Lương Thanh Tiệp.
Với kiến thức tự học hỏi được và sự hỗ trợ của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Võ Nhai, đàn cá của anh Tiệp sinh trưởng và phát triển tốt. Sau 6 tháng, cá chép đạt trọng lượng khoảng 2kg/con. Lúc này, mặc dù đã có thể khai thác nhưng anh Tiệp quyết định nuôi thêm 6 tháng nữa để cá đạt trọng lượng và hiệu quả kinh tế cao hơn.
Đến cuối năm 2020, lứa cá thương phẩm đầu tiên đã đem lại hiệu quả cao với lợi nhuận khá lớn cho anh Tiệp. Gần 1.000 con cá chép giòn thương phẩm xuất bán, đạt tổng trọng lượng lên tới xấp xỉ 4 tấn. Với lứa cá này, anh Tiệp thu về trên 500 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, anh lãi gần 200 triệu đồng.
Nối tiếp thành công đó, anh Tiệp quyết tâm tái đầu tư nuôi “vỗ giòn” cá chép và tiếp tục được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hỗ trợ 1.000 con giống. Hiện, số cá này sinh trưởng khá tốt và dự kiến cho sản lượng, lợi nhuận tăng khoảng 5% so với năm 2020. Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi cá chép giòn, anh Tiệp nói: Sau hai vụ nuôi thử nghiệm, tôi nhận thấy quy trình, kỹ thuật nuôi “vỗ giòn” cá chép không quá khó, thời gian nuôi lại linh hoạt từ 6-12 tháng nên rất phù hợp với điều kiện tại địa phương. Dự kiến, năm sau tôi sẽ đầu tư nuôi cá chép thông thường từ cá giống nhỏ để chủ động tạo nguồn giống nuôi “vỗ giòn”.
Cùng với mô hình của anh Lương Thanh Tiệp, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Võ Nhai cũng hỗ trợ 1 mô hình khác trên địa bàn xã Dân Tiến triển khai nuôi cá chép giòn và cho hiệu quả tương tự. Theo đánh giá của Trung tâm, 2 mô hình nuôi cá chép giòn trong lồng được triển khai tại khu vực có dòng chảy trên sông nên môi trường nước sạch, luôn tuần hoàn, cung cấp đầy đủ ô-xy, cá vận động nhiều hơn nên chất lượng thịt dai, giòn, không có mùi tanh như các loại cá nuôi thông thường. Chính vì vậy, cá chép giòn thương phẩm đều có đầu ra thuận lợi, thương lái thường mua cả lồng với giá từ 130-140 nghìn đồng/kg.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Xuân Thái, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Võ Nhai cho biết: Cá chép giòn là đối tượng có tiềm năng rất lớn cho nông dân nuôi cá lồng bè, cả về hiệu quả kinh tế lẫn đầu ra cho sản phẩm. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường tuyên truyền, tổ chức các buổi tham quan, trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi để thu hút thêm nhiều nông dân trong huyện học tập, áp dụng mô hình này. Từ đó, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho bà con dựa vào những điều kiện sẵn có của địa phương.