Cập nhật: Thứ sáu 12/11/2021 - 15:55
TS. Detlef Briesen - Đại học Justus Liebig Giessen, khẳng định Luật Bảo vệ môi trường 2020 thể hiện bước đổi mới quan trọng nhất của hệ thống chính sách về môi trường quốc gia.
TS. Detlef Briesen - Đại học Justus Liebig Giessen, khẳng định Luật Bảo vệ môi trường 2020 thể hiện bước đổi mới quan trọng nhất của hệ thống chính sách về môi trường quốc gia.

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn vừa tổ chức tọa đàm công bố Báo cáo quốc gia về “Chính sách môi trường ở Việt Nam”. Báo cáo cung cấp một cái nhìn tổng quan về những vấn đề môi trường cấp thiết mà Việt Nam đang phải đối mặt và những chính sách, biện pháp cụ thể nhằm giảm thiểu, loại bỏ hay ngăn chặn các vấn đề đó.

Đây là nghiên cứu do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và Đại học Justus Liebig Giessen (Cộng hòa Liên bang Đức) thực hiện với mục đích tạo ra một nguồn thông tin chất lượng, đáng tin cậy cho nhiều đối tượng độc giả khác nhau, từ các chính trị gia, giới thực hành chính sách, đại diện các cơ quan nghiên cứu, cộng đồng doanh nghiệp và công chúng.

Trình bày các kết quả nghiên cứu trong Báo cáo “Chính sách môi trường ở Việt Nam”, TS. Detlef Briesen - Đại học Justus Liebig Giessen cho biết:  Ngoài những vấn đề môi trường toàn cầu, Việt Nam đang phải đối mặt với các thách thức môi trường lớn trong nước. Quá trình phát triển của các thành phố, của nền kinh tế, hệ thống giao thông vận tải và sự tăng trưởng mạnh mẽ của sản xuất công nghiệp và nông nghiệp đã dẫn đến ô nhiễm không khí, nước và đất và những thiệt hại nghiêm trọng đối với hệ động, thực vật của đất nước.

Việc thông qua Luật Bảo vệ môi trường 2020 thể hiện bước đổi mới quan trọng nhất của hệ thống chính sách về môi trường quốc gia. Chắc chắn Luật Bảo vệ môi trường mới sẽ tạo một khung pháp lý vững chắc cho các công cụ chính sách bao gồm giấy phép môi trường, kinh tế tuần hoàn, mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất và nhiều công cụ chính sách khác.

Nhằm cải thiện hiệu quả của các chính sách môi trường, báo cáó đã đưa ra một số khuyến nghị về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường phối hợp giữa chính sách môi trường với các chính sách khác của nhà nước, kiểm soát chặt chẽ hơn các chuỗi sản xuất, tăng nguồn lực tài chính, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và chống lại sự xâm nhập của các loài ngoại lai, quy hoạch hệ thống giao thông phù hơp với nhu cầu của người dân, nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng, hay thực hiện các chiến dịch nâng cao nhận thức của người dân và chính quyền.

Theo Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hoàng Anh Tuấn, trong nhiều năm trở lại đây, môi trường luôn là một trong những chủ đề thu hút sự quan tâm nhiều nhất của các quốc gia và người dân trên trái đất. Ngay cả trong bối cảnh dường như mọi nguồn lực, mọi sự quan tâm, chú ý đều dành cho các vấn đề liên quan đến đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu và các vấn đề môi trường khác vẫn nằm trong nhóm các mối quan ngại hàng đầu của nhân loại. Chính vì thế, việc công bố Báo cáo quốc gia với chủ đề “Chính sách môi trường ở Việt Nam” có ý nghĩa đặc biệt về mặt khoa học, chính sách và thực tiễn.


Theo TN&MT